21/10/2010 06:30 GMT+7

"Hậu" ghép thận

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TT - Không ít bệnh nhân sau khi được ghép thận đã bị thải ghép, mắc thêm bệnh điều trị tốn kém.

CqJYMj9i.jpgPhóng to
Bà D.N.T. (ngồi bên trái), 56 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM, khám bệnh, theo dõi sức khỏe sau ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM - Ảnh: T.Dương

Gom góp và vay mượn được hơn 100 triệu đồng, gia đình chị L.Đ.B. Y., ngụ tại Bình Dương, hi vọng sau khi được ghép thận chị Y. sẽ trở lại cuộc sống bình thường. Thế nhưng chỉ một năm sau khi được ghép thận, chị Y. mắc bệnh viêm phổi cấp.

Hụt hơi với chống thải ghép

Lần phát hiện chị Y. mắc bệnh viêm phổi cấp, mỗi tháng gia đình chị phải lo hơn 10 triệu đồng để chữa bệnh. Thế nhưng, sau một đợt điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, các bác sĩ lại thông báo chị bị suy thận mãn. Chị Y. suy sụp hoàn toàn vì nghĩ nếu tiếp tục sống sẽ đồng nghĩa với việc tiếp tục phải chạy thận nhân tạo, tiếp tục tốn hàng triệu đồng mỗi tháng. Nghĩ đến đó chị Y. muốn chấm dứt cuộc sống này để không còn là gánh nặng cho mẹ, người đã cho chị một quả thận. Nhiều tháng sau đó chị Y. không đến bệnh viện theo dõi sức khỏe định kỳ và suốt hai tuần lễ chị không ăn bất kỳ thứ gì.

Không thấy bệnh nhân Y. đến tái khám trong nhiều tháng, các bác sĩ khoa tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy đã gọi điện về nhà bệnh nhân hỏi thăm thì được biết chị Y. đang tuyệt thực nên đã đến động viên, chia sẻ và khuyên chị quay lại bệnh viện điều trị. Từ đó đến nay, mỗi tuần chị lại cùng mẹ lên TP.HCM chạy thận nhân tạo (3 lần/tuần). Cuộc sống của chị phải dựa vào mẹ già và người em gái đã lập gia đình. Có bảo hiểm y tế chi trả 80% nhưng mỗi tháng chị Y. phải trả gần 4 triệu đồng chạy thận.

Hiện chị N.T.T.N. (21 tuổi, ngụ Hóc Môn, TP.HCM) cũng trong tình trạng “căng thẳng” vì không biết những ngày sắp tới sẽ lấy tiền đâu điều trị. N. kể khi phát hiện mình bị suy thận mãn phải chạy thận nhân tạo, ba mẹ N. quyết định bán căn nhà duy nhất ở Q.6, TP.HCM để ghép thận cho con. Sau đó, cả gia đình phải tá túc ở nhà bà ngoại tại huyện Hóc Môn. N. được phát hiện mắc bệnh suy thận mãn.

Sau gần một năm chạy thận nhân tạo, đến tháng 10-2009 N. được ghép thận. Không có bảo hiểm y tế nên tổng cộng chi phí xét nghiệm và ghép thận cho N. lên đến 200 triệu đồng. Chỉ một thời gian N. bị thải ghép nên gia đình phải chi trả nhiều tiền. Riêng đợt nhiễm siêu vi của N. kéo dài đến ba tháng cũng làm gia đình tiêu tốn hết 100 triệu đồng. N. kể sau khi mẹ cho N. một quả thận, sức khỏe cũng yếu đi nên không làm được gì, gánh nặng kinh tế trong gia đình đổ hết lên ba. Từng ngày nhìn thấy sự chạy vạy, lo lắng trên gương mặt của ba mẹ, N. luôn buồn vì không biết số nợ ấy đến ngày nào mới trả hết, chưa kể mỗi tháng ba mẹ lại phải chạy vạy đủ 5 triệu đồng để điều trị cho N..

Dù được các bác sĩ tư vấn sau khi ghép thận người ghép thận phải tiếp tục dùng thuốc chống thải ghép khá tốn kém, nhưng anh H.V.G, ấp Tân Phong, xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre vẫn tin mình đủ tiền để ghép thận và đủ sức chi trả chi phí sau ghép thận. Anh G. được ghép thận vào năm 2008, sau đó nhiều lần anh đã đề nghị bác sĩ kê loại thuốc nào rẻ tiền hơn vì anh không đủ sức chi trả. Anh G. kể hai vợ chồng anh bán trái cây ở một chợ gần nhà, mỗi ngày lời 60.000-70.000 đồng. Số tiền này chỉ đủ trang trải cho hai vợ chồng và một đứa con 5 tuổi, nói gì đến chuyện điều trị bệnh. Anh đã vay mượn từ những người thân hơn 100 triệu đồng nhưng hiện chưa biết làm gì để trả, trong khi các chỉ số xét nghiệm ngày càng xấu hơn, đòi hỏi những loại thuốc mắc tiền hơn.

Các bác sĩ khoa tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết gia đình có người bệnh ghép thận có thể biến một nhà giàu nhanh chóng thành nhà nghèo. Những bệnh nhân nào bị mắc thêm bệnh thì chi phí sẽ rất tốn kém, tính hàng chục triệu đồng/ tháng, thậm chí chỉ riêng tiền thuốc một ngày có thể lên đến 5 triệu đồng nếu bị viêm phổi phải nhập viện.

Không phải sự lựa chọn số 1

Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, khoa tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy, kể rất nhiều bệnh nhân suy thận mãn đều cho rằng ghép thận là phương pháp số một, phương pháp tối ưu nhất và tìm đủ mọi cách để được ghép thận. Trong khi đó, các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy đã tư vấn rất kỹ cho từng bệnh nhân có ý định ghép thận như các diễn biến sau khi ghép thận, nếu bị thải ghép hoặc mắc thêm bất kỳ loại bệnh nào bệnh nhân phải điều trị rất tốn kém...

Thực tế, các bác sĩ khoa tiết niệu - Bệnh viện Chợ Rẫy đã chứng kiến nhiều bệnh nhân sau ghép thận không còn tiền để điều trị. Nhiều bệnh nhân bỏ cả tái khám định kỳ, làm các chỉ số về chức năng thận ngày càng xấu đi. Vì vậy, bác sĩ Thu khuyên trước khi ghép thận bệnh nhân cần suy nghĩ thật kỹ để đi đến quyết định cuối cùng. Khoa tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy đang theo dõi sức khỏe cho 500 bệnh nhân được ghép thận thì khoảng 20% bệnh nhân lâm vào hoàn cảnh khó khăn như các trường hợp kể trên.

Theo bác sĩ Thu, ghép thận chỉ là một trong ba phương pháp điều trị ở người bị bệnh suy thận mãn giai đoạn cuối. Đây là phương pháp điều trị được xem có hiệu quả tốt nhất vì người bệnh có thể trở lại hòa nhập cuộc sống lao động và học tập gần như bình thường; nhưng đòi hỏi phải tuân thủ khá nghiêm ngặt chế độ sinh hoạt, ăn uống và tái khám định kỳ đúng lịch hẹn. Điểm đặc biệt cần lưu ý đối với người bệnh chọn phương pháp ghép thận là kinh tế phải ổn định mới có thể điều trị tốt vì chi phí sau ghép thận không thể lường trước. Mỗi người bệnh đều có diễn tiến khác nhau rất phức tạp, không thể nhìn người khác mà tiên đoán kết quả của mình.

Ngoài ghép thận, người bệnh suy thận mãn giai đoạn cuối còn có thể chọn phương pháp điều trị thay thế khác là chạy thận nhân tạo hoặc thẩm phân phúc mạc.

Phương pháp chạy thận nhân tạo thì người bệnh phải một tuần 2-3 lần vào bệnh viện nhờ máy lọc chất độc từ cơ thể ra ngoài, bất tiện cho việc đi lại (nếu người bệnh ở xa trung tâm lọc máu), khó khăn cho việc học hành và làm việc.

Còn thẩm phân phúc mạc thì người bệnh có thể tự chủ hơn trong lịch lọc máu của mình tại nhà, có thể sắp xếp thời gian phù hợp để học hành và làm việc. Nhưng thẩm phân phúc mạc đòi hỏi người bệnh biết giữ vệ sinh cá nhân và phải hiểu về cơ bản vệ sinh y tế để hạn chế nhiễm trùng khi thay dịch lọc. Phương pháp này cũng đòi hỏi người bệnh tái khám định kỳ theo lịch của bác sĩ.

Điều đáng nói là chi phí cho chạy thận nhân tạo và thẩm phân phúc mạc tương đối ổn định hơn, nhẹ nhàng hơn ghép thận, không phải hồi hộp, hay căng thẳng chờ đợi có biến chứng gì sẽ xảy ra với mình...

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Hi vọng mới từ thận nhân tạoHai bệnh nhân được ghép thận từ người chết nãoBệnh viện Nhi Đồng 2: Thực hiện thành công nhiều ca ghép thậnMuốn hiến thận cho người nghèo

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên