12/03/2022 08:52 GMT+7

Hiểm họa từ những nhóm 'liều' trên Facebook

LÊ PHAN
LÊ PHAN

TTO - Phóng viên Tuổi Trẻ đã tham gia 'hội những người vỡ nợ muốn làm liều' trên mạng xã hội Facebook để tìm hiểu môi trường có nguy cơ hình thành nhiều nhóm tội phạm ở nơi đây.

Hiểm họa từ những nhóm liều trên Facebook - Ảnh 1.

Những "tút" lôi kéo đánh bạc và buôn bán phụ nữ... - Ảnh chụp từ màn hình

Sau khi công an triệt phá nhóm cướp xuất phát từ "hội những người vỡ nợ muốn làm liều" mới đây ở Hà Nội, chỉ cần lên Facebook gõ từ khóa "hội" thì lập tức đã hiện ra gợi ý các trang, nhóm mang tên này.

Từ rủ cướp ngân hàng đến trộm chó, đánh bạc

Do lượng truy cập, tìm kiếm quá đông và lời cảnh báo "cần đánh sập" từ cơ quan chức năng, một số nhóm đã đổi tên lại để tránh bị chú ý.

Một quản trị viên nhóm có khoảng 125.000 thành viên, sau khi đổi tên nhóm, đã viết: "Tạo nhóm chỉ để J4F (Just for fun - Chỉ để vui - PV), thế mà các ông lại làm liều thật vậy".

Vào một nhóm khác có khoảng 15.000 thành viên, bài đăng đầu tiên chúng tôi nhìn thấy có nội dung: "Thiếu 400 triệu và bị người yêu bỏ. Anh em có mối buôn bán phụ nữ qua Trung Quốc các kiểu không ạ". 

Bài đăng kế đó lại cảm thán về sự thất bại của "hai thành viên nhóm" cướp ngân hàng ở Hà Nội vừa bị sa lưới. 

Tài khoản này viết: "Và thế là có hai anh em của hội chúng ta thất bại rồi anh em à. Có ai chung sức với mình làm vụ cẩn thận và thành công không nhỉ. Để cho anh em khác có động lực mà đi cướp, chứ cứ thất bại này thì hỏng. Làm chả có kế hoạch gì cả".

Thậm chí có bài đăng còn tự xưng "có 1 khẩu AK và K54, cần tìm 2 người anh em thật liều chiến, được ăn cả, ngã về không".

Một tài khoản khác thì vào "trải lòng" về sự nghiệp lừa đảo của mình. Tài khoản này viết: "Buồn quá các bác ạ, không biết có bác nào trong nhóm như em không. 

Em làm lừa đảo trên mạng xã hội từ năm 2019 đến cuối 2021, cũng lừa được vài tỉ. Đừng hỏi vì sao không bị bắt nhé vì có bài bản hết rồi, em có kinh nghiệm nên trường hợp xấu rất ít xảy ra. 

Nhưng đến năm 2022 vì ham mê cờ bạc nên mất hết, mất cả danh dự và tiếng nói. Giờ em nản quá chắc vài năm mới trở lại như cũ".

Chưa dừng lại đó, có những bài đăng khiến ai đọc cũng phải phì cười khi có thành viên tìm người đi trộm chó cùng, đi "nhảy" xe ở khu trọ, thậm chí là đi đào mộ trộm. 

Nguy hiểm hơn, sau khi chúng tôi tham gia nhóm đã có người kết bạn rủ chơi tài xỉu ăn tiền thông qua một game tại trang web... 

Người này kết bạn Zalo và kết nạp chúng tôi vào một nhóm có khoảng 91 thành viên. Nhóm này hoạt động chủ yếu vào khung giờ 10h, 14h và 16h30 mỗi ngày. 

Cứ đến thời điểm này quản trị viên nhóm sẽ kêu gọi mọi người trong nhóm vào game. Giao diện game sẽ là trò chơi tài xỉu, người chơi nạp tiền vào tài khoản và đặt cược theo hướng dẫn của quản trị viên...

Môi trường xấu hình thành tội phạm

Trao đổi với Tuổi Trẻ về những hội nhóm này, TS Đỗ Tất Thiên, phó trưởng khoa tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận định các nhóm người có chung mục tiêu, động cơ tốt hay xấu luôn tồn tại từ xưa đến nay. 

Có nhiều yếu tố cơ bản để gắn kết họ lại với nhau như: chung nhu cầu, chung hứng thú, có sự tương hợp về tâm sinh lý...

Bên cạnh đó, cần có tổ chức, phương tiện, người đứng đầu để kết nối những điểm chung này của họ lại với nhau. 

Trong thời đại ngày nay, khi mạng xã hội ngày càng đa dạng và phổ biến, việc các hội nhóm - nơi tập hợp các cá nhân có chung động cơ, mục tiêu theo hướng tiêu cực - cũng ngày càng phổ biến và lan rộng hơn.

"Khi tham gia vào nhóm lớn, các cá nhân sẽ cùng tương tác với nhau và tạo nên hiện tượng mà trong tâm lý học xã hội gọi là "tâm lý đám đông". Đám đông càng có nhiều sự tương hợp thì càng dễ tạo ra một tập thể "đồng tâm". 

Khi tham gia đám đông, những cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ, lời nói, thái độ, hành vi... của cá nhân sẽ bị tác động rất lớn bởi những người bên ngoài. Sự tác động đó có khả năng lớn tới mức cá nhân có thể đánh mất chính mình.

Thậm chí người trong cuộc còn có những cảm xúc, thái độ, hành vi mà khi ở một mình họ không thể nào có được. 

Do đó, việc một cá nhân lúc đầu tham gia một "nhóm xấu" nào đó cũng chỉ vì tò mò, hiếu kỳ, thấy tên nhóm có nhiều điểm tương đồng với bản thân hay chỉ có ý định chia sẻ, tìm kiếm sự đồng cảm... nhưng khi gia nhập vào rồi họ lại bị các yếu tố của tâm lý đám đông kéo theo lúc nào không hay là điều dễ hiểu", ông Thiên phân tích.

Không có cơ chế kiểm soát nhóm nhảm nhí trên mạng xã hội

Ông Nguyễn Duy Vĩ, giám đốc Công ty truyền thông Buzi, cho biết chỉ vài thao tác đơn giản là có ngay một hội nhóm với những cái tên được đặt một cách thoải mái và hầu như không có cơ chế nào kiểm soát.

Nhiều nhóm hoạt động ngược hoàn toàn với tên gọi, như: nhóm bóc phốt lừa đảo lại toàn bài lừa đảo; nhóm cảnh báo tệ nạn lại toàn quảng cáo dịch vụ bài bạc, mại dâm trá hình...

Thế nhưng, những nhóm nhảm nhí này lại thu hút rất nhiều thành viên và phát triển khá nhanh trong khi những nhóm về kiến thức thì thành viên lại tăng trưởng rất chậm.

Điều đáng nói, việc tham gia vào các nhóm nhảm nhí nêu trên không giúp cho chúng ta có thêm kiến thức hoặc đơn thuần giải trí cũng hoàn toàn không có giá trị. Các thông tin trên những nhóm này phần lớn là sai sự thật, tiêu cực, giật gân nhằm câu tương tác và phát triển thành viên...

Do đó, trước khi tham gia một hội nhóm nào đó trên Facebook, người dùng nên đọc nội quy của nhóm.

Tốt nhất, người dùng không nên tham gia bất kỳ hội nhóm nào có nội dung nhảm nhí vì về lâu dài sẽ ảnh hưởng tâm lý của chính mình. Từ đó có thể phát sinh những suy nghĩ và hành động tiêu cực, thậm chí vi phạm pháp luật.

ĐỨC THIỆN

Nhóm viên Nhóm viên 'hội những người vỡ nợ muốn làm liều' rủ nhau đi... cướp

TTO - Thời gian qua tại Hà Nội xảy ra nhiều vụ cướp có tính chất manh động. Hầu hết thủ phạm gây án đều quen nhau qua nhóm "hội những người vỡ nợ muốn làm liều" trên mạng xã hội Facebook, sau đó rủ nhau lập "băng cướp" tài sản.

LÊ PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên