Phóng to |
Cứ 1 USD chi cho y tế tại Mỹ thì 30 cent bị lãng phí - Ảnh: Daily Mail |
Ngày 6-9, Viện Y học Mỹ (IOM) - một tổ chức cố vấn chính phủ độc lập thuộc Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ - công bố báo cáo khẳng định cứ 1 USD chi cho y tế ở Mỹ thì có đến 30 cent bị lãng phí vào các dịch vụ không cần thiết, thủ tục hành chính rối rắm, các hành vi lừa đảo... IOM đánh giá trong 50 năm qua y tế Mỹ đã đạt được vô số thành tựu về chuyên môn nhưng ngày càng thụt lùi về các khía cạnh cơ bản như chất lượng, kết quả, chi phí và sự công bằng.
Chi cao, hiệu quả thấp
Theo IOM, 750 tỉ USD lớn hơn cả ngân sách dành cho Bộ Quốc phòng Mỹ và đủ để chăm sóc tất cả những người không có bảo hiểm y tế. Tổng số tiền bị lãng phí = 210 tỉ USD do các dịch vụ thừa thãi + 190 tỉ USD do chi phí quản trị quá lố + 130 tỉ USD do phân phối dịch vụ y tế thiếu hiệu quả + 105 tỉ USD do giá dịch vụ cao quá mức + 75 tỉ USD do các hành vi lừa đảo...
IOM cho rằng chính sự lãng phí này là lý do vì sao nước Mỹ tiêu tốn tới 18% GDP hằng năm vào y tế, cao hơn các nước phương Tây khác từ 50-90%, nhưng hệ thống y tế Mỹ lại có chất lượng thấp nhất trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Năm 2010, nước Mỹ chi tới 2.600 tỉ USD cho y tế. Trong khi đó chi phí y tế bình quân theo đầu người của Canada, quốc gia tiêu tốn vì y tế lớn thứ hai trên thế giới, chỉ bằng 65% so với Mỹ.
Mỹ hiện có 50 triệu người không có bảo hiểm y tế, tương đương 16% dân số, cao nhất trong số các nước phát triển. Tổ chức Families USA ước tính khoảng 26.000 người Mỹ chết hằng năm do không có bảo hiểm y tế. Tuổi thọ bình quân của người Mỹ hiện vào khoảng 78,2 năm, chỉ xếp thứ 20 trong số 26 nước phát triển. Tuổi thọ bình quân của các nước như Úc, Áo, Canada, Anh, Ireland, Na Uy và Thụy Sĩ đều lên tới 80-83 tuổi.
Có thể cắt giảm mà chất lượng không giảm
Báo cáo của IOM khẳng định có nhiều cách để có thể tiết kiệm ngân sách mà không ảnh hưởng đến sự tiếp cận các dịch vụ y tế của bệnh nhân. “Hiện tại chúng ta có rất nhiều dịch vụ không có lợi, một số thậm chí có hại. Nhưng vấn đề là khi bàn đến việc loại bỏ một kiểu dịch vụ y tế nào đó, người ta lại cứ hét lên là hạn chế” - chuyên gia y tế Rita Redberg thuộc Đại học California nhận định.
IOM đề xuất 10 biện pháp nhằm tinh gọn hệ thống y tế cồng kềnh của Mỹ. Theo đó, nước Mỹ cần cải tổ cách chi trả theo kết quả chất lượng, cải thiện việc hợp tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ, phát triển công nghệ và giáo dục bệnh nhân thành những người tiêu dùng thông minh. Trong đó việc cải tổ chi trả được đánh giá là quan trọng nhất, bởi nó góp phần đòi hỏi trách nhiệm của các bệnh viện, tập đoàn y tế lớn và thúc đẩy sự hợp tác giữa các bác sĩ.
Ngoài ra, IOM kêu gọi công chúng thảo luận công khai về những lợi ích mà người Mỹ nhận được khi chi trả cho y tế. Lấy ví dụ như mô hình chương trình “Lựa chọn khôn ngoan” được chín hiệp hội y khoa đưa ra hồi đầu năm là: liệu thêm nhiều dịch vụ y tế hơn có tốt hơn hay không?
“Đó là một ngọn núi lớn phải vượt qua và chúng ta không thể làm điều đó chỉ trong một đêm - tiến sĩ Mark Smith, chủ tịch Tổ chức California HealthCare, nhận định - Quan điểm cho rằng chất lượng sẽ giảm nếu chi ít tiền hơn là không đúng. Cần trấn an người dân rằng thảo luận về việc kiểm soát chi phí không nhất thiết có nghĩa là chất lượng sẽ bị giảm đi”.
Để thấy rõ sự kém hiệu quả của ngành y tế, IOM đã thử so sánh với các ngành dịch vụ khác: - Nếu ngành ngân hàng làm việc như ngành y tế Mỹ, người tiêu dùng sẽ phải mất vài ngày mới rút được tiền từ các máy ATM. - Nếu đi mua sắm cũng giống như đi khám bệnh thì giá cả hàng hóa sẽ không được niêm yết và mỗi cửa hàng sẽ hét một giá khác nhau với cùng loại sản phẩm. - Nếu đi du lịch giống như đi khám bệnh thì phi công có quyền tự thiết kế cách kiểm tra độ an toàn riêng hoặc ngó lơ nhiệm vụ đó. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận