Ùn tắc giao thông kéo dài trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
TP.HCM hiện đang đối mặt với nạn ùn tắc giao thông mỗi ngày. Giải quyết vấn nạn này xem ra khá nan giải bởi tình trạng nhập cư dân số cơ học tăng dần kéo theo tăng đáng kể phương tiện giao thông trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp thời và có khuynh hướng không thể đáp ứng được.
Tốc độ xây dựng, nhất là xây dựng nhà cao tầng, không ngừng phát triển và thường có khuynh hướng đổ dồn về một phía nào đó ăn nên làm ra của các nhà đầu tư bất động sản, gây ra áp lực về vùng trũng tích tụ xây dựng và cư dân.
Ngoài ra cũng không loại trừ nguyên nhân nhận thức quá kém của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, khi đã bắt đúng bệnh "kẹt" thì các giải pháp tháo gỡ đạt hiệu quả cao.
7 phương án khả thi cho giao thông
Theo tôi, trước hết Sở Giao thông vận tải TP cần có kế hoạch rà soát lại tất cả những "điểm nóng" bao gồm các cung đường cũng như giờ cao điểm ùn tắc; phối kết hợp với các ngành liên quan như công an, thông tin truyền thông cùng ban ngành đoàn thể khác từ thành phố đến cấp quận huyện, xã phường để tái lập trật tự giao thông bằng nhiều hình thức:
1. Tăng cường hiệu quả hoạt động của CSGT như tăng nhân sự, nghiêm túc xử phạt những hành vi vi phạm luật giao thông, đặc biệt là những hành vi lấn chiếm làn đường, luồn lách trên vỉa hè, phần đường dành cho bộ hành. Những hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ này làm cho thực trạng đã "ùn" càng thêm "tắc".
2. Qua hoạt động chuyên môn, ban ngành đoàn thể thường xuyên lồng ghép xây dựng chuyên đề tuyên truyền xây dựng văn hóa giao thông cho người tham gia giao thông có những hành vi ứng xử phù hợp, văn minh để nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông.
3. Căn cứ trên thực trạng giao thông, Sở Giao thông vận tải TP cần có kế hoạch điều chỉnh cách vận hành hệ thống giao thông, phân luồng hợp lý, tăng hoặc giảm hợp lý một số đường một chiều trên một số cung đường có thể dẫn tới ùn tắc một số đường trong hiện tại và tương lai.
4. Thực hiện chính sách kiểm soát dân số, phân bổ dân số trên nhiều tiểu vùng trong thành phố khác nhau; mạnh dạn thu hồi những dự án bất động sản liên quan đến việc xây dựng nhà cao tầng có nguy cơ tích tụ dân số ở một tiểu vùng tích tụ dân số. Kinh nghiệm này đã thực hiện thành công ở Tokyo, Nhật Bản.
5. Phát triển và hoàn thiện các phương tiện vận tải công cộng như số đầu xe, chất lượng xe và chất lượng phục vụ, dứt điểm nạn cướp giật… trên các phương tiện công cộng. Không thể có kiểu "đánh trống bỏ dùi" trong việc khuyến khích người dân dùng phương tiện vận chuyển công cộng thay thế dần các phương tiện di chuyển cá nhân.
6. Phát triển càng nhiều tuyến, chuyến xe buýt thông minh, chất lượng cao. Xây dựng các trạm đi đến hiện đại khép kín không khác gì xe điện ngầm ở các nước tiên tiến. Đây là một mô hình khả thi, có hiệu quả ở các nước đang phát triển như Brazil chẳng hạn.
7. Liên quan tới việc làm tốt phương tiện vận tải công cộng cũng cần hoàn thiện hạ tầng giao thông, thường xuyên duy tu bảo dưỡng đường sá, hệ thống tín hiệu đèn giao thông, hệ thống cảnh báo tài xế ùn tắc cục bộ để góp phần vào việc tạo điều kiện giao thông được thông suốt.
Ưu tiên giải pháp chống ngập
Trong hơn 5 năm qua, gần 26.000 tỉ đồng đã được chi cho công tác chống ngập. Tuy nhiên, đến nay TP.HCM vẫn còn 22 điểm ngập.
Các dự án chống ngập được đầu tư ra sao, bao giờ các dự án này hoàn thành và phát huy hiệu quả chống ngập? Câu trả lời hãy còn phía trước. Một giải pháp chống ngập cho TP.HCM phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân.
Giữa một rừng nguyên nhân, cần chọn lọc, ưu tiên giải pháp từ những nguyên nhân cốt lõi gồm:
1. Địa hình địa mạo, trong đó nguyên nhân chính là TP.HCM nằm ở vùng hạ lưu sông Đồng Nai - Sài Gòn, là một thành phố phải chịu ngập theo mưa hay triều cường.
Ngập sẽ càng nặng hơn về lâu về dài, do hiện tượng biến đổi khí hậu và đất bị lún sụt do hiện tượng tự phát khoan giếng lấy nước của người dân. Diện tích tự nhiên TP có 61% là vùng đất thấp. Thoát nước tự nhiên theo dòng chảy này đang bị kiến trúc xây dựng càng ngày càng dày đặc làm khó dễ.
2. Từ nhiều năm qua, TP đã không quy hoạch chọn hướng phát triển theo hướng bắc - đông bắc mà theo chiều ngược lại làm tắc nghẽn nước từ vùng cao đổ xuống.
3. Với gần 8.000 hệ thống kênh rạch lớn nhỏ nội thành thoát nước trước đây, hiện nay ngoài một số đã bị san lấp để xây dựng, theo thống kê của TP, còn có hơn 200 kênh rạch bị lấn chiếm.
Mọi giải pháp chống ngập đặt ra, theo tôi, trước hết phải đáp ứng yêu cầu đồng bộ từ những nguyên nhân cốt lõi này.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận