23/07/2004 06:12 GMT+7

Hawking: lỗ đen có lỗ hổng

DUY VĂN (Theo The New York Times, AP, Bloomberg)
DUY VĂN (Theo The New York Times, AP, Bloomberg)

TT - Tại hội nghị quốc tế về thuyết tương đối và lực hấp dẫn lần 17 ở Dublin, Ireland diễn ra ngày 21-7, Stephen Hawking, một trong những chuyên gia hàng đầu về lý thuyết lỗ đen vũ trụ, thừa nhận: “Tôi đã sai lầm suốt 29 năm qua”.

VKA13ADh.jpgPhóng to
Stephen Hawking
TT - Tại hội nghị quốc tế về thuyết tương đối và lực hấp dẫn lần 17 ở Dublin, Ireland diễn ra ngày 21-7, Stephen Hawking, một trong những chuyên gia hàng đầu về lý thuyết lỗ đen vũ trụ, thừa nhận: “Tôi đã sai lầm suốt 29 năm qua”.

Nhà vật lý nổi tiếng nhất của Trường đại học Cambridge này đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học cũng như dư luận thế giới đến hội nghị khi gửi một tờ giấy ghi chú rằng ông đã tìm ra lời giải cho mâu thuẫn lỗ đen và muốn trình bày nó.

Vào tuần trước, trong trả lời phỏng vấn của BBC, Hawking tiết lộ rằng ông đã thay đổi những suy luận từ trước đến giờ của mình về lỗ đen vũ trụ.

Cuộc đời nghiên cứu của Stephen Hawking đầy chất huyền thoại. Ông bị gắn chặt vào chiếc xe lăn nhiều thập niên qua do chứng xơ cứng cơ hay còn được gọi là bệnh Lou Gehrig, chỉ có thể "nói " qua một thiết bị tổng hợp tiếng gắn với một máy tính mà ông gõ chữ vào đó. Dẫu thế, ông là một trong những chuyên gia lừng danh nhất thế giới về lực hấp dẫn, thường xuyên đi thuyết giảng vòng quanh thế giới và đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tại Đại học Cambridge.

Dẫu tật nguyền, nhà khoa học cũng sống cuộc đời lạc quan với hai lần cưới vợ, có ba con và không vắng mặt tại các buổi chiếu phim như The SimpsonsStar Trek. Nay ông nói mình đã sai và chịu thua cá cược với hai nhà khoa học khác: năm 1997, tiến sĩ Hawking đã cùng với nhà vật lý Kip Thorne đánh cá với tiến sĩ Preskill, nhà vật lý tại Viện nghiên cứu Công nghệ California, rằng thông tin bị nuốt vào lỗ đen sẽ không bao giờ phục hồi, điều tiến sĩ Preskill khẳng định là có thể.

Hai phe cược bên nào thua sẽ phải "chung" một quyển bách khoa toàn thư tùy chủ đề bên thắng chọn. Và tiến sĩ Preskill đã chọn bách khoa toàn thư về bóng chày. Preskill sung sướng nói ngày 21-7 trước một rừng camera và đông đảo các nhà vật lý học: "Tôi từng ước sẽ có người làm chứng khi tiến sĩ Hawking nhận sai, nhưng thật sự "số nhân chứng này" vượt quá mức chờ đợi của tôi".

Tuy vậy, Preskill cũng thú nhận dù sung sướng đã "thắng cược" nhưng ông cũng cảm thấy buồn: "Chúng ta đã từng vui sướng biết bao khi tranh luận về vấn đề này một thời gian dài, nhưng bây giờ chúng ta sẽ tranh cãi về cái gì đây?".

Và tại diễn đàn khoa học này, Hawking đã trình bày một suy luận khoa học có vẻ trái ngược của mình: Làm sao một vật thể có thể biến mất trong một lỗ đen mà không để lại bất kỳ dấu vết nào, khi mà ai cũng biết vật chất chỉ có thể chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác mà không thể bị mất đi hoàn toàn như thế.

Trước đây trong các công trình nghiên cứu của mình, Hawking cho rằng vì lực hấp dẫn của lỗ đen quá lớn, nó có thể phá vỡ các định luật của vật lý lượng tử. Do đó, bất kỳ thứ gì khi lọt vào lỗ đen sẽ không thể thoát ra được, và chúng sẽ biến mất khi lỗ đen bốc hơi hoàn toàn và đó là mâu thuẫn lớn nhất mà ông đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu và giải quyết.

Trong công trình mới, Hawking đưa ra lập luận: lỗ đen không bao giờ “đóng cửa hoàn toàn” với vũ trụ bên ngoài, và khi chúng tỏa nhiệt nhiều hơn thì các lỗ đen sẽ hé lộ dần các thông tin bên trong nó: một lỗ đen sẽ có lối vào và lối ra. Nghĩa là bất cứ vật chất nào bị hút vào lỗ đen đều không thể biến mất mà sẽ chuyển hóa thành một vật chất mới có những đặc tính riêng của nó.

Nhà vật lý 62 tuổi này đã trình bày trước 800 cử tọa là các nhà khoa học đến từ 50 quốc gia trên thế giới: “Tôi xin lỗi vì đã làm thất vọng những người đam mê tiểu thuyết khoa học, nhưng nếu những thông tin này được giữ kín cho riêng tôi, thì chẳng có cơ hội nào để chúng ta có thể sử dụng lỗ đen vũ trụ để du hành đến một hành tinh khác được”.

“Khi bạn nhảy vào trong một lỗ đen, toàn bộ năng lượng của cơ thể bạn sẽ được trả lại cho hành tinh của chúng ta, chỉ còn giữ lại một phiên bản khác với những thông tin mà chúng ta ưa thích ở một nơi bất định nào đó”.

Và quả thật, những tuyên bố có tính không tưởng của lý thuyết mới này đã gây nên sự hoài nghi to lớn đối với phần đông những người tham dự. Giáo sư Robert Wald của Trường đại học Chicago bực dọc nói: “Hawking đã bỏ chạy khỏi tất cả những gì ông ta từng khiến chúng ta tin tưởng”.

Giáo sư William Unruh của Trường đại học British Columbia ôn tồn hơn: “Vấn đề là ở chỗ báo cáo của Hawking đi quá nhiều vào tiểu tiết, và quả thật là khó có thể tin được vào những tính toán khoa học của ông ta. Tôi biết Stephen Hawking chẳng phải là người dại dột, chúng ta đang nghĩ rằng ông ta báo cáo một cách nghiêm túc. Nhưng hầu như những gì lý thuyết mới này nêu ra chỉ hoàn toàn dựa vào sự suy đoán của ông ta mà thôi...”.

Tác giả quyển sách khoa học bán chạy nhất thế giới Lược sử thời gian này đã tỏ ra khá thích thú và vui vẻ trước những lời chỉ trích của giới khoa học tại hội nghị. Ông chỉ có nửa giờ để trả lời những chất vấn xoay quanh chuyện lỗ đen của mình và đã chẳng giải thích gì thêm nhiều. Trước câu hỏi cuối cùng “Mục tiêu khoa học sau thuyết lỗ đen của ông là gì?”, Hawking đáp gọn: “Tôi cũng chẳng biết nữa”, rồi nhanh chóng rời diễn đàn trong nhiều tiếng cười nhạo.

DUY VĂN (Theo The New York Times, AP, Bloomberg)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên