Mổ nội soi khớp khuỷu tại Đồng Nai - Ảnh: N.T.Anh |
Các bác sĩ đã dùng những phương tiện hiện đại qua nội soi cắt đốt mô viêm và may lại gân rách cho bệnh nhân Lê Đình Nguyên bị viêm, rách gân cơ duỗi tay chỗ bám vào mỏm xương lồi cầu ngoài khuỷu, hay còn gọi là hội chứng tennis elbow.
Ông Nguyên chơi tennis đã lâu và bị đau khuỷu tay sau một lần chơi quá sức. Ông đã đi điều trị nhiều nơi, kể cả chích sáu lần corticoid vào chỗ đau, nhưng khuỷu tay vẫn đau và ngày càng yếu. Ông phải bỏ chơi tennis và về sau không thể xách nặng hay lái xe.
Đây là một trong nhiều trường hợp đau khuỷu tay do chơi thể thao được điều trị bằng kỹ thuật nội soi khớp khuỷu. Kỹ thuật này đã được ứng dụng đầu tiên tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM từ năm 2006. Tuy nhiên, đến nay trong cả nước chưa có nhiều bác sĩ thực hiện kỹ thuật này.
Nguyên nhân do nội soi khớp khuỷu là một kỹ thuật cao, khó thực hiện vì cấu trúc giải phẫu rất phức tạp: khớp khuỷu nhỏ hẹp và bao quanh khớp khuỷu có nhiều dây thần kinh và mạch máu quan trọng của chi trên, nên bác sĩ phải nắm vững giải phẫu và có nhiều kinh nghiệm mới mổ thành công.
Nội soi khớp khuỷu là một kỹ thuật hiện đại, ít xâm nhập, giúp quan sát trực tiếp tổn thương và điều trị chính xác tổn thương với các phương tiện chuyên dùng hiệu quả nhất mà ít gây tổn thương thêm các cấu trúc khác. Sau mổ, bệnh nhân chỉ nằm viện một đêm, sẹo mổ thẩm mỹ, ít đau sau mổ, phục hồi nhanh, ít biến chứng cứng khớp và sẹo mô mềm so với mổ mở.
Kỹ thuật nội soi khớp khuỷu đã được ứng dụng thành công tại VN, điều trị những bệnh mà trước đây bác sĩ “bó tay” như đau khuỷu tay mãn tính do hội chứng tennis elbow, viêm khớp khuỷu “bất trị” bằng nội khoa, sạn kẹt khớp và đặc biệt là cứng khớp khuỷu do chồi xương, co rút bao khớp do chấn thương té ngã, chấn thương thể thao, hoặc sau bó bột hay sau mổ kết hợp xương vùng khuỷu.
Ứng dụng và chuyển giao thành công kỹ thuật nội soi khớp khuỷu tại nhiều bệnh viện trong cả nước giúp nhiều bệnh nhân khớp khuỷu được chữa khỏi, giải quyết được di chứng cứng khớp khuỷu - nỗi ám ảnh ở những bệnh nhân chấn thương vùng khuỷu.
Kết hợp tây y với đông y Theo y học cổ truyền, đau khuỷu tay do lao động, sinh hoạt, tập luyện... (như hội chứng tennis elbow) thuộc nguyên nhân chấn thương làm cho khí huyết tắc không lưu thông được gây nên những điểm đau (a thị huyệt), lúc đầu đau dữ dội (cự án: ấn vào thấy khó chịu), sau lâu dần điểm đau này ấn vào cảm giác dễ chịu, đau âm ỉ dai dẳng kéo dài (thiện án: dễ chịu khi ấn). Y học cổ truyền có nhiều phương pháp khác nhau, điều trị để giảm đau, giúp phục hồi tổn thương vùng khớp khuỷu tay. * Phương pháp dùng thuốc: thường dùng bài Quyên tý thang gia giảm (có tác dụng giảm đau khớp chi trên), sắc uống ngày hai lần lúc thuốc còn ấm. * Phương pháp không dùng thuốc: - Châm cứu: huyệt sử dụng: a thị huyệt (điểm đau tại khớp khuỷu), khúc trì (huyệt ở đầu ngoài nếp gấp khuỷu tay khi cẳng tay và cánh tay co một góc 90o), thủ tam lý (đường thẳng từ khuỷu tay đo xuống cổ tay - chỗ lõm khi dang ngón cái - khoảng 4cm). Nếu điểm đau cự án thì châm (đưa kim vào huyệt): vê kim mạnh, thời gian ngắn từ 5-10 phút hoặc nếu điểm đau thiện án thì cứu (dùng sức nóng tác dụng vào huyệt): cứu ấm vùng đau khoảng 15-20 phút hoặc có thể phối hợp châm và cứu nếu tái phát nhiều lần. - Xoa bóp bấm huyệt tập luyện: xoa bóp bấm huyệt trước để khí huyết lưu thông, giảm đau, giãn cơ, sau đó vận động khớp (thực hiện động tác gấp, duỗi, sấp, ngửa khuỷu tay) để tăng biên độ vận động khớp trong trường hợp khớp bị giới hạn vận động. Sau đó xoa bóp nhẹ nhàng để kết thúc. Trong xoa bóp chú ý khi có điểm đau cự án thì xoa bóp nhanh mạnh, thời gian ngắn 5-10 phút; nếu gặp điểm đau thiện án thì xoa bóp nhẹ nhàng và thời gian xoa bóp bấm huyệt hơi lâu, từ 15-20 phút. Nếu có hiện tượng teo cơ ở khuỷu tay thì khi điều trị phải dùng thuốc bổ tỳ (lá lách) vì thịt teo hay nhão là do tỳ. Nếu có hiện tượng co cứng cơ khớp ở khuỷu tay thì dùng thuốc bổ can (gan) vì gân co rút là do can. Ngày nay điều trị hội chứng tennis elbow nói riêng và đau nhức bệnh lý cơ xương khớp do chấn thương trong lao động, sinh hoạt, tập luyện... nói chung có sự kết hợp đông - tây y hợp lý. Cụ thể, trước khi điều trị bằng đông y, bệnh nhân thực hiện các cận lâm sàng cần thiết (siêu âm cơ, X-quang, CT, MRI...) để xác định chính xác vị trí và mức độ tổn thương, từ đó đưa ra chẩn đoán, đánh giá mức độ để có hướng điều trị thích hợp là sử dụng đông y hay phối hợp đông và tây y hoặc tây y, đặc biệt là phẫu thuật... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận