Các bị cáo tại tòa - Ảnh: Hà Mi |
Ngày 2-10, TAND huyện Định Quán (Đồng Nai) đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm, tuyên án bị cáo Trần Đình Mỹ Lân (ngụ thị trấn Định Quán) 12 tháng tù và bị cáo Trần Đình Lập (em trai Lân), Nguyễn Quốc Hoàng (lái xe cho Lân) cùng mức án 6 tháng tù giam về tội “làm nhục người khác”.
Theo hội đồng xét xử, dù các bị cáo không nhận tội nhưng căn cứ vào lời khai các nhân chứng, bút lục các lời khai và cáo trạng của Viện KSND huyện Định Quán đã có đủ cơ sở buộc tội bị cáo Lân hất ly bia vào người ông Phạm Văn Trọng - chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Định Quán. Riêng bị cáo Lập, Hoàng phạm tội với vai trò giúp sức.
Cả 3 bị cáo đều kêu oan
Theo cáo trạng, trưa 10-10-2013, bị cáo Lân, Lập, Hoàng và hai khách hàng của bị cáo Lân vào quán ăn Thế Hiền ở thị trấn Định Quán để ăn trưa thì gặp ông Phạm Văn Trọng cùng đoàn cán bộ đang ăn trưa tại đây.
Do có mâu thuẫn trong việc cưỡng chế nợ thuế nên khi thấy “cán bộ đi ăn nhậu trong giờ làm việc”, bị cáo Lân chửi và đưa điện thoại cho tài xế Hoàng quay clip. Sau đó bị cáo Lân cầm ly bia tạt vào người ông Trọng.
Ông Trọng cầm khăn tay lau mặt thì Lân tiếp tục cầm một ly bia tạt tiếp vào người ông Trọng, túm cổ áo và chửi bới. Lúc này bị cáo Lập cầm chai bia xông tới, hăm dọa không cho những cán bộ chi cục thuế vào can ngăn.
Khi ông Trọng chạy ra ôtô thì bị Lập đạp làm ông Trọng té ngã. Lúc ông Trọng và cán bộ chi cục thuế lên ôtô về thì bà Lân và em trai đứng cản trước đầu xe không cho chạy và yêu cầu “gọi công an đến để giải quyết”.
Khoảng 20 phút sau, các bị cáo bỏ về, ông Trọng cùng mọi người cũng ra về. Kết quả giám định, ông Trọng bị thương tật 1% tạm thời.
Tuy nhiên tại phiên tòa, bị cáo Lân nói cáo trạng quy kết tội làm nhục ông Trọng là oan cho bị cáo. “Bị cáo vào quán thấy cảnh ăn nhậu trong giờ làm việc.
Ông Trọng có lời lẽ xúc phạm người thân bị cáo nên bị cáo cầm ly bia đứng lên và xảy ra giằng co giữa hai bên. Bị cáo cũng đã cung cấp các hình ảnh ăn nhậu của các cán bộ thuế cho cơ quan bảo vệ pháp luật” - bà Lân nói.
Theo bị cáo Lân, nguyên nhân khiến “giọt nước tràn ly” là ngành thuế của huyện khóa mã số thuế, làm 400 tấn điều không bán được. Ngoài ra, ông Trọng nhắn tin xúc phạm bị cáo. Bị cáo Lân còn khẳng định trong lúc xô xát, ông Trọng có túm tóc của bị cáo đập xuống bàn nhưng cáo trạng lại không hề nêu.
Tại tòa, bị cáo Lập cũng khai tại quán nhậu khi xảy ra xô xát thì bên thuế có gần 10 người cầm ly, đá, ghế tấn công Lân.
“Đối chất tại cơ quan điều tra, nhân chứng là người trong ngành thuế cũng thừa nhận cầm ghế đưa lên khống chế chị tôi nhưng nay ra tòa họ nói ngược lại hết. Nhân chứng ra tòa là nhân viên của ông Trọng đều cho rằng tôi đạp ông Trọng là oan cho tôi. Tôi chỉ cầm ly bia lên nói “đừng ỷ đông đánh chị tôi” chứ tôi không đạp ông Trọng” - bị cáo Lập khai.
Trong khi đó, bị cáo Hoàng nói: “Như bị cáo đã từng khai là không có lý gì làm nhục ông Trọng. Khi thấy bà Lân bị người của ngành thuế đánh, bị cáo cầm điện thoại lên nói đánh nhau nữa thì tôi quay. Ngay lập tức mọi người dừng lại việc đánh bà Lân. Bị cáo đã ngăn chặn được hành động đánh nhau thì sao cho rằng bị cáo có hành vi đe dọa rồi truy tố làm nhục ông Trọng với hành vi giúp sức?”.
“Xử lý hành chính là phù hợp”
Bào chữa cho hai bị cáo Lân và Lập, luật sư Phạm Minh Tâm (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng qua hồ sơ vụ án và các chứng cứ, lời khai tại tòa cho thấy vụ án chưa đủ yếu tố cấu thành tội “làm nhục người khác”.
Theo luật sư Tâm, giữa ông Trọng và bà Lân có mâu thuẫn từ trước nên gặp tại quán xảy ra mâu thuẫn, gây gổ và bà Lân cũng thừa nhận giữa bà và ông Trọng có đánh nhau nên chỉ xử lý vi phạm hành chính là phù hợp.
Bản thân bà Lân sau khi xô xát với ông Trọng cũng đã bị thương, nhập viện nhưng Viện KSND huyện không đề nghị đi giám định thân thể là vi phạm thủ tục tố tụng.
“Bản thân bà Lân cũng bị làm nhục nhưng các cơ quan tố tụng đã không xem xét bản chất của vụ án. Lập đang điều trị bệnh (hở van tim ba lá, loét dạ dày...), không có dấu hiệu bỏ trốn nhưng tòa ra lệnh bắt tạm giam là không thể hiện tính nhân đạo.
Trong lịch sử tố tụng ở VN, lần đầu tiên tôi mới thấy khởi tố vụ án hất ly bia làm nhục người khác” - luật sư Tâm nói. Theo ông Tâm, việc ông Trọng cùng cán bộ thuế đi xe biển số xanh cùng nhân viên vào quán ăn nhậu buổi trưa là vi phạm các quy định của Chính phủ và quy định của UBND tỉnh Đồng Nai nhưng vẫn chưa được làm rõ...
Trả lời các câu hỏi của luật sư phía bị cáo, đại diện Viện KSND vẫn bảo lưu quan điểm truy tố tội danh trên đối với ba bị cáo. Viện cho rằng ông Trọng không có lời lẽ xúc phạm bị cáo Lân. Ông Trọng không đánh bà Lân mà bà tự vào bệnh viện nên cơ quan điều tra không cho giám định thương tật.
Đối với bị cáo Lập, theo Viện KSND, ban đầu Lập thừa nhận đạp ông Trọng nhưng sau đó thay đổi lời khai không thừa nhận, gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Bắt Lập để đảm bảo việc xét xử, không để vụ án kéo dài.
Riêng trường hợp ông Trọng cùng một số cán bộ đi xe biển số xanh, uống bia vào giờ trưa, viện sẽ kiến nghị cơ quan chức năng xử lý hành chính.
Sau khi tòa tuyên án, gia đình của các bị cáo cho biết sẽ làm đơn kháng cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận