Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thắp hương bên mộ phần của Lê Thanh Thúy - Ảnh: HỮU THUẬN
Đã tròn 10 năm, cứ trước khi diễn ra Ngày hội Hoa hướng dương, các bạn trẻ TP.HCM lại đến bên mộ phần của Thúy tại Nghĩa trang TP (huyện Củ Chi) thắp nhang, ngồi bên nhau hát ca để nhắc nhớ về tấm gương Công dân trẻ TP - Đóa hoa hướng dương không cần ánh mặt trời Lê Thanh Thúy.
Trong không gian đầy xúc động, nhà giáo Nguyễn Văn Cải - phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, người đã giới thiệu tấm gương Lê Thanh Thúy đến báo Tuổi Trẻ nhiều năm trước, đã kể lại những câu chuyện đẹp hơn 10 năm trước của Thúy.
Sau khi câu chuyện chống chọi với bệnh tật của Thúy được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ, Thúy đã trở thành biểu tượng của niềm tin, khát vọng sống trong nghịch cảnh.
Hát bên mộ phần của "đóa hướng dương" Lê Thanh Thúy - Video: HỮU THUẬN
Thầy Nguyễn Văn Cải và cô giáo Nguyễn Thị Mộng Tuyền chia sẻ những câu chuyện đẹp của Thúy - Ảnh: HỮU THUẬN
Chuỗi ngày chiến đấu với căn bệnh ung thư của Thúy và những nghĩa cử cao đẹp của "đóa hoa hướng dương" được đăng tải đã khơi nguồn để ra đời chương trình ý nghĩa mang tên "Ước mơ của Thúy".
Theo thầy Cải, Thúy ước ao làm sao giảm nỗi đau ung thư và muốn trở thành chuyên gia tâm lý để tư vấn tâm lý cho các bệnh nhi ung thư.
"Ước mơ cao đẹp đó của Thúy vẫn còn mãi và 10 năm nay vẫn có những người viết tiếp ước mơ của Thúy, đó là những bạn trẻ đã đến bên mộ Thúy hôm nay" - thầy Cải chia sẻ.
Nếu một ngày nào đó tôi hết bệnh, đó là phép màu mà thượng đế ban tặng cho tôi. Tôi sẽ bắt đầu cuộc sống mới một cách tích cực hơn, có ý nghĩa hơn. Nhưng nếu như tôi ra đi thì cũng không có gì để đau buồn cả. Tôi chấp nhận nó vào cái ngày 9-6 của bốn năm về trước. Đó là ngày trên phiếu kết quả khám bệnh của tôi có dòng chữ dương tính với tế bào ung thư. Ai rồi cũng một lần ra đi, chỉ là vấn đề thời gian mà thôi"
Đóa hướng dương Lê Thanh Thúy
Mang đến chương trình cuốn sách "Xin hãy cho con thêm thời gian!" (nhật ký của Lê Thanh Thúy và những câu chuyện viết về Thúy), kèm những dòng nhật ký của Thúy trước ngày mất, cô giáo Nguyễn Thị Mộng Tuyền đã nghẹn ngào đọc lại những trang viết xúc động nhưng chan chứa nghị lực sống của Thúy.
Nhiều học sinh đã bật khóc trước những trang nhật ký mộc mạc nhưng mỗi câu chữ đều mang một ý nghĩa, một khát khao sống mãnh liệt của cô gái chưa bước sang tuổi 20.
10 năm qua, những người ở lại vẫn chung tay viết tiếp ước mơ của Thúy và chương trình "Ước mơ của Thúy" đã lan rộng ra khắp ba miền, đã giúp đỡ hàng ngàn bệnh nhi ung thư.
Hát bên mộ phần của "đóa hướng dương" Lê Thanh Thúy - Video: HỮU THUẬN
Năm 2006, Lê Thanh Thúy trở thành sứ giả của niềm tin và sự lạc quan, Thúy đã được bình chọn là một trong 5 gương mặt Công dân trẻ TP.HCM.
Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Tố Oanh đăng trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 30-7-2007, Thúy từng nói: "Nếu một ngày nào đó tôi hết bệnh, đó là phép màu mà thượng đế ban tặng cho tôi. Tôi sẽ bắt đầu cuộc sống mới một cách tích cực hơn, có ý nghĩa hơn. Nhưng nếu như tôi ra đi thì cũng không có gì để đau buồn cả. Tôi chấp nhận nó vào cái ngày 9-6 của bốn năm về trước. Đó là ngày trên phiếu kết quả khám bệnh của tôi có dòng chữ dương tính với tế bào ung thư. Ai rồi cũng một lần ra đi, chỉ là vấn đề thời gian mà thôi".
Thúy mất vào ngày 2-11-2007. Trong quá trình điều trị ung thư, Thúy đã níu lại thời gian để kịp làm những điều Thúy ước muốn và những điều dang dở vẫn được viết tiếp bởi cộng động mỗi ngày…
Một nữ sinh rưng rưng nước mắt khi nghe kể lại những mơ ước dở dang của Thúy - Ảnh: HỮU THUẬN
Các nữ sinh TP.HCM viếng mộ Thúy - Ảnh: HỮU THUẬN
Nơi yên nghỉ của Thúy đã được phủ kín bởi những đóa hoa hướng dương - Ảnh: HỮU THUẬN
Bạn trẻ TP.HCM viếng mộ Thúy - Ảnh: HỮU THUẬN
Các sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM hát vang ca khúc Một đời người, một rừng cây bên mộ Thúy - Ảnh: HỮU THUẬN
Các học sinh, sinh viên TP.HCM cùng hát vang những bài ca bên mộ Thúy - Ảnh: HỮU THUẬN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận