18/04/2019 15:10 GMT+7

Hẹp niệu đạo

Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á
Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á

Niệu đạo thường bị hẹp sau khi bị chấn thương một thời gian, có thể lâu hay mau tùy vào tốc độ xơ hẹp của nó.

Hẹp niệu đạo - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: epainassist.com

Bệnh hẹp niệu đạo gây ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của người bệnh, gây cảm giác khó tiểu - bí tiểu, ứ nước - viêm bàng quang, thậm chí gây suy thận, vô sinh nếu điều trị không đúng cách, bệnh kéo dài.

Bệnh hẹp niệu đạo là gì?

Trước hết, chúng ta cần phải biết niệu đạo ở đâu? Và các nguyên nhân có thể gây hẹp niệu đạo. Trong cơ thể người bình thường, thường có hai trái thận, đảm nhận chức năng lọc máu và bài tiết nước tiểu, sau đó nước tiểu chảy theo hai niệu quản đổ vào bàng quang. Khi bàng quang co bóp sẽ tống xuất nước tiểu ra ngoài qua ngã niệu đạo. Vì niệu đạo nữ rất ngắn vừa ra khỏi bàng quang đã đến lỗ tiểu rồi nên rất khó bị tổn thương. Niệu đạo nam dài hơn do chạy thêm một đoạn dưới vùng đáy chậu và dương vật, nên dễ bị tổn thương hơn.

Niệu đạo thường bị hẹp sau khi bị chấn thương một thời gian, có thể lâu hay mau tùy vào tốc độ xơ hẹp của nó.

Nguyên nhân gây chấn thương niệu đạo

Nguyên nhân gây chấn thương niệu đạo có thể từ bên ngoài, như:

- Té toạc chân sang hai bên, kiểu té cầu khỉ hay kiểu ngồi ngựa, đập mạnh vùng tầng sinh môn vào vật cứng. Kiểu té này thường dập niệu đạo, đứt các mạch máu nuôi niệu đạo. Do đó sau một thời gian, đoạn niệu đạo không được máu nuôi sẽ bị xơ hóa và hẹp.

- Chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, gây vỡ xương chậu, tùy theo mức độ di lệch của xương có thể kéo theo vỡ bàng quang và rách hoặc đứt niệu đạo.

Nguyên nhân gây chấn thương niệu đạo có thể từ bên trong, do tự bản thân nhét những que cứng vào (thường gặp ở người bệnh tâm thần), hoặc do nhân viên y tế không có chuyên khoa đặt thông tiểu.

Điều trị bệnh hẹp niệu đạo

Thường thì sau chấn thương một thời gian, người bệnh cảm giác việc tiểu có vẻ khó dần, đôi khi cần phải rặn, và sau rồi rặn cũng không ra, việc tiểu bây giờ chỉ còn nhỏ giọt và dường như bí tiểu. Cảm giác đau vùng bụng dưới do bàng quang căng đầy. Nếu điều đó xảy ra, bệnh nhân cần phải đi khám ngay tại phòng khám chuyên khoa tiết niệu.

Bệnh nhân sẽ được mở bàng quang ra da để chuyển lưu nước tiểu ra ngoài trên xương mu, để niệu đạo được khô ráo và lành sẹo. Sau một thời gian khoảng 3 tháng, khi độ xơ hóa đã đến mức tối đa, người bệnh sẽ được cho chụp phim để xác định vị trí hẹp, chiều dài đoạn hẹp, mức độ hẹp của niệu đạo. Từ đó mới chọn được phương pháp điều trị đúng đắn.

Việc tạo hình nếu đoạn hẹp không dài thì chỉ cần cắt sạch mô xơ chai. Nếu còn chút mô xơ nào thì chuyện sẽ tái hẹp là không tránh khỏi.

Nếu đoạn hẹp dài thì cần lấy thêm niêm mạc miệng (má), để nối vào thay cho đoạn xơ hẹp đã được cắt bỏ.

Cuộc mổ thường kéo dài từ 4 đến 6 giờ, do cần phải tỉ mỉ và kiên nhẫn, chỉ dùng để may nhuyễn mịn hơn sợi tóc.

Sau mổ khoảng 3 tuần, bệnh nhân sẽ được rút hết các ống thông và chụp hình kiểm tra. Kết quả thường rất tốt. Bệnh nhân sẽ xuất viện với dòng nước tiểu mạnh như trước.

Phương pháp nong niệu đạo

Cũng xin nói thêm một phương pháp nữa là xẻ lạnh niệu đạo. Đây là một phương pháp giải quyết nhẹ nhàng, nhanh chóng. Bệnh nhân sẽ được nội soi từ lỗ tiểu ngược chiều qua đường tiểu (niệu đạo) đến đoạn hẹp. Bác sĩ sẽ dùng một lưỡi dao chuyên dùng để xẻ đứt hết các mô xơ chai đang tạo thành vòng thắt gây hẹp ở một vài vị trí. Sau đó, sẽ dùng dụng cụ nong để nong niệu đạo, đến số cao nhất có thể. Bệnh nhân sẽ được sớm xuất viện.

Phương pháp này thường áp dụng cho những bệnh nhân không có thời gian, do phải đi công tác, hoặc phải tham gia các sự kiện quan trọng gì đó của cơ quan hoặc gia đình, và cho những ai sợ phẫu thuật. Dĩ nhiên, động tác cắt bỏ mô xơ và nong sẽ làm tổn thương thêm nhiều mạch máu nuôi niệu đạo, và như vậy, thì việc tái hẹp là điều không tránh khỏi.


Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên