24/01/2015 10:20 GMT+7

​Hãy làm chủ những ngày tết

TT - Đó là suy nghĩ chung của rất nhiều độc giả khi gửi ý kiến về tham gia diễn đàn “Ăn tết thế nào?”.

Xin chữ đầu năm là một trong những nét đẹp của phong tục ngày tết. Trong ảnh: xin chữ ở phố ông đồ,  Văn Miếu, Hà Nội - Ảnh: T.T.D.

Ăn tết để sau tết không phải lo âu vướng bận chuyện tiền bạc, để lòng thấy thanh thản vì đã làm được nhiều điều tốt cho gia đình và những người xung quanh.

Tết vui là do bản thân mình

Tôi không phủ nhận thực tế tết hiện nay đã “nhạt” hơn trước khá nhiều, một phần là do sự phát triển của xã hội, nhiều người phải chọn những cái tết xa vì công việc, hay những phong tục đẹp đã mai một dần.

Tuy nhiên, hoàn cảnh không thể làm những cái tết mất đi ý nghĩa của nó. Với tôi, tết vui hay không còn do ở bản thân mình.

Họ hàng chúng tôi những ngày cận kề tết hầu như tụ họp về. Thường vào ngày rằm tháng 12 đã họp bàn về ngày tảo mộ.

Người lớn bàn nhưng đi tảo mộ thường là công việc của con cháu, cả họ hàng đi ra phần mộ ai cũng thắp nhang rồi thu dọn, sơn sửa phần mộ ông bà. Không khí rất ấm cúng.

Những ngày trước tết, thường là vào ngày 27, 28 tết, ở xóm tổ chức thanh niên đi dọn dẹp đường làng.

Ngày 29 là ngày dọn dẹp nhà cửa (thật ra đã rục rịch cả tháng trước tết), những mâm thờ, kệ tủ...được đem ra sơn sửa lại. Rồi cách sắp xếp bàn thờ, ông bà đứng bên chỉ dạy từng đứa cháu.

Chiều 30, mẹ lau lá dong chuẩn bị tối gói bánh chưng. Ngày trước, mỗi gia đình gói rất nhiều bánh chưng, nhưng sau này thấy tết bánh thừa nhiều nên nhà nào cũng gói ít lại.

Mỗi nhà tùy theo số người mà gói, từ 10-20 cái là nhiều. Và hai ba nhà cùng gom góp lại nấu chung một nồi bánh chưng. Không khí đón giao thừa lại thêm ấm cúng khi các nhà gom góp nấu thêm nồi cháo gà. Sau giờ giao thừa, thanh niên chúng tôi thường tụ họp đi chúc tết từng nhà.

Mồng 1, mồng 2 tết thường là cho gia đình, họ hàng. Sáng mồng 1, gia đình tôi thường chuẩn bị một cặp bánh chưng, chai rượu nấu, phong bao lì xì đến mừng tuổi ông bà nội ngoại. Sau đó mới lần lượt đến nhà chú, bác, dì...

Có lẽ ở quê còn nghèo nên chưa có “hiện tượng” trẻ chê lì xì ít. Tùy từng người, hoặc đi làm hoặc đi học mà lì xì cho trẻ nhỏ, có nhà thường không lì xì mà biếu bánh, trái nhưng tụi nhỏ cũng rất vui.

Mồng 3 tết chúng tôi tổ chức họp lớp. Thay vì chọn nhà hàng, chúng tôi đến nhà một đứa trong lớp, buổi sáng góp tiền, đi chợ mua thức ăn về tự nấu. Sau đó chúng tôi gọi điện mời thầy chủ nhiệm đến chung vui.

Thường ở quê, tết sẽ hết sau mồng 3. Tuy lịch nghỉ còn nhưng hầu như từ mồng 6 tết người ta bắt đầu vào công việc thường ngày.

Có nhiều lý do để ngày tết hôm nay không còn hấp dẫn như ngày xưa, nhưng nếu mỗi người biết cách làm chủ thì vẫn có những cái tết thật sự ý nghĩa. 

KHÁNH HƯNG

Đừng bao giờ nói “Tết mà!”

Từ khi tôi biết tự lo cho gia đình một cái tết, tôi đã theo gương ba má tôi là không bao giờ nói “Tết mà!”. Nghĩa là mọi sinh hoạt tuy có khá hơn ngày thường một chút nhưng không được lãng phí.

Ngày tết tất nhiên sửa soạn nhà cửa phải chu đáo hơn, mua vài chậu hoa chưng trước cổng là không thể thiếu.

Tôi không mua sớm quá vì giá sẽ cao, cũng không chọn các loại hoa kiểng quá cầu kỳ vì nhà nhỏ, mối quan hệ xã hội lại bình thường, không có mấy khách thăm viếng để cùng ngắm nghía.

Thông thường tôi mua hai chậu cúc và hai chậu hồng hay vạn thọ là nhà cửa đã có sắc màu trong ba ngày xuân. Có năm mua thêm chậu ớt và hạnh để sử dụng cho việc nhà bếp sau mấy ngày tết.

Bánh mứt bao giờ cũng chọn hàng VN chất lượng cao chứ không sính hàng ngoại vừa tốn tiền lại chưa chắc chắn an toàn. Các thứ giải khát, bia rượu mua mỗi loại một ít để đãi bạn bè, con cháu khi họ đến chơi nhà.

Tôi không có khái niệm phải đãi rượu Tây giá hàng triệu đồng để được khen là sang hay chọn thức ăn ngoại nhập để được khen là sành điệu.

Những ngày tết do được nghỉ nhiều và chợ, siêu thị gần như hoạt động bình thường nên gia đình tôi không chuẩn bị trước quá nhiều món truyền thống, như nồi thịt kho nước dừa với mấy chục trứng mà nhiều nhà để suốt tết không ai đụng đến.

Nồi thịt và những món ăn để bày lên cúng ông bà dịp tết được nấu với số lượng vừa phải và sử dụng hết trong ít ngày. Tuyệt đối không bỏ thừa mứa.

Bữa cơm ngày tết đúng là sum họp, đoàn viên của các thành viên trong gia đình, không biến thành tiệc tùng kéo dài và quá tốn kém.

Mọi người trong nhà đã thống nhất dù đi đâu, giờ cơm cũng phải về đủ mặt cho đúng tinh thần đoàn tụ gia đình dịp xuân về. Tuyệt đối không say sưa làm phiền lòng người khác.

Bữa ăn gia đình được ưu tiên hàng đầu, hạn chế đến nhà hàng vì những ngày này giá cao, chất lượng khó bằng ngày thường, sự phục vụ có thể không chu đáo vì quá đông thực khách mà thiếu nhân lực.

Ngày tết, quê tôi còn phong tục đánh bài, chơi lô tô... Người lớn và trẻ nhỏ trong gia đình được nhắc nhở không được ăn thua tiền bạc với nhau có thể dẫn đến cãi vã, đánh nhau. Có gia đình sau tết là tan cửa nát nhà cũng vì vợ chồng con cái mê trò đỏ đen.

Những ngày tết luôn duy trì việc thăm viếng cha mẹ. Con cháu được khuyến khích sum họp, tâm tình với ông bà, cha mẹ.

Điều không thể quên là các thành viên luôn xem việc lì xì cho nhau (nhất là cho các cháu nhỏ và cả với ông bà cha mẹ) là chúc may mắn, không so bì nhiều ít mà cần hiểu đây là sự quan tâm về tinh thần với nhau. Khi đến chơi nhà bạn cũng nên giữ như vậy.

Không tặc lưỡi nói “Tết mà” để buông thả trong rượu chè, cờ bạc, mua sắm, tiệc tùng... chúng ta sẽ có một mùa xuân vui tươi, hạnh phúc.

NGUYỄN HỮU NHÂN

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên