14/12/2020 12:39 GMT+7

"Happy chip" đến với đồng bào vùng cao

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Điều cô giáo trẻ mong mỏi là trang bị, bổ sung kiến thức về sức khỏe sinh sản cũng như tác dụng của việc sử dụng đồ lót cho đồng bào, học sinh vùng cao.

Happy chip đến với đồng bào vùng cao - Ảnh 1.

Vợ chồng chị Hằng - anh Cải cùng triển khai dự án “Happy chip” nơi chính bản làng người Mông - Ảnh: HOÀNG CƯỜNG

Dự án của cô vừa xuất sắc chiến thắng cuộc thi "Dự án tình nguyện 2020" do Trung ương Đoàn tổ chức.

Ấp ủ ý tưởng từ hồi sinh viên, nhưng mãi đến tháng 6 vừa rồi Nguyễn Thị Hằng (25 tuổi, đang giảng dạy tại Hà Nội) mới có điều kiện triển khai sâu rộng dự án "Happy chip" (tạm dịch: "Đồ lót hạnh phúc") đến với đồng bào vùng cao ở xã Suối Bu, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Mình khỏe họ mới làm theo

Quê tận Điện Biên xa xôi, Hằng đến thủ đô học tập rồi nên duyên với Sùng A Cải (28 tuổi, quê Yên Bái). Sau tốt nghiệp, cả hai quyết định tiến tới hôn nhân. Hằng nhớ lại trong một lần về nhà người yêu chơi, cô phát hiện cả gia đình người yêu không xài… đồ lót. "Sao có hiện tượng như vậy? Mình phải làm điều gì đó" - Hằng trăn trở.

"Mọi người không sử dụng đồ lót, trong khi ở nhà mình ai ai cũng có đồ lót, không chỉ có một mà còn nhiều cái, nhiều kiểu khác nhau. Mình rất muốn thay đổi nhận thức của các bạn nhỏ ở đây về vấn đề sử dụng đồ lót trước, từ đó tuyên truyền về sức khỏe sinh sản" - Hằng mong muốn.

Trong suốt chặng đường đi của Hằng luôn có chồng đồng hành. Bẽn lẽn nhìn sang vợ, A Cải bộc bạch: "Gia đình mình không mặc, thực ra mình cũng không mặc, phải đến khi là sinh viên cơ, là từ lúc quen vợ mình ấy". 

Thấy ý tưởng hay của vợ, hai vợ chồng quyết tâm thực hiện. Bắt đầu từ nhà mình trước, họ mua 1-3 chiếc quần lót cho những đứa em của A Cải sử dụng. Em gái A Cải mặc tốt, tuyên truyền cho bạn, sau đó lan rộng đến những người khác.

Rồi đến tập thể. Hai vợ chồng triển khai dự án thí điểm đến học sinh Trường tiểu học và THCS Suối Bu (Văn Chấn). Hằng cho biết chọn đối tượng là các em học sinh lớp 8, lớp 9, dự án hướng đến đào tạo "chiến sĩ nguồn" là những em nhỏ có nhiệt huyết, sức ảnh hưởng khi tham gia phong trào để có thể lôi kéo, hướng dẫn các bạn khác cùng tham gia.

"Đây là vấn đề nhận thức, không thể yêu cầu họ thay đổi ngay được. Thay đổi một người, hai người, rồi mới đến tập thể lớp. Sau đó tập thể lớp tuyên truyền cho các em nhỏ hơn" - Hằng quả quyết.

Làm sao để các em người Mông nghe theo mình? Hằng bộc bạch đó cũng là trở ngại lớn nhất khi cô không biết tiếng đồng bào, nói chuyện về "vấn đề tế nhị" càng khó hơn. May mắn, chồng cô - con em đồng bào dân tộc Mông - luôn theo sát vợ. 

Cả hai "cất cái ngại đi", sử dụng tiếng Mông tuyên truyền cho con em đồng bào hiểu. Bước đầu là tuyên truyền về tác dụng của việc sử dụng đồ lót, tặng cho đồng bào dùng thử trước, cung cấp sản phẩm đồ lót tốt cho bà con. Sau đó tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ.

Hồi trước Hằng để tóc ngắn, bà con không thích đâu. Bây giờ Hằng là con dâu người Kinh đầu tiên ở bản làng, cả hai vợ chồng giảng dạy ở Hà Nội là tấm gương để con em đồng bào học hỏi. Về lại bản làng nhìn thấy vợ chồng khỏe mạnh, có con gái cũng lớn lên khỏe mạnh, giờ ai ai cũng tin lời họ nói. "Phải làm gương trước, mình khỏe thì họ sẽ làm theo" - cô giáo trẻ quả quyết.

Xuất phát từ trái tim sẽ mang lại hiệu quả

Nay mỗi lần về lại bản làng là Hằng cùng chồng đi chuyện trò với các em nhỏ như những người anh chị, như thầy cô giáo trò chuyện với các em học sinh. Cô bộc bạch đây là công việc cô yêu thích, có thể phát huy được năng lực của bản thân để giúp đỡ con em, đồng bào vùng cao. 

Mới đầu chỉ tuyên truyền bằng lời nói, Hằng cho biết sắp tới "Happy chip" sẽ hướng đến sử dụng video, hình ảnh, poster để tuyên truyền cho đồng bào về tác dụng của đồ lót, về sức khỏe sinh sản.

"Ý tưởng xuất phát từ trái tim, từ nhu cầu của địa phương, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả. Trước đây khi vợ chồng mình đang là sinh viên cũng tổ chức về quê tặng quà Trung thu, tặng quần áo, nhưng sau khi phát hiện ở đó không sử dụng đồ lót, mình cảm thấy tiếc vì sao không mạnh dạn đề xuất dự án "Happy chip" sớm hơn?" - Hằng giãi bày.

Nhìn thấy dự án ý nghĩa của cô giáo, các em học sinh của Hằng ở Hà Nội đề xuất cùng cô giáo thiết kế cẩm nang về sức khỏe sinh sản, về đồ lót, sử dụng cả tiếng Việt và tiếng Mông, có sử dụng hình ảnh phù hợp với lứa tuổi của các bạn học sinh.

"Mình có một gia đình có thể gọi là hoàn hảo vì có người chồng yêu thương mình, có con gái đáng yêu. Bây giờ chúng mình còn trẻ, hai vợ chồng đều thích tham gia hoạt động tình nguyện. Mới đầu chỉ là ý tưởng, nhưng với sự hỗ trợ của Trung ương Đoàn, có ý tưởng thì mình hoàn toàn có thể đề xuất, quản lý, chuyển giao ý tưởng cho các bạn tình nguyện có tiềm năng thực hiện" - cô giáo Nguyễn Thị Hằng tâm niệm.

Hiện tại qua kênh kết nối của Trung ương Đoàn, một doanh nghiệp đang đồng hành cùng dự án "Happy chip". Cô giáo trẻ cho biết thời gian tới sẽ đánh giá hiệu quả bước đầu của dự án, sau đó triển khai sâu rộng đến các địa bàn vùng cao khác.

Dần dần tạo niềm tin

Sùng A Cải bộc bạch bản thân không ngại ngần khi chia sẻ vấn đề này, nhưng thực ra với đồng bào Mông thì hay ngại lắm. Do đó khi tuyên truyền cho bà con, A Cải cùng vợ phải biết ý bà con để lựa lời tuyên truyền.

"Khi cho các em nhỏ dùng thử đồ lót, các em nói rất thích nhưng ngại. Đi mua thì bị bạn bè trêu, tâm lý ngại ngần, từ ngại ngần nên không dám mua. Chưa kể điều kiện kinh tế khó khăn cũng không mua nhiều, không mua thường xuyên, dần dần thành thói quen, không mặc cũng bình thường. Còn phụ huynh thì bảo các cụ trước chả bao giờ mặc, bây giờ chúng tôi cũng chẳng mặc, con cái chúng tôi cũng chẳng mặc" - A Cải chia sẻ.

Vợ chồng A Cải xác định có ý tưởng rồi nhưng để thay đổi nhận thức của bà con phải đồng hành với họ lâu dài, dần dần tạo niềm tin, giúp bà con thay đổi nhận thức tiến bộ hơn.

Du ca gây quỹ giúp đồng bào vùng cao Hà Giang Du ca gây quỹ giúp đồng bào vùng cao Hà Giang

TTO - Tiếng nhạc từ chiếc loa thùng phát ra theo chân 20 bạn trẻ thủ đô đi khắp phố phường Hà Nội. Những giai điệu không còn xa lạ vang lên mang đến 'bữa tiệc du ca' hết sức sôi động thu hút người dân thủ đô.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên