Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Đặng Kim Sơn (viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) nói:
Kỳ 1: Một sào lúa mua được... hai bát phở Kỳ 2: Mày mò mô hình sản xuất lớnTừ giã cây lúa, cho thuê đất
Phóng to |
Tại Thanh Hóa, Công ty cổ phần công nông Tiến Nông đã bắt tay với nông dân để hợp tác sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn - Ảnh: Hà Đồng |
- Hiện tượng người nông dân bỏ ruộng, trả ruộng có hai cấp độ. Thứ nhất là nông dân lơ là với ruộng đất của mình, trước đây làm ba vụ thì bây giờ chỉ làm hai, trước làm hai vụ nay làm một, trước thâm canh tăng năng suất bây giờ quảng canh. Lý do chủ yếu là ruộng manh mún, giá đầu vào cao, giá đầu ra thấp, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thấp quá. Như câu nói dân gian là “giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố”, người lao động bỏ ra thành thị làm thuê, ruộng đồng chỉ còn ông già bà cả làm được đến đâu hay đến đó. Thứ hai, nếu trên mảnh ruộng đó mà hợp tác xã còn thu thêm phí dịch vụ, địa phương thu phí này nọ tính theo diện tích thì mảnh ruộng không những không giúp cải thiện cuộc sống mà còn trở thành gánh nặng cho người dân nên họ phải trả ruộng. Hai cấp độ đó đều đang diễn ra.
* Hiện tượng nêu trên chứng tỏ điều gì, thưa ông?
"Ở các tỉnh, vào các khu công nghiệp thì được trải thảm đỏ, nhưng muốn làm một vùng nguyên liệu nông sản, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn hoàn toàn không đơn giản vì rất khó kiếm được vài chục hecta đất sạch" TS ĐẶNG KIM SƠN |
- Điều đó chứng tỏ sự khác biệt trong lựa chọn cơ hội của cư dân nông thôn. Trong khi thu nhập từ nông nghiệp chững lại thì các cơ hội khác ở đô thị, xuất khẩu lao động mở ra. Tuy nhiên, có một vấn đề không ổn, đáng lẽ người lao động tìm được cơ hội thu nhập khá hơn cứ ra đi và đất đai để lại sẽ được những người làm nông nghiệp giỏi mua hay thuê để phát triển sản xuất hàng hóa lớn, cơ giới hóa. Nếu cơ hội đó không trở thành thực tế, ngược lại, ruộng vườn bị bỏ hóa, tức chính sách có vấn đề, nhất là chính sách đất đai. Sự vận hành của thị trường lao động và thị trường đất đai không phối hợp đồng bộ.
Nhưng ngay cả việc rút lao động ra cũng chưa ổn, đa số thanh niên từ nông thôn đi ra phải sung vào “thị trường lao động không chính thức”, làm mọi nghề “tự do” không có bằng cấp, đăng ký, hợp đồng, bảo hiểm..., thu nhập thấp, điều kiện làm việc kém, không thể tính chuyện di cư, định cư ổn định cùng gia đình, nghĩa là không có tương lai. Không thể tính bài toán “tự phát” như vậy cho thân phận hàng chục triệu người trong năm, bảy năm tới như vậy được.
* Vậy làm sao để giải bài toán nông dân bỏ ruộng, trả ruộng này?
- Không thiếu gì cách giải. Thứ nhất là để cho cơ chế thị trường vận hành. Cho phép người làm ăn giỏi được mua đất đai, miễn rằng người mua thật sự là nông dân trực canh, mua là để sản xuất nông nghiệp. Tạo ra hành lang pháp lý về đất đai sao cho các đối tượng này mua bán thuận lợi, thủ tục thật đơn giản, chi phí thấp. Nghĩa là mở đường cho tích tụ ruộng đất. Tuy nhiên, mức hạn điền trong Luật đất đai (sửa đổi) vừa được ban hành lại thấp hơn so với trước, điều này là một cản trở không nên có.
Thứ hai là tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người thuê đất để tổ chức sản xuất có hiệu quả. Giá thuê, thủ tục thuê, thủ tục chuyển đổi mục đích trong phạm vi nông nghiệp, thủ tục cho vay vốn. Thậm chí hỗ trợ người ta đo đạc và làm các thủ tục đất đai liên quan để họ yên tâm đầu tư xây dựng đồng ruộng sản xuất lớn, kể cả trồng rừng hoặc trồng cây lâu năm.
Thứ ba là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn lớn đến thuê đất hoặc kêu gọi nông dân góp vốn bằng đất, tham gia làm việc trong doanh nghiệp. Như trường hợp một công ty sữa đầu tư ở Nghệ An, ngoài việc doanh nghiệp tự thỏa thuận với công nhân nông trường để thuê đất, về phía địa phương và doanh nghiệp còn hỗ trợ chia đất (bằng diện tích trung bình các hộ ở địa phương) cho các hộ nhận khoán trước đây để họ có đất tiếp tục canh tác.
Như vậy là có rất nhiều cách, có thể là nhà đầu tư, doanh nghiệp từ nơi khác đến mua đất, thuê đất, có thể là người giỏi ở địa phương đứng ra gom đất để sản xuất lớn, miễn là quá trình mua bán, sang nhượng, góp cổ phần này diễn ra thuận lợi và được pháp luật công nhận. Trên cơ sở đó mới có thể tiến hành cơ giới hóa, thủy lợi hóa... mới tách được số lao động nông nghiệp đi tìm kiếm cơ hội mới ở đô thị, đất đai để lại được tập trung và phát huy hiệu quả cao hơn.
Phóng to |
TS Đặng Kim Sơn - Ảnh: Nguyễn Khánh |
* Nghị quyết “tam nông” ban hành cách đây 5 năm được kỳ vọng sẽ đưa nông nghiệp vào quỹ đạo phát triển mới, nhưng vì sao tốc độ tăng trưởng của nông lâm ngư nghiệp có xu hướng chậm lại, xuất hiện tình trạng bỏ ruộng, trả ruộng như nêu trên?
- Nghị quyết này thật sự đi vào lòng dân, nhận được sự đồng thuận to lớn giữa trung ương, địa phương và các bộ ngành. Tuy nhiên, nghị quyết ra đời vào thời điểm bất lợi, khi diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và kinh tế trong nước cũng liên tục gặp khó khăn. Chưa kể đến thiên tai, thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Vì vậy, sự cố gắng của Nhà nước, sự tập trung sức cho “tam nông” bị loãng đi, bao nhiêu sức lực, trí tuệ phải dồn vào chuyện chống đỡ, xử lý những vấn đề như nợ xấu, Vinashin, Vinalines... Chúng ta phải đánh giá nghị quyết này trong một tình huống không bình thường như vậy.
Trong bối cảnh đó, nghị quyết “tam nông” vẫn đem lại những kết quả to lớn. Trong hoàn cảnh khó khăn, nông nghiệp tuy suy giảm nhưng vẫn tạo được hai thành tựu đặc biệt. Một là cung cấp lương thực thực phẩm dồi dào trong nước, nhờ đó kéo giảm tình trạng lạm phát. Hai là chưa bao giờ ta đạt được kim ngạch xuất khẩu nông sản tốt như trong những năm qua. Nông nghiệp không những cứu giải nền kinh tế mà còn là giá đỡ cho vấn đề lao động trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, lao động trở về nông thôn.
* Theo ông, một trong những giải pháp cho tình trạng bỏ ruộng, trả ruộng là tạo điều kiện cho doanh nghiệp về nông thôn thuê đất, mua đất, nhận góp cổ phần bằng đất. Vậy cần làm gì để đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân và nước ngoài vào khu vực nông nghiệp, nông thôn?
- Trước hết nói về nguồn lực, đầu tư công là thể hiện của chính sách. Thật sự mà nói đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn vẫn yếu. Những lúc nhiều đối tượng đều gặp nguy thì gói cứu trợ này, giải pháp giải cứu kia thường đổ về khu vực công nghiệp, ngân hàng, tập đoàn kinh tế nhà nước... Các địa chỉ cần cứu trợ trong nông nghiệp như chăn nuôi, thủy sản... cũng gặp nguy. Khác với các đối tượng trên, họ không đầu tư sai ra ngoài ngành, không đầu cơ theo bong bóng bất động sản, chỉ vì hoàn cảnh khách quan mà tạm thời nguy khốn, nếu được trợ giúp chắc chắn sẽ phát triển, nhưng kêu cứu rất nhiều mà tiền hỗ trợ đến quá chậm hoặc có lúc, có chỗ không đến.
Về vốn cứu trợ như vậy, còn vốn đầu tư? Chúng ta đã có nghị định 61 khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhưng vì sao doanh nghiệp về nông thôn vẫn ít ỏi? Đơn giản vì những chính sách ban hành chỉ bù đắp không đáng kể khoảng cách khổng lồ về điều kiện làm ăn giữa đô thị và nông thôn. Nói ví dụ về kết cấu hạ tầng, cả Tây nguyên chỉ có quốc lộ 14 chở cà phê, cao su nhưng lâu nay xuống cấp trầm trọng, hay ở ĐBSCL muốn vận chuyển nông sản không thể dùng cảng Cần Thơ mà phải chuyển qua TP.HCM. Cả hai vùng trọng điểm nông nghiệp chiến lược này đều không có đường sắt, đường cao tốc.
Một vấn đề rất lớn là đất đai. Đáng lẽ quỹ đất ở nông thôn phải thuận lợi hơn thành phố. Ở các tỉnh, vào các khu công nghiệp thì được trải thảm đỏ, nhưng muốn làm một vùng nguyên liệu nông sản, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn hoàn toàn không đơn giản vì rất khó kiếm được vài chục hecta đất sạch, muốn trồng rừng cỡ vài trăm hecta lại càng khó, gom được mấy trăm cái sổ đỏ của dân để tập trung đất đai là chuyện cực kỳ khó. Kéo được ông địa chính đi đo vẽ cấp chứng nhận cho hàng trăm cái hợp đồng ấy là chuyện không tưởng.
Tất cả những vấn đề nêu trên, cộng thêm lao động tay nghề thấp, thiên tai rình rập, khí hậu khắc nghiệt, dịch bệnh đe dọa làm cho tất cả các nhà đầu tư đều nản lòng. Giải pháp thì chỉ có ba cách. Thứ nhất là đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thông huyết mạch giao thông. Thứ hai là cung cấp đất sạch, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động cho thuê, giao đất, góp đất, kể cả đất của dân, của nông lâm trường trước đây, đất do địa phương quản lý... Thứ ba là giảm và miễn tối đa các phí, thuế có liên quan cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, khấu trừ thuế VAT cho nguyên liệu vật tư thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp.
* Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh mới đây cho rằng trong chiến lược phát triển của đất nước, cần đặt nông nghiệp đúng vị trí là trụ đỡ của nền kinh tế, là lợi thế của Việt Nam. Ông nghĩ sao? - Vừa qua chúng tôi có nghiên cứu về các tỉnh gọi là “tỉnh công nghiệp”, ví dụ Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương... thấy nổi lên một điều là ở các tỉnh đó tỉ lệ dân số sống ở nông thôn cao như các tỉnh khác. Và mức sống của người dân ở nông thôn vẫn như thế, nghĩa là khu vực công nghiệp gần như “đóng kín”, không có gì kết nối bên ngoài. Giả sử tất cả tỉnh thành đều như thế thì chúng ta có một nước công nghiệp không? Hiện nay trên thế giới có nhiều nước phát triển rất mạnh lợi thế về nông nghiệp, ví dụ Hà Lan, Israel, New Zealand, Phần Lan... Đi vào một trang trại của Hà Lan thì khó nói đó là sản xuất nông nghiệp hay công nghiệp vì áp dụng công nghệ cao, đầu tư rất lớn, năng suất lao động rất cao. Công nghệ trong ngành gỗ - giấy ở Phần Lan có mức độ hiện đại tương đương trong ngành hàng không. Việt Nam có lợi thế về nông nghiệp, nếu nói thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp thì rõ ràng phát triển công nghiệp và dịch vụ phải bắt đầu từ định hướng phục vụ, phối hợp với nông nghiệp. Chúng ta chắc chắn có thể lấy nông nghiệp trở thành nền tảng của nền kinh tế được. Tôi tin rằng đó là tương lai của Việt Nam. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận