08/02/2018 09:21 GMT+7

Hãy để quà tết thảo thơm, không đổi chác

PHẠM VŨ - NGỌC DIỆP
PHẠM VŨ - NGỌC DIỆP

TTO - Đã qua nhiều năm, lệnh “nghiêm cấm tặng quà tết cho lãnh đạo cấp trên” được ban hành. Cùng chỉ thị siết lại kỷ cương, cần làm gì để quà tết chuyên chở tấm lòng, không phải đổi chác?

Hãy để quà tết thảo thơm, không đổi chác - Ảnh 1.

Mua sách tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, Q1, TP.HCM và gói thành giỏ quà Tết - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Có rất nhiều câu chuyện được kể ra, để tết đến không cần có lệnh nghiêm cấm nhưng những món quà tết vẫn thơm thảo một lời cảm ơn, ân cần chứ không mang thông điệp một yêu cầu?Tuổi Trẻ trò chuyện với ông Giản Tư Trung - một người đã từng lên tiếng về chuyện quà tết từ rất sớm.

ttr-1518052026891676560527

Đong tình cảm, đừng đong tiền

* 10 năm trước, ông đã từng viết trên Tuổi Trẻ: "Quà tết: rượu hay sách?", trong đó gợi ý tặng quà tết bằng sách. Ông có theo dõi xem ý tưởng ấy đã thành hiện thực thế nào?

Tất nhiên bản thân tôi vẫn tặng quà tết cho bạn bè bằng sách, đơn giản vì đây là "của nhà trồng được". Sách ở đây chỉ là một gợi ý cụ thể của hàm ý nâng cao giá trị tinh thần của món quà, thay thế cho giá trị vật chất của món quà...

* Ý của ông là nên coi trọng giá trị tinh thần của món quà hơn là giá trị vật chất?

Một món quà nên được đong đầy tình cảm hơn là đong đầy tiền. Chúng ta nhớ đến những món quà của bà mẹ quê: nải chuối sau vườn, chục trứng gà dành dụm... nhỏ nhoi mà tình cảm đong đầy biết bao nhiêu.

Hôm nay, đời sống sung túc lên nhiều, tặng nhau một chiếc bánh chưng, một gói mứt tự tay làm ở nhà, một món quà nhỏ đã cất công quan sát, tìm hiểu cho hợp sở thích, nhu cầu sẽ quý hơn rất nhiều những giỏ quà đầy ắp, chuẩn bị sẵn hàng loạt, người tặng chỉ việc... chọn giá đúng.

* Những món quà như thế chỉ có những người rất thân nhau mới tặng nhau được thôi?

Không thân thì không nên tặng quà, có lẽ đó cũng là ý của văn bản "nghiêm cấm tặng quà các lãnh đạo" của Ban Bí thư và Thủ tướng, cũng là ý mà dân gian thường nói "quà trên mức tình cảm".

Tình cảm thì vô giá, không thể có quà trên mức tình cảm mà chỉ có món quà không hàm chứa tình cảm mà hàm chứa yêu cầu.

Hành trình dài...

* Thêm giá trị tinh thần vào món quà, tiến tới đổi quà vật chất thành tinh thần xem ra cũng sẽ là một hành trình dài. Theo ông thì nên bắt đầu từ đâu?

Nhiều nhà văn hóa, nghiên cứu xã hội đã nhiều lần lên tiếng về việc loạn chuẩn diễn ra trong xã hội hôm nay. Giá trị con người được đo bằng bằng cấp, địa vị, tài sản kiếm được, danh hiệu đạt được... thì lẽ đương nhiên đa số những món quà cũng sẽ được định giá bằng tiền, từ ngoài xã hội lấn vào gia đình.

Tôi đề nghị một thước đo khác với con người: đo bằng cách sống, thái độ sống đã mang lại giá trị gì cho cuộc đời, đo bằng những gì mang lại cho xã hội. Như đội U23 của chúng ta, những gì lớn lao nhất họ đã đem lại cho người hâm mộ cả nước, cho bóng đá VN không phải là huy chương vàng mà lớn hơn cả huy chương vàng.

Khi đời sống tinh thần đầy lên, cách hành xử, thể hiện sẽ khác, dĩ nhiên cách chọn quà cũng sẽ khác.

Tất nhiên đó là hành trình dài, và đó là nói chung trong xã hội. Ngay từ hôm nay, nếu từng người để tâm hơn vào việc chọn quà tết, đong đầy hơn tình cảm, sự chăm chút, quan tâm thật lòng vào món quà tết, dù chỉ rất nhỏ, thì tác động tích cực vẫn sẽ đi từ ngoài vào trong, và sẽ lan tỏa...

PGS.TS nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái: Đánh giá hiệu quả trên thực tế

nguyen-thi-minh-thai-1518052121734964992654

Có lần tôi đã đọc bài phỏng vấn một người nước ngoài trên báo chí và ông ta đã có nhận xét rất đúng, Tết Nguyên đán là thời điểm để người ta hối lộ nhiều nhất. Ông này không hiểu vì sao người Việt Nam lại thích biếu tặng quà đến thế.

Thực tế tất cả các chỉ thị yêu cầu các địa phương không được biếu quà tết lãnh đạo đều hợp lý về nguyên tắc. Năm nào trung ương cũng nhắc địa phương không được làm thế, nhưng thực tế lại rất khác.

Dường như quy định và thực tế người dân thực hiện vẫn luôn là hai đường thẳng song song. Năm nào cũng nhắc, nhưng người dân vẫn cứ thực hiện theo cách mà họ cho là đúng.

Làm thế nào để hai đường thẳng song song đó gặp nhau thì phải xây dựng được luật. Phải có quy định cụ thể về mức thế nào được gọi là quà tặng, mức nào bị coi là hối lộ, có kiểm tra, có xử phạt vi phạm thì may ra mới thay đổi được.

Bây giờ việc các gia đình thi nhau lì xì nhiều tiền cho trẻ em cũng là một hình thức "hối lộ". Nếu móc phong bao ra thấy ít tiền, trẻ em lại xị mặt kêu ít.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ (nguyên giảng viên ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội): Còn thiếu quy định cụ thể

nguyen-hung-vi-15180522035391217128227

Việc trung ương ra chỉ thị cho các địa phương không được biếu quà cấp lãnh đạo cho thấy tư duy đổi mới của các cấp lãnh đạo. Đây là việc hết sức cần thiết vì liên quan mật thiết đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

Việc biếu tặng quà là một kẽ hở rất lớn gây ra tham nhũng trong nước. Các nhà thầu nước ngoài cũng lợi dụng kẽ hở này để họ có được những gói thật tốt hơn, gây ảnh hưởng lớn đến Việt Nam.

Tuy nhiên, việc thực hiện chỉ thị là một chuyện, còn việc thực hiện mỗi nơi mỗi khác. Cuộc sống cũng muôn hình vạn trạng, người dân không biếu dịp tết thì lại biếu dịp khác.

Chúng ta cũng đang thiếu luật, những quy định cụ thể về biếu tặng quà. Ở các nước phát triển chủ yếu thanh toán qua ngân hàng và nhà nước quản lý được thu nhập của người dân. Còn đất nước tiêu tiền mặt như Việt Nam sẽ rất khó để quản lý.

Dẫu vậy thì việc có quy định cho thấy bắt đầu có tư duy đổi mới. Có thể ban đầu sẽ rất khó khăn nhưng về cơ bản cứ quản lý tốt thì dần dần mới hi vọng mọi thứ tốt lên.

Ông Đinh Văn Phước - Kato Fukukazu (một người Việt sống tại Nhật): Hình thành văn hóa tặng quà

Trong nếp sống của người Nhật, quà chiếm một vị trí vô cùng quan trọng. Người ta tặng quà nhau dịp sinh nhật, rồi Valentine (con gái tặng quà cho con trai), White Day (con trai tặng quà cho con gái). Hè có quà Obon, tết có quà tết, nhập viện - xuất viện đều có quà biếu các bác sĩ và y tá. Nhập học, tốt nghiệp, đám cưới, đi thăm ai, đi chơi xa về... tùy dịp mà người ta có thể tặng quà hay tiền mặt cho nhau.

Đó là dịp để tỏ lòng biết ơn hay ưu ái, trân trọng, chứng tỏ tình yêu thương.

Tặng quà là một khía cạnh của văn hóa, mà văn hóa tốt đẹp thì không thể một ngày, một tháng, một năm, một thế hệ mà tạo được. Cũng không phải một người, một nhóm người, một tổ chức hô hào thì có thể làm được.

Muốn bắt đầu, tôi đề nghị hãy bắt đầu từ môi trường gia đình và nhà trường. Bắt đầu từ trong cung cách cha mẹ tặng quà cho con, cha mẹ đã đặt để "bao nhiêu" tấm lòng để lựa chọn món quà cho con? Có khi nào thầy cô tặng quà cho học trò của mình không hay chỉ có quà tết của cha mẹ học trò?

Những người con đã được tặng quà, những đứa học trò trong ngày còn thơ được nhận món quà nhỏ có ý nghĩa của thầy cô mình, khi lớn lên sẽ nhớ lại và thể hiện tấm lòng mình khi tặng quà.

Phải có những thí dụ vô cùng cụ thể và gần gũi trong cuộc sống bình thường chứ không phải là nghị luận hay những thí dụ của các chính khách ngoài đời, mới làm rung động và đâm rễ trong lòng người...

PHẠM VŨ - NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên