![]() |
Nhạc sĩ Văn Cao |
Mới đây nhất, tại Tiger Cup 2004, một lần nữa chúng tôi lại thất vọng khi nghe người ta cử Quốc ca của ta. Vẫn là cố tật - họ cử Quốc ca với nhịp điệu quá chậm! Nó chậm tới mức dân không chịu nổi. Thế là lại cái cảnh: nhạc đi một đằng, dân hát một nẻo. Đây đâu phải là lần đầu, Tiger Cup lần trước ở Hà Nội cũng thế và nhiều lần khác cũng vậy...
Tôi thấy hổ thẹn trong lòng: Quốc ca của mình hát trên đất mình mà dân cứ hát một nhịp, nhạc lại theo một nhịp khác. Tại sao vậy? Không ai có lỗi ư? Chấp nhận như thế sao? Không biết trên thế giới, còn có nước nào hát quốc ca chệch choạc như ta không?
Quốc ca của ta là một bài hát tuyệt vời. Đã có thời, có ý kiến định thay đổi quốc ca. Nhưng, cả nước không chấp nhận. Ta vẫn giữ bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao làm Quốc ca. Đây là một bài hành khúc hùng tráng với khí thế ngời ngời. Ta tự hào khi hát quốc ca. Nhạc sĩ Văn Cao đã sáng tác bài hát này giữa những ngày cả nước hừng hực nhiệt huyết để giành lại độc lập cho Tổ quốc. Đó là một bài hành khúc, khích lệ ta xông lên dưới ngọn cờ pha máu, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh... Hình tượng thật đẹp, lời ca thật sắc sảo, giai điệu thật hào hùng. Chúng ta kiêu hãnh về Quốc ca của chúng ta. ở bất cứ phương trời nào, khi nghe Quốc ca, mọi người VN đều hướng về với Tổ quốc. Đó là những lời kêu gọi đanh thép, thôi thúc cả dân tộc vùng lên.
Vậy đáng lý Quốc ca của ta phải được trình bày theo nhịp hành khúc với khí thế dũng mãnh. Nhưng xin các bạn chỉ giúp cho tôi, có buổi đại lễ nào mà Quốc ca của chúng ta đã được cử theo đúng ý đồ của nhạc sĩ Văn Cao với nhịp đi hùng tráng hay chưa? Tôi mong mãi mà không thấy.
Còn nhớ, khi nhạc sĩ Văn Cao lâm bệnh nặng, cha tôi (Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân - PV) và tôi đã vào thăm ông ở bệnh viện Hữu Nghị. Nhạc sĩ yếu nhiều. Cha tôi kể chuyện những năm cùng hoạt động với ông trên chiến khu Việt-Bắc. Ông nhớ hết, đầu óc còn rất tỉnh táo. Tôi hứng lên, bèn bộc lộ hết những suy nghĩ của mình về bài Quốc ca. Tôi mách với ông, người ta cứ cử Quốc ca với nhịp điệu quá chậm, không đúng với quy định “nhịp đi” mà ông đã ghi ở đầu bản nhạc. Tôi thưa với ông rằng: Nói mãi mà người ta không nghe...
Ông hé mở to mắt, tay sờ soạng trên giường. Ông nắm lấy tay tôi và bóp chặt. Ông khẽ nở một nụ cười và thều thào: “Cháu nói đúng”. Tiếng ông nhỏ lắm, như tiếng rên. Tôi lo quá, sợ ông mệt nên không dám nói nữa. Tôi nắm chặt tay ông và vuốt nhẹ hai vai để ông đỡ mệt. Khoảng 10 hôm sau thì ông đi. Rất tiếc, ông đi mà không kịp dặn dò lại cho hậu thế rằng, hãy hát Quốc ca theo đúng nhịp đi như ông đã ghi trong bản nhạc!
Có lẽ chúng ta phải cùng bàn bạc để đi tới thống nhất, nên cử Quốc ca của ta theo nhịp điệu nào.
Nếu các bạn để ý sẽ thấy, hình như ở ta có hai loại Quốc ca (?). Một loại được phát trên Đài Truyền hình Việt Nam vào sáng sớm - khi mở đầu chương trình của một ngày mới. Còn loại kia được phát vào các dịp đại lễ, các buổi mít tinh, các trận đấu bóng giao hữu quốc tế... Hai “loại” này giống nhau hoàn toàn về lời ca và giai điệu. Nó chỉ khác nhau về nhịp điệu. Một đằng thì hùng tráng, đầy hào khí, nhịp đi mạnh mẽ. Một đằng thì trang nghiêm, chậm rãi, bề thế. Ta nên chọn cách nào?
Nhưng có lẽ, bàn bạc là vô ý thức. Hiến pháp của chúng ta đã quy định lấy bài Tiến quân ca của Nhạc sĩ Văn Cao làm Quốc ca. Vậy, phải giữ nguyên bài hát đó. Không ai có quyền làm sai đi (dù chỉ là nhịp điệu) bài Tiến quân ca. Ngay ở đầu bản nhạc, nhạc sĩ Văn Cao đã ghi rõ qui định của nhịp điệu là “nhịp đi”. Vậy, không thể trình bày Quốc ca theo kiểu chậm rãi, ê a được. Kiểu đó là nhịp đi của người ốm hoặc các cụ già sắp qui tiên chứ không phải của một đoàn quân dũng mãnh tiến ra sa trường...
Mới đây nhất, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, người ta đã cho in một tập nhạc gồm 200 bài truyền thống, trong số đó có bài Tiến quân ca. Xin các bạn hãy mở ra xem. Rõ ràng, nhạc sĩ Văn Cao đã ghi “Nhịp đi” ngay ở dòng đầu của bản nhạc. Đó là qui định bắt buộc rồi...
Sáng nào tôi cũng thường dậy sớm và mở ti-vi để chờ đón bài Quốc ca. Tôi rất thích lẩm nhẩm hát theo. Quốc ca của ta rất hay, hùng tráng và thôi thúc. Nó như một liều thuốc phấn chấn. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy phần nhạc dạo đầu không ổn, nó không tương xứng với tầm cỡ bài Quốc ca. Xin các nhạc sĩ tài ba của chúng ta hãy xem xét lại phần phối khí cho bản nhạc.
Hiện nay tôi đang dạy ở đại học và làm các nghiên cứu về khoa học ứng dụng. Xin bạn đọc đừng trách tôi: không biết gì mà cũng bàn tới âm nhạc.
Tôi yêu nhạc từ nhỏ. Lên 9 tuổi, tôi đã tham gia đoàn văn công. Tôi đã từng viết hoà âm, phối khí và chỉ huy nhiều dàn hợp xướng lớn khi còn học ở phổ thông, học ở đại học và ngay cả khi đã ra dạy ở đại học. Tôi đã được kết nạp làm Hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội. Tôi mạo muội và thô thiển giới thiệu về mình như vậy chỉ để xin bạn đọc thông cảm và hiểu cho rằng, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về các ý kiến mà tôi vừa nêu ra trong lĩnh vực âm nhạc.
Mong sao, bản Quốc ca tuyệt vời của chúng ta luôn luôn được trình bày hùng tráng theo nhịp đi như nhạc sĩ Văn Cao đã ấn định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận