06/02/2010 06:12 GMT+7

"Hậu trường" thế giới thú dữ - Kỳ cuối: Thú dữ... trong nhà

DƯƠNG BÌNH NGUYÊN
DƯƠNG BÌNH NGUYÊN

TT - Đêm ấy, ông Minh đang ngồi ăn cơm với vợ con trong căn nhà riêng ở ngõ 178, phố Tây Sơn, Hà Nội, cửa phòng bỗng dồn dập tiếng gõ. Mở ra, hai khách nam giới lạ hoắc, một trung niên một trẻ dè dặt rào đón. Nghe giọng nằng nặng ông đoán chắc họ ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh.

D3042tsg.jpgPhóng to

Bác sĩ Minh khám bệnh cho hổ - Ảnh do nhân vật cung cấp

Kỳ 1: Cứu hộ giữa rừng châu Phi Kỳ 2: Những “huyền thoại” của rừng

Họ đặt vấn đề: “Chúng em có hai con hổ con bị tiêu chảy, liệt không thể đi được, bác giúp em, tiền công không thành vấn đề”. Ông xách vội túi đồ nghề lên chiếc ôtô đầu ngõ.

Bịt mắt cứu hổ

Cửa vừa đóng sập lại, một chiếc băng đen được bịt lên mắt vị bác sĩ thú y. Mấy người khách lạ trấn tĩnh: “Đây là chuyện tế nhị, em rất trân trọng tay nghề của anh, nếu chẳng may có bị bắt, bác ngoại phạm vì không phải chủ động, không biết một tí gì”.

Xe chạy gần hai giờ thì đến. Ước lượng thời gian đi, ông Minh đoán đó là đất Ninh Bình. Một trang trại bí ẩn ở giữa vùng rừng núi thâm u. Dưới ánh đèn điện, hai con hổ con ốm như những mớ giẻ rách. Mấy chai nước biển, vitamin, kháng sinh được truyền thẳng vào mạch máu lũ hổ. Té ra chúng bị suy kiệt vì nuôi giấu lén lút. Sau vài lần hướng dẫn chăm sóc qua điện thoại, hai con hổ con dứt hẳn bệnh mà ông vẫn không biết nó ở nơi nào.

Lần nhớ đời nhất là vụ xử lý gây mê cho đàn hổ trên 10 con của ông Nguyễn Mậu Chiến (Thọ Xuân, Thanh Hóa). Bác sĩ Minh đứng ở ngoài chuồng nhắm bắn thuốc gây mê cho từng “ông ba mươi”. Cái khó ở đây là phải gây mê hết cả 18 con trong thời gian đủ lâu bởi nếu một con bất thần thức tỉnh thì người vận chuyển sẽ bị biến thành bữa... điểm tâm! Ngược lại, nếu quá liều hổ sốc, chết, thầy thuốc phải móc túi hàng trăm triệu mà đền.

Số trại nuôi hổ kiểu tư nhân ở miền Bắc có ba bốn cái. Khâu cuối của hệ thống này thường hướng vào... nồi cao. Đó là một sự thật khá đau đớn. Một bác sĩ thú y khác từng kể rằng anh cũng bị bịt mắt đưa đến một nơi tưởng là đi chữa bệnh cho hổ, nhưng đến trại người ta mới nói toạc móng heo là nấu cao hổ.

Lúc ấy có anh đầu trọc, xăm trổ đầy người đứng cạnh nên chẳng khác gì đã cưỡi lên lưng cọp, buộc phải làm. Trại nuôi bốn con, người mua chọn một con to nhất, nặng trên hai tạ, ra giá 750 triệu đồng để... nấu cao. Sau khi dính đạn thuốc mê, con hổ đổ gục. Phải mấy phút sau, khi hổ đã rơi vào hôn mê sâu, nó bị lôi ra khỏi chuồng chọc huyết. Trước khi nấu họ còn thắp hương rồi quay phim, chụp ảnh và canh chừng suốt mấy ngày đến khi cao ra lò.

Những pha chết người

Nhớ lại hồi làm chuyên gia ở châu Phi, có súng bắn thuốc mê rất tiện, bác sĩ Minh thèm lắm. Nhưng về VN đào đâu ra? Vậy là ông tự mày mò chế ra súng bắn thuốc mê bằng một đoạn ống nhựa Tiền Phong phi mười và “đạn” bằng xilanh cỡ 10cc. Nó được bắn bằng cách ...thổi như thổi phi tiêu. Đạn xilanh dựa trên cơ chế lực ép, khi cắm vào mục tiêu sẽ phun thuốc ra. Lúc đầu ông lọ mọ đem ghế xalông giả da trong nhà ra tập thổi. Khi cái ghế chi chít vết kim, ngấm đầy nước cất thì tay nghề đã khá hoàn thiện. Bác sĩ Minh đặt súng lên miệng thổi phù một cái, trúng đến trên 90%. “Đạn” xilanh bay xa cỡ 10m, vừa đủ hạ gục mục tiêu.

Trong lần đi gây mê ở một trại gấu Phú Thọ, con gấu nặng vài tạ dính bẫy rập của thợ săn bị nhiễm trùng nặng, phải gây mê để tháo khớp chân kẻo hoại tử. Áng chừng nó đã mê man, người khênh chân, người túm đầu, còn bác sĩ Minh túm tai nó đưa lên bàn mổ để tháo khớp, khâu mạch quản.

Đang túm tai, bất thần nó ngoái đầu cắn luôn vào cổ tay bác sĩ. Máu chảy tràn, người ông nóng ran, mồ hôi rịn ướt đầm áo mà không dám cựa quậy vì răng gấu bén như những lưỡi dao, động vào là đứt thịt, đứt gân. May là con gấu đã mê dở rồi, bởi nếu không có thuốc mê tay ông đã rơi xuống sàn nhà.

Lần khác, Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn gọi ông lên cứu một con gấu đang bị bệnh nặng, thở khó khăn, bỏ ăn đã lâu tưởng chừng sắp chết. Ca này được chẩn đoán rất nặng vì gấu đã không thể đi lại, nhúc nhích được nên khi vào truyền nước, tiêm kháng sinh, ông vào thẳng chuồng mà làm, không cần bắn thuốc mê. Hôm sau lên thăm lại “bệnh nhân” gấu, ông cũng đàng hoàng vào chuồng theo cách cũ.

Không ngờ mãnh thú bình phục quá nhanh. Vừa bước vào cửa chuồng, nó đã xông ra, giơ chân vả một cái thật mạnh vào người. Hoảng quá, vị bác sĩ chỉ kịp lùi người, chạy ngược ra đóng sập cửa chuồng. Đến lúc hoàn hồn nhìn lại chiếc áo da dày cộm bị xé một đường từ cổ xuống tận bụng, chiếc áo đã cứu được da người!

Một kỷ niệm ông còn nhớ mãi là trận bắt con gấu xổng ở đường Trần Duy Hưng (Hà Nội). Có hai vợ chồng buôn thú hoang đưa một con gấu ngựa ở rừng về. Khi tháo sọt, con gấu vùng ra khiến đôi vợ chồng chạy tọt vào nhà đóng sập cửa lại. Con vật ròng ròng bọt mép đuổi theo. Hoảng quá, chủ nhà mới gọi bác sĩ Minh. Đang đêm 3 giờ sáng, vợ chồng này phải loa cho hàng xóm đừng rời khỏi nhà vì có gấu xổng. Có bà hàng xóm lãng tai không nghe được lời cảnh báo, rời khỏi nhà giục con dâu dậy thổi xôi sớm. Khi vừa lững thững ra khỏi cổng, bà ta đụng luôn gấu. Nó tát một cú như trời giáng khiến bà đổ gục trên nền đường ngất lịm.

Theo bản năng, gấu không thích đụng vào con mồi đã bất động. Nó nhảy vào chuồng lợn nhà gần đó, vứt hai con lợn ra ngoài rãnh nhẹ nhàng. Sau khi ăn hết nồi cám lợn, con vật nằm ngủ. Công an mang súng xúm quanh chuồng lợn nhưng không thể bắn. Ông Minh phải dùng chiêu bắn thuốc mê.

Bất ngờ con vật khổng lồ chồm lên vồ lấy bác sĩ. “Chiếc cửa được hai thanh niên lực lưỡng đóng sập lại khiến con gấu không đuổi theo được mà chỉ gầm gừ một chốc rồi lật ra ngáy khò khò. Trời lạnh mà mồ hôi tôi vã ra như tắm!” - Ấy là những kỷ niệm nhớ đời của một người làm nghề “bác sĩ của thú dữ” như ông Minh.

_____________

Khởi nghĩa Yên Bái qua cái nhìn của người Pháp

“Từ ngữ nào nhắc nhở rằngKhông thể bịt mồm một dân tộcKhông thể khuất phục dân tộc ấyBằng lưỡi kiếm của đao phủ?(từ ngữ đó là): Yen-Bay...”.

Đó là bài thơ của Louis Aragon viết từ Paris tháng 6-1930 để nói về cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Tuổi Trẻ trở lại với những trang tư liệu do chính người Pháp nói về cuộc khởi nghĩa này nhân cột mốc 80 năm (9-2-1930 - 9-2-2010).

DƯƠNG BÌNH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên