01/09/2018 12:08 GMT+7

Harvard bị tố phân biệt đối xử sinh viên gốc Á

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Bộ Tư pháp Mỹ mới đây lên tiếng ủng hộ sinh viên gốc Á kiện Đại học Harvard phân biệt đối xử dựa theo sắc tộc trong chính sách tuyển sinh, trong cuộc đấu tranh chống phân biệt diễn ra từ lâu trong các trường ở Mỹ.

Harvard bị tố phân biệt đối xử sinh viên gốc Á - Ảnh 1.

Người Mỹ gốc Á biểu tình trước Tòa án tối cao Mỹ trong vụ kiện chính sách tuyển sinh Đại học Texas năm 2015 - Ảnh: REUTERS

Vụ việc do nhóm Sinh viên vì tuyển sinh công bằng (SFA) khởi kiện thay mặt cho các sinh viên gốc Á. Trong tuyên bố gửi đến Tòa án Massachusetts ngày 30-8, giờ địa phương, Bộ Tư pháp Mỹ thể hiện rõ thái độ ủng hộ nguyên đơn, cho rằng bằng chứng của nhóm này đủ thuyết phục để đưa Harvard ra tòa.

Ai cũng có quyền học

"Không có người Mỹ nào phải bị từ chối nhận vào học vì chủng tộc của họ. Là một bên nhận tiền của người đóng thuế, Harvard có trách nhiệm thực hiện chính sách tuyển sinh không phân biệt chủng tộc bằng việc sử dụng tiêu chuẩn tuyển sinh đáp ứng các yêu cầu luật pháp" - Đài CNN dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, trong đó khẳng định vụ kiện này đáng quan tâm bởi chính sách tuyển sinh của các trường rất quan trọng và phải làm đúng luật.

Bộ lập luận Chính phủ Mỹ cũng có liên quan bởi Harvard nhận hàng triệu USD từ nguồn quỹ liên bang mỗi năm. Từ nhiều tháng trước, chính quyền Mỹ đã tỏ ý sẽ ủng hộ nhóm sinh viên.

Thật ra, Tòa án tối cao Mỹ cho phép các trường đại học cân nhắc yếu tố chủng tộc trong tuyển sinh để ưu tiên cho các ứng viên dân tộc thiểu số vào đại học. Nhưng việc này phải được áp dụng thận trọng và có giới hạn nhằm mục đích tạo ra sự đa dạng trong môi trường giáo dục và các trường phải chứng minh được điều đó.

Tuy nhiên, Trường Harvard bị cho là đã áp dụng tiêu chuẩn "đánh giá cá nhân" mập mờ gây bất lợi cho các sinh viên gốc Á. Ngôi trường nổi tiếng này cũng thừa nhận cho điểm thấp với các sinh viên gốc Á ở mục như tính cách, khả năng gây thiện cảm... và can thiệp nhằm "cân bằng chủng tộc" trong các lớp học.

Cũng trong quy trình tuyển sinh của Harvard, gốc Á là một điểm trừ trong khi các chủng tộc khác lại là điểm cộng. Theo chính quyền Tổng thống Donald Trump, hành động này bất hợp pháp và "vi hiến rõ ràng".

Các quan chức Bộ Tư pháp Mỹ cũng đang tiến hành một cuộc điều tra liên quan đến chính sách tuyển sinh của Harvard từ một đơn kiện tương tự của các hiệp hội người Mỹ gốc Á.

Trường đại học Mỹ cương quyết bảo vệ quy tắc tuyển sinh lâu đời của mình. "Harvard sẽ tiếp tục bảo vệ quyền của mình, và của tất cả trường đại học, cao đẳng, trong việc cân nhắc yếu tố sắc tộc như là một trong nhiều yếu tố của việc tuyển sinh" - Fox News dẫn lời người phát ngôn của trường khẳng định họ cân nhắc mọi yếu tố về nền tảng và khả năng của ứng viên xin nhập học.

Đấu tranh

Nhiều nhóm tự do, ngược lại, đứng ra chỉ trích Bộ Tư pháp Mỹ đe dọa sự đa dạng trong các trường đại học. "Sự can thiệp của Bộ trưởng Tư pháp Sessions trong trường hợp này đi ngược các chiến lược vững chắc theo hiến pháp mà các trường đại học và cao đẳng đang sử dụng để mở ra cơ hội giáo dục cho sinh viên thuộc mọi nền tảng" - chủ tịch Vanita Gupta của nhóm Hội nghị lãnh đạo nhân quyền và quyền công dân lập luận. Một số khác cho rằng nó có thể gây ra xung đột giữa các nhóm sắc tộc.

Tuy nhiên, không chỉ Harvard mà nhiều trường đại học khác cũng áp dụng chính sách chủng tộc gây nhiều tranh cãi. Một sinh viên đạt điểm số cao, đứng đầu lớp, được khen cũng chưa chắc đã đậu bởi nhân viên tuyển sinh còn cân nhắc nhiều yếu tố khác như gốc gác, gia thế, thu nhập...

Trước đó, SFA đã khởi kiện Đại học Texas cách đây hai năm nhưng không thành công. Hay Liên minh người Mỹ gốc Á vì giáo dục cũng từng khiếu nại, yêu cầu Bộ Giáo dục điều tra việc tuyển sinh các đại học lớn như Yale, Brown. "Thực tế là sự phân biệt chủng tộc vẫn tiếp tục hạn chế cơ hội giáo dục cho sinh viên thuộc các màu da" - công tố viên Nicole Ochi tại Los Angeles nhận định.

Nhiều bang tại Mỹ đã cấm chính sách cân nhắc yếu tố chủng tộc trong tuyển sinh đại học công, thay vào đó thúc đẩy việc đánh giá các yếu tố kinh tế xã hội. Nhưng phương pháp này cũng không tạo được sự đa dạng sắc tộc và nhiều đại học tư nhân vẫn tiếp tục đánh giá chủng tộc.

Theo giới phân tích, vụ kiện Harvard sẽ là phép thử cho nỗ lực của nhóm chính trị gia bảo thủ và những người ủng hộ nhằm loại bỏ chính sách nâng đỡ trong việc tuyển sinh. Bộ Giáo dục và Bộ Tư pháp Mỹ hồi tháng 7-2018 tuyên bố chính quyền ông Trump đang hủy bỏ chính sách này có từ thời cựu tổng thống Barack Obama và sẽ yêu cầu các trường không phân biệt chủng tộc trong tuyển sinh.

Sẽ lên tòa tối cao

Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định Đại học Harvard đã không chứng minh được rằng mình không phân biệt chủng tộc và yêu cầu tòa án không khép lại vụ kiện. Phiên xử dự kiến diễn ra tại Boston vào tháng 10-2018 và vụ việc có thể được đưa tiếp lên Tòa án tối cao.

Bill Gates hối tiếc điều gì nhất ở Harvard? Bill Gates hối tiếc điều gì nhất ở Harvard?

TTO - Bill Gates bỏ ngang Đại học Harvard vào năm 1975, nhưng đó không phải hối tiếc lớn nhất của ông tại viện nghiên cứu danh tiếng này.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên