CSGT sử dụng camera gắn trên mũ để theo dõi các hoạt động giao thông Ảnh: Q.Định |
Đồng thời đây cũng là công cụ giám sát thái độ, cử chỉ, lời nói của CSGT khi giao tiếp với người dân.
Thiếu tá Trần Hồng Nam, phó đội trưởng đội CSGT Q.7 (thuộc Công an Q.7, TP.HCM), nhận xét như vậy về việc gắn camera trên mũ CSGT đã được cơ quan này triển khai thời gian qua.
Bằng chứng khách quan
Chiều 14-4, tổ xử lý vi phạm giao thông của CSGT Q.7 gồm bốn cán bộ do trung úy Phan Xuân Đức làm tổ trưởng đứng kiểm tra, xử lý vi phạm tại ngã tư Nguyễn Lương Bằng - Trần Văn Trà (Q.7).
Từ xa, trung úy Đức phát hiện một thanh niên chạy xe máy từ hướng Nguyễn Lương Bằng đến giao lộ Trần Văn Trà. Dù có tín hiệu đèn đỏ nhưng khi đến giao lộ, thanh niên trên vẫn chạy xe lấn qua vạch sơn trắng dành cho người đi bộ.
Chờ có tín hiệu đèn xanh, trung úy Đức ra hiệu cho thanh niên dừng lại. Người thanh niên được CSGT thông báo vi phạm lỗi. Cho rằng mình bị oan, người thanh niên trên cãi: “Tôi không vượt qua vạch sơn”.
Trung úy Đức liền cho biết lỗi vi phạm của anh này đã được camera ghi hình. Lập tức, người thanh niên hạ giọng chấp hành. Trung úy Đức nói: “Camera gắn trên mũ CSGT là bằng chứng khiến người vi phạm hết đường đôi co”.
Một số hạn chế Theo một CSGT chuyên xử lý vi phạm, việc gắn camera ghi hình trên mũ CSGT cũng có một số hạn chế nhất định. Cụ thể, khi CSGT thực hiện nhiệm vụ thì camera sẽ dao động theo các hành động của CSGT, do vậy chất lượng hình ảnh đôi khi không đảm bảo. Camera chỉ được gắn trên mũ CSGT yêu cầu dừng xe, trong khi việc xử lý trực tiếp người vi phạm lại do một CSGT phụ trách nên không biết chính xác hành vi vi phạm ra sao... Do vậy nếu sử dụng loại camera cầm tay sẽ dễ chủ động trong việc ghi hình hơn. |
Thiếu tá Nam kể: “Tổ xử lý nồng độ cồn từng gặp một người đàn ông uống khá say. Sau khi đo nồng độ cồn, người này cự cãi, không chấp hành việc ký vào biên bản vi phạm... Tất cả hành vi của người này từ khi thổi ống đo nồng độ cồn, hành vi cự cãi đều được camera trên mũ CSGT ghi hình lại.
Hôm sau người này đến đội làm việc, khi cán bộ xử lý yêu cầu viết tường trình thì người này cố tình viết sai sự thật, chỉ đến khi cán bộ xử lý mời người này xem “phim” thì ông ta mới chịu ký nhận lỗi vi phạm”.
Giảm thời gian xử lý vi phạm
Theo thiếu tá Nam, việc gắn camera trên mũ CSGT xuất phát từ nhu cầu thực tế là trong xử lý một số lỗi vi phạm, tình huống nhạy cảm dễ xảy ra cự cãi.
Do vậy, cuối tháng 12-2014 đội CSGT đề xuất và được lãnh đạo Công an Q.7 trang bị cho đội năm camera (trị giá khoảng 10 triệu đồng/máy).
“Trong luật xử phạt hành chính, muốn xử lý người vi phạm thì phải chứng minh được hành vi vi phạm của họ, phải có bằng chứng rõ ràng. Camera là công cụ giúp CSGT ghi lại bằng chứng” - thiếu tá Nam nói. Qua hơn ba tháng áp dụng việc gắn camera trên mũ CSGT (bắt đầu tháng 12-2014), công cụ này giúp CSGT giảm được thời gian xử lý vi phạm.
Thiếu tá Nam nhận định: “Các đoạn phim do camera gắn trên mũ CSGT ghi hình là bằng chứng khách quan, người quay phim không can thiệp vào phim. Trong một số trường hợp, khi người vi phạm cho rằng bị CSGT làm khó dễ... thì phim này sẽ được sử dụng để chứng minh hành vi đúng, sai của CSGT”.
Thiếu tá Nam còn nói: “CSGT không thể xóa những đoạn phim trong camera, phải có máy vi tính thì mới có thể lấy, xóa phim được”.
Trao đổi về việc gắn camera cho lực lượng CSGT thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, đại tá Trần Thanh Trà - trưởng PC67 - cho biết: “PC67 đang đề xuất ban giám đốc Công an TP.HCM cấp 200 bộ camera để gắn trên mũ của CSGT nhằm phục vụ cho công tác tuần tra, xử lý vi phạm giao thông.
Số camera này sẽ được cấp phát cho các đội CSGT trực thuộc PC67 sử dụng. Những hình ảnh do camera ghi hình sẽ được CSGT dùng làm bằng chứng để xử lý các trường hợp vi phạm giao thông”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận