Tú Chinh (617) vừa vắt kiệt sức ở SEA Ganes 29, lại vội vã lên đường dự AIMAG 5. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Theo tờ trình của Tổng cục TDTT lên Bộ VH-TT&DL, đoàn thể thao VN tham dự AIMAG 5 với 194 thành viên, trong đó có 34 HLV và 169 VĐV... của 14 môn thể thao như: điền kinh, bơi, cử tạ, taekwondo, vật, muay, kurash, kickboxing, jujitsu, thể dục nghệ thuật, cờ, bowling, biliards & snooker, futsal.
Ánh Viên, Tú Chinh lại đi thi
Tuy nhiên đến phút cuối đội tuyển futsal nữ không tham dự mà chỉ có đội tuyển futsal nam do ông Trần Anh Tú làm lãnh đội tham dự.
Theo Tổng cục TDTT, trong số 14 đội tuyển tham dự AIMAG 5, Nhà nước chỉ chi kinh phí cho 5 môn gồm điền kinh, bơi, cử tạ, taekwondo, vật. 9 môn thi còn lại sẽ đi theo hình thức xã hội hóa. Nói là xã hội hóa nhưng thực chất 9 đội tuyển này đi bằng nguồn ngân sách của các địa phương, ngành. Chỉ một số ít môn đi bằng tiền của các liên đoàn thể thao quốc gia.
Đoàn thể thao VN tham dự AIMAG 5 do ông Trần Đức Phấn - phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - làm trưởng đoàn, một phó đoàn là ông Nguyễn Trọng Hổ - vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II. Chỉ tiêu của đoàn thể thao VN là giành từ 5-7 HCV, đứng vị trí 10-15 tại đại hội. Đáng chú ý, một số “ngôi sao” của đoàn thể thao VN vừa vắt sức tham dự SEA Games 29 cũng có tên trong danh sách tham dự AIMAG 5 như: Nguyễn Thị Ánh Viên, Nguyễn Hữu Kim Sơn, Trần Duy Khôi (bơi lội), Lê Tú Chinh, Bùi Thị Thu Thảo, Dương Thị Việt Anh, Hoàng Thị Ngọc, Nguyễn Văn Lai (điền kinh), Thạch Kim Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ)...
Nên tập trung nguồn lực cho đại hội chính thống
Do nhiều môn thi, nội dung thi không có trong chương trình Asiad và Olympic nên AIMAG là đại hội không có nhiều giá trị về chuyên môn, chủ yếu mang tính giao lưu, quảng bá thể thao và văn hóa của các quốc gia. Ví dụ như ở môn điền kinh, thay vì thi chạy 100m thì AIMAG lại thi chạy 60m, nội dung không có ở Asiad, Olympic.
Vì vậy AIMAG không đúng với định hướng phát triển của thể thao VN trong những năm gần đây là tập trung đầu tư trọng điểm cho các môn Olympic, Asiad. Trong điều kiện nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho thể thao còn hạn chế, nhiều nhà quản lý thể thao, các chuyên gia cho rằng thể thao VN nên tập trung nguồn lực cho các đại hội thể thao chính thống thay vì bỏ quá nhiều tiền đưa VĐV xuất sắc tham dự những đại hội thể thao kiểu này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Đức Phấn cho biết đây là lần đầu tiên ông tham dự AIMAG. Tuy nhiên ông Phấn cũng thẳng thắn cho rằng lần tham dự này của ông là để đánh giá về cách tổ chức, quy mô, tính chất của AIMAG một cách chính xác nhất. Trên cơ sở đó tham mưu với cấp trên để ngành thể thao cử lực lượng phù hợp tham dự những đại hội lần sau.
Không nhiều VĐV xuất sắc tham dự AIMAG AIMAG là kỳ tranh tài thể thao do Hội đồng Olympic châu Á (OCA) sáng lập và tổ chức nhằm phát triển những môn thể thao, nội dung trong nhà, võ thuật không có trong chương trình thi đấu Olympic hay Asiad. AIMAG là sự sáp nhập của hai đại hội: Đại hội thể thao châu Á trong nhà và Đại hội thể thao võ thuật châu Á. Năm 2009, VN từng là chủ nhà của Đại hội thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3 (AIG 3). Tại đại hội này, đoàn thể thao VN đã giành đến 42 HCV và đứng thứ 2 trên bảng tổng sắp huy chương, chỉ sau Trung Quốc (48 HCV). Sau khi VN tổ chức AIG 3, OCA không tìm được quốc gia đăng cai AIG 4 nên đã sáp nhập đại hội này với Đại hội thể thao võ thuật châu Á thành AIMAG. Ở AIMAG 4 tổ chức năm 2013 tại Hàn Quốc, đoàn thể thao VN giành được 8 HCV, đứng thứ 3/43 quốc gia tham dự đại hội. Các quốc gia châu Á, đặc biệt là các cường quốc thể thao như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... thường cử rất ít và đa số không phải VĐV xuất sắc nhất của họ tham dự đại hội thể thao này. |
“Do AIMAG 5 không có nhiều ý nghĩa về mặt chuyên môn như Asiad, Olympic nên chúng tôi chỉ cử một số ít VĐV xuất sắc đi thi. Trong điều kiện nguồn lực của thể thao VN hạn chế, sau khi dự đại hội này chúng tôi sẽ có tính toán phù hợp Ông Trần Đức Phấn (phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận