31/05/2024 22:14 GMT+7

Hạt điều thô tăng giá 50%, doanh nghiệp Việt đau đầu vì bị 'xù' hợp đồng, nguy cơ lỗ nặng

Nhà xuất khẩu hạt điều thô tại châu Phi chây ì, không giao hàng theo hợp đồng hoặc tìm cách tăng giá bán 40-50%, đẩy nhiều doanh nghiệp nhập khẩu điều thô trong nước gặp khó, nguy cơ thua lỗ nặng.

Chế biến điều nhân xuất khẩu tại một doanh nghiệp phía Nam - Ảnh: N.TRÍ

Chế biến điều nhân xuất khẩu tại một doanh nghiệp phía Nam - Ảnh: N.TRÍ

Thông tin trên được ban chấp hành Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đưa ra tại buổi họp báo chiều 30-5.

Giá hạt điều thô tăng kỷ lục

Theo ông Nguyễn Minh Họa, phó chủ tịch Vinacas, viện cớ mất mùa và Bờ Biển Ngà ra chính sách hạn chế xuất khẩu hạt điều thô, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tại Tây Phi đang chây ì, không giao hàng theo hợp đồng đã ký, đẩy doanh nghiệp Việt vào thế khó.

"Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tại Tây Phi đã đẩy giá điều thô hiện tăng hơn 40 - 50% so với tháng 2 và 3, lên 1.500 - 1.700 USD/tấn. Ngoài ra, nhiều trường hợp, lượng điều thô được doanh nghiệp châu Phi xuất qua Việt Nam chỉ đạt khoảng 50% theo hợp đồng".

Là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu hạt điều, ông Tạ Quang Huyên, tổng giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1 (tỉnh Bình Phước), cho biết chưa năm nào giá hạt điều thô nhập khẩu tăng đột biến chỉ trong thời gian ngắn như hiện nay.

Theo ông Sơn, doanh nghiệp Tây Phi đẩy giá lên hoặc chọn giữ lại hạt điều thô chứ không xuất như hợp đồng. Cụ thể, trong 53.000 tấn điều thô đã ký tại thị trường này, đơn vị chỉ nhập được khoảng 25.000 tấn đúng như hợp đồng, còn lại bị tăng giá hoặc bị "xù".

Tương tự, ông Cao Thúc Uy, giám đốc Công ty Cao Phát (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), cho biết lượng hạt điều thô nhập khẩu đã đạt hơn 70% theo hợp đồng đã ký, và giá điều nhân xuất khẩu hiện cũng tăng khoảng 30% so với tháng 2 và 3. Tuy nhiên, việc tăng giá này chưa bằng mức tăng điều thô, chưa kể chất lượng điều thô năm nay giảm mạnh.

Cần sớm tìm giải pháp

The ông Cao Thúc Uy, xuất nhập bây giờ tương đối ổn vì nhờ lượng điều thô được nhập các tháng trước có mức giá ổn định. Nhưng với nhu cầu hơn 80.000 tấn điều thô/năm, chưa biết sắp tới sẽ đối mặt với khó khăn gì nên cũng ngại ký hợp đồng bán mới.

Vinacas cho biết ngoài vấn đề sớm thương thảo giá cả với bên mua và bán, nhờ Chính phủ hỗ trợ, hiệp hội sẽ lập danh sách những công ty xuất hạt điều thô không tuân thủ theo hợp đồng để có chế tài. Ngoài ra, có thể xem xét kiện ra tòa án quốc tế đối với những doanh nghiệp này.

"Việt Nam phải nhập hơn hơn 90% lượng điều thô để phục vụ cho chế biến, trong đó riêng Tây Phi chiếm 70 - 75% (khoảng 2,3 triệu tấn/năm). Do đó, nếu tình trạng này kéo dài, khả năng trong quý 3 và 4 ngành điều sẽ gặp khó khăn lớn, thua lỗ vì thiếu nguyên liệu, thậm chí tình trạng này có thể kéo dài sang quý 1-2025", ông Họa đánh giá.

Với nguồn cung điều thô chỉ khoảng 300.000 tấn/năm, nhiều doanh nghiệp cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam cần có chính sách để cải thiện diện tích, năng suất ngành điều, từ đó hạn chế nhập khẩu, giảm thiểu rủi ro.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, theo dự báo của thế giới, nguồn cung hạt điều toàn cầu sụt giảm khoảng 7% so với năm ngoái do chịu ảnh hưởng của thời tiết. Tuy nhiên, khả năng mức sụt giảm trên nhiều hơn nhiều. Do đó, việc thiếu hụt nguyên liệu dự báo sẽ kéo dài.

Theo Bộ NN&PTNT, 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hạt điều đạt 216.000 tấn, với kim ngạch 1,16 tỉ USD, tăng 32,4% về khối lượng và tăng 21,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Buôn lậu hơn 14.000 tấn hạt điều, cựu giám đốc lãnh 7 năm tùBuôn lậu hơn 14.000 tấn hạt điều, cựu giám đốc lãnh 7 năm tù

Do cần tiền trả nợ, Huy đã bán hơn 14.000 tấn hạt điều thô theo hình thức tạm nhập tái xuất ở thị trường trong nước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên