“Sao cái gì cũng của Trung Quốc?”
Phóng to |
Sách liên kết xuất bản chiếm phần lớn thị trường hiện nay. Trong ảnh: độc giả chọn mua sách tại hội sách 2013 do Nhã Nam và 12 đơn vị xuất bản tổ chức vừa khai mạc ngày 27-3 tại 92 Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM- Ảnh: Thuận Thắng |
Nội dung các sách tham khảo dành cho học sinh có nguồn gốc từ Trung Quốc khi xuất bản tại Việt Nam đã in cả hình cờ, hình minh họa bản đồ vi phạm chủ quyền mà báo chí vừa phát hiện đã được ghi nhận tại báo cáo của Cục Xuất bản như một hạn chế tồn tại cần nghiêm túc nhìn nhận và kiên quyết khắc phục.
Buông lỏng
"Học chữ C mà minh họa hình cờ không phải cờ Việt Nam là không chấp nhận được" Ông NGUYỄN AN TIÊM (phó vụ trưởng Vụ Báo chí - xuất bản) |
Cục Xuất bản cho rằng: “Thời gian gần đây, việc một số nhà xuất bản xuất bản sách tham khảo học sinh và các loại sách khác, có nguồn gốc từ nước ngoài (Trung Quốc) sử dụng hình ảnh minh họa cờ Trung Quốc thay cho cờ Tổ quốc; sử dụng hình ảnh minh họa bản đồ quốc gia thiếu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa... gây phản ứng trên báo chí và dư luận xã hội. Các nhà xuất bản đã phải tự thu hồi các cuốn sách này”.
Cùng chủ trì hội nghị, ông Nguyễn An Tiêm - phó vụ trưởng Vụ Báo chí - xuất bản, Ban Tuyên giáo trung ương - cũng đề nghị ngành xuất bản cần rút ra các bài học sau những sự cố đáng tiếc như vừa rồi, trong đó có việc phải tăng cường bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, vì việc “học chữ C mà minh họa hình cờ không phải cờ Việt Nam là không chấp nhận được”. Đề cập đến trách nhiệm của các giám đốc, tổng biên tập các nhà xuất bản như là những người đầu tiên phải chịu trách nhiệm cho các sai sót trên xuất bản phẩm, ông An Tiêm nhấn mạnh: “Hậu thế sẽ phát hiện các sai sót và oán trách chúng ta nếu chúng ta không hoàn thành trách nhiệm”.
Phía Cục Xuất bản cũng nêu rõ: “Để xảy ra vi phạm là do một số nhà xuất bản đã buông lỏng quản lý trong quy trình biên tập và liên kết, biên tập không kỹ, thiếu nhạy bén chính trị”.
Cần chế tài cả đối tác liên kết nếu sai phạm
Thực tế từ các sự cố vừa qua hầu như đều rơi vào các trường hợp liên kết xuất bản. Mặc dù liên kết xuất bản trong thời gian qua thể hiện tính ưu việt dưới góc độ xã hội hóa và kích cầu cho văn hóa đọc, làm thay đổi bộ mặt xuất bản và kiến tạo thị trường sách trong nước, nhưng bức tranh liên kết xuất bản đang bị xấu đi do các trường hợp “buông lỏng quản lý” từ cả hai phía: đối tác liên kết và các nhà xuất bản.
Ông Dương Thành Truyền - chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Trẻ - cho rằng các sai phạm vừa qua trong liên kết xuất bản là sai về nội dung chứ không phải sai về thủ tục xuất bản. Và ông Truyền đề xuất: “Với tư cách là một bên tham gia liên kết theo luật định, thiết nghĩ các đối tác liên kết cũng cần phải bị xử lý nếu có sai phạm”. Thậm chí, ông còn cho rằng cần có biện pháp chế tài mạnh mẽ về tài chính đối với các trường hợp đối tác liên kết để xảy ra sai phạm. “Nếu tái phạm nhiều lần, có thể xem xét bác tư cách liên kết của đối tác đó trong một thời hạn”, ông Truyền nhấn mạnh.
Cục Xuất bản cũng cho rằng xuất phát từ tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xuất bản để thu quản lý phí “nên một số nhà xuất bản đã bỏ qua tất cả quy trình xuất bản, dẫn đến tình trạng sách xuất bản kém chất lượng, các nhà xuất bản tự đánh mất thương hiệu của mình trên thị trường sách”.
Thậm chí, tình trạng liên kết vừa qua còn tùy tiện đến mức Cục Xuất bản cho biết có những công ty không thực hiện việc nộp sách liên kết cho nhà xuất bản theo luật định, khiến nhà xuất bản “không có sách nộp lưu chiểu”. Với cách làm như vậy, rõ ràng quy trình xuất bản không được tôn trọng, và quan trọng hơn là nội dung các xuất bản phẩm mặc dù được cấp phép, có đơn vị chịu trách nhiệm, nhưng lại lưu hành không khác gì thả nổi.
Sẽ bồi dưỡng tư nhân xuất bản
Trong phần báo cáo của Cục Xuất bản, ông Chu Văn Hòa - cục trưởng - cho biết mặc dù ông không muốn nêu tên cụ thể, nhưng vừa qua đã có trường hợp “nhà xuất bản không cân nhắc khi lựa chọn đề tài, không nhạy bén trong công tác biên tập, biên tập không kỹ, thậm chí không biên tập, đọc duyệt trước khi in, phát hành”.
Tình trạng đáng báo động này được xem như một phần nguyên nhân dẫn đến các sự cố sai sót vừa qua. Và một thực trạng đáng lo nữa là đội ngũ làm công tác xuất bản hiện đang được đánh giá là chưa ổn. Cục Xuất bản thẳng thắn thừa nhận: “Một bộ phận lớn lao động trong lĩnh vực này bị hổng về kiến thức chuyên ngành, thiếu hiểu biết về pháp luật, non kém về trình độ chính trị, dẫn đến tình trạng vi phạm trong hoạt động xuất bản”. Do đó một trong những nhiệm vụ cấp thiết của ngành xuất bản trong năm 2013 là hoàn thiện bộ giáo trình và tổ chức các khóa tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, pháp luật cho biên tập viên các nhà xuất bản trong cả nước.
Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, ông Chu Văn Hòa nhắc lại một quy định trong Luật xuất bản mới (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013) là các đơn vị tư nhân liên kết xuất bản cần có bước biên tập sơ bộ bản thảo. Điều này đồng nghĩa với việc những công ty này phải tổ chức đội ngũ biên tập viên, và chắc chắn những biên tập viên từ các đơn vị tư nhân này cũng cần tham gia các lớp tập huấn thường niên do Nhà nước tổ chức. “Trong khi đó, phía cơ quan quản lý Nhà nước cũng sẽ có biện pháp rà soát đội ngũ làm sách hằng năm để có hướng xây dựng, bồi dưỡng và cải thiện”, ông Hòa cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận