Với 600 triệu đồng chi phí bắn pháo hoa, có thể dùng giúp 11 gia đình mất nhà trong lũ |
Trước chỉ đạo của Ban bí thư với các địa phương về việc không bắn pháo hoa dịp tết, Tuổi Trẻ đã ghi nhận ý kiến của lãnh đạo tỉnh Bình Định - nơi bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ vừa qua.
* Ông Hồ Quốc Dũng (phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định):
Hãy dùng tiền bắn pháo hoa hỗ trợ dân nghèo vùng lũ
Ông Hồ Quốc Dũng - chủ tịch UBND Bình Định |
Nếu Ban Bí thư không ra chỉ thị các địa phương không bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán năm nay thì tỉnh Bình Định cũng không bắn pháo hoa, bởi tỉnh vừa bị năm trận lũ lụt lớn tàn phá dữ dội, thiệt hại vô cùng nghiêm trọng.
Gần 40 người chết và mất tích, trên 550 ngôi nhà sập hoàn toàn và gần 400 nhà bị tốc mái, dân đối mặt với khó khăn, đói kém, quỹ dự trữ của tỉnh đã sử dụng hỗ trợ dân gần như hết sạch, thì bắn pháo hoa để làm gì.
Những năm trước đây, Bình Định cũng bắn pháo hoa dịp tết cho dân thưởng lãm, đương nhiên là không dùng ngân sách mà chỉ vận động xã hội hóa, nhưng chi phí cho màn bắn pháo hoa cũng hết 600 triệu đồng.
Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, các địa phương bạn nếu có ý định tài trợ bắn pháo hoa dịp tết thì hãy dùng số tiền ấy giúp Bình Định khắc phục hậu quả lũ lụt.
Với 600 triệu đồng chi phí bắn pháo hoa, có thể sử dụng để giúp cho 11 gia đình đang cảnh màn trời chiếu đất do sập nhà trong lũ dựng lại nhà mới, kịp đón cái tết đang đến gần.
Tôi nghĩ chỉ thị của Ban Bí thư là đúng đắn, kịp thời trong tình cảnh nhiều tỉnh miền Trung đang gặp nhiều khó khăn, thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra, không biết phải tốn bao nhiêu thời gian, tìm đâu cho đủ nguồn lực để tái thiết.
Tôi không biết các địa phương khác thế nào, nhưng với Bình Định thì tương lai nếu trung ương có cho bắn pháo hoa vào mỗi dịp tết, dù có được vốn xã hội hóa thực hiện tỉnh cũng sẽ cân nhắc, tính toán phù hợp.
Tôi nghĩ mỗi dịp lễ trọng đại, sự kiện rất lớn có thể vận động xã hội hóa bắn pháo hoa để mừng, để người dân cũng có cơ hội thưởng thức.
Nhưng khi địa phương còn nghèo, còn khó khăn thì nên vận động đơn vị tài trợ dùng số vốn đó lo cho dân nghèo, như thế là ý nghĩa hơn, lợi ích hơn nhiều so với bắn vài chục phút pháo hoa.
* Bà Nguyễn Thị Thùy Trang (đường Mai Am, P.Thuận Phước, Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng):
Vài phút vui rồi cũng xong
Tôi ủng hộ việc không bắn pháo hoa để dành tiền lo cho dân nghèo. Dân mình còn nghèo, mỗi lần đến tết chạy lo sắm sửa khổ lắm.
Tiền bắn pháo hoa, dù là tiền nhà nước hay tiền của các doanh nghiệp đóng góp thì cũng là tiền, nếu mang số tiền đó ra lo thêm cho dân nghèo có cái áo mới, thêm cái tết vui thì tôi thấy vui vẻ hơn. Chứ bắn pháo hoa vài phút rồi cũng xong, nhưng tết thì cần vui nhiều ngày.
Vấn đề là phải làm sao để tiền bắn pháo hoa đó được chi đủ và đúng cho người nghèo.
* Ông Quang Phú (đường Hoàng Hoa Thám, P.12, Q.Tân Bình, TP.HCM):
Khi kinh tế khá lên thì nên bắn
Năm nay không bắn pháo hoa là đúng. Miền Trung lũ lụt bà con thiệt mạng như thế, năm nay khó khăn như thế, bắn pháo hoa thì vui vẻ gì. Tôi ủng hộ số tiền bắn pháo hoa đó dành để chăm lo cho người nghèo có một cái tết tươm tất.
Tuy nhiên, tôi nghĩ năm nay là như vậy, nếu các năm tới tình hình kinh tế khá lên thì cũng nên xem xét lại.
Trẻ em và nhiều người cũng cần có pháo hoa để có thêm niềm vui trong đêm giao thừa chuyển sang năm mới. Hơn nữa, nếu là tiền xã hội hóa thì cũng nên xem xét. Còn nhất thiết không nên dùng tiền ngân sách để bắn pháo hoa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận