25/12/2018 12:57 GMT+7

Hảo và mẹ Thương - tình yêu thương cao cả

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Mới lớn, đang bươn chải mưu sinh thì bị tai nạn lao động, cắt cụt người tới háng, chàng thanh niên mồ côi được một người phụ nữ không thân thích ruột thịt mang về nuôi. Cả hai đã cùng nhau đấu tranh với tử thần, vượt qua biết bao lần sinh tử.

Hảo và mẹ Thương - tình yêu thương cao cả - Ảnh 1.

Bà Đinh Thị Thương và hành trình đưa Hảo đi chữa trị ở các bệnh viện - Ảnh: M.L và gia đình cung cấp

Chàng thanh niên bất hạnh ngày ấy là Phạm Văn Hảo, năm nay đã 29 tuổi. Còn người mẹ nuôi là bà Đinh Thị Thương, một nông dân ở thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên.

Cô Thương làm thiện nguyện hơn 10 năm nay, làm nhiều việc tốt. Mấy năm nay lại còn cưu mang, nuôi dưỡng em Hảo nữa

Ông ĐỒNG QUANG NGHỊ (chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Hùng Sơn)

Đứa con thứ sáu

9 tuổi, Hảo mồ côi mẹ. 19 tuổi, Hảo bị liệt sau tai nạn lao động kinh hoàng. Mấy tháng sau cha Hảo mất. Người thân ruột thịt chỉ còn lại người chị gái bị bệnh ngẩn ngơ... Những ước mơ của tuổi trẻ đóng sập lại ở tuổi 19, với cơ thể lở loét, hai chân bị liệt.

Tuổi thanh xuân của Hảo chết lặng và đóng khung trên chiếc giường tre đầy máu mủ trong căn phòng hôi thối. Cơm thì được vợ chồng người chú mang qua. Việc vệ sinh diễn ra tại chỗ...

Sáu năm trước, cuối năm 2012, trong một lần đến xã Phục Linh (Đại Từ), bà Đinh Thị Thương biết về tình cảnh của Hảo. Hảo nằm trên giường. Hai chân bị liệt, mông bị loét...

Sau chuyến thăm đó, hằng ngày bà Thương đều đặn đến lau vết thương, thay bỉm, lau người, giặt quần áo cho Hảo. Sau hai năm, tình thương ngày một lớn dần.

Rồi bà Thương đưa Hảo về nhà chăm sóc. Vợ chồng bà Thương có năm người con. "Giờ thêm Hảo nữa là sáu, là đứa lớn thứ tư trong nhà", bà Thương cười bảo.

Hảo và mẹ Thương - tình yêu thương cao cả - Ảnh 3.

Những bức ảnh trong hành trình đưa Hảo đi chữa trị ở các bệnh viện được mẹ Thương lưu giữ lại - Ảnh tư liệu

Loét thịt, cắt xương, 3 lần chuẩn bị hậu sự

"Hảo về ở với chúng tôi năm năm nay, cả năm năm đều đi viện", bà Thương xót xa.

Lần đầu bà đưa Hảo đến một bệnh viện chữa trị vết loét. Người ta mở vết thương ra là không tiếp nhận, không làm hồ sơ mà trả về luôn. Rồi bà đưa lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Nguyên.

"Phần thịt bị lở loét cứ phá dần, phá to ra. Xương thịt cứ bở từng đốt, từng mảnh. Tôi vệ sinh cho con thấy cả xương", bà Thương chảy nước mắt khi nhớ lại.

Sau tám ngày nhập viện, bệnh viện từ chối chữa trị và nói với bà Thương: "Bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao, nhìn thấy ruột rồi". Bà Thương bàng hoàng rớt nước mắt nhưng bà không bỏ cuộc. Bà nghĩ đến Bệnh viện 108 ở Hà Nội! Bà không chấp nhận buông tay để đứa con nhặt về phải chết.

Hơn 50 tuổi, bà chưa đi Hà Nội lần nào. Đó là lần đầu tiên bà đi Hà Nội. Không dám đặt hi vọng. Đi là một sống, một chết nhưng quyết đi. Dọc đường đi, bà chỉ nơm nớp lo sợ con chết giữa đường. Nó héo hắt lắm rồi.

Lần đó Hảo nằm viện 47 ngày, chiến đấu với hàng loạt ca phẫu thuật: phẫu thuật cắt lọc hoại tử lần một, phẫu thuật cắt chân trái lấy thịt đùi vá những phần đã bị hoại tử trên mông... Hậu môn bị cắt. Chất thải cứ thế rỉ ra không thể kiểm soát.

Bà Thương đau xót viết trong nhật ký: "Chúa ơi, tại sao Chúa cho em Hảo phải bị như vậy?...".

Hảo và mẹ Thương - tình yêu thương cao cả - Ảnh 4.

Một trang nhật ký trong hành trình 5 năm bà Thương cùng con đi khắp các bệnh viện chữa trị và chiến đấu với cả tử thần - Ảnh: M.L

12 ngày đêm liên tục bà Thương thức trắng canh trực bên Hảo. Bà đeo khẩu trang, mang găng tay, lấy giấy ướt, giấy khô, ban đêm thêm cái đèn pin và phải đeo kính vì mắt kém, kiên nhẫn vệ sinh cho con.

"Em nó đi vệ sinh không phải một lần mà cứ như mạch nước rỉ ra dần. Tôi cứ ngồi suốt bên cạnh, lấy giấy đón mạch nó chảy ra, mệt không ai thay cho. Kiệt sức quá thì cầu nguyện. Tôi không nghĩ một điều gì buông xuôi cả...".

Bà cứ kiên trì như thế, cho đến khi vết mổ khô dần.

Những năm sau, vết thương vẫn hành hạ. Đến năm 2016, vết loét trên lưng Hảo bị hoại tử, ăn thủng loang to thành cái lỗ hổng đặt bàn tay vào còn lọt! Những đốt xương cứ rỗng mục dần.

Gần một tháng nằm viện thì Hảo bị nhiễm trùng máu.

"Đợt đó mẹ con tôi ở viện 105 ngày, đi từ mùa hạ đến mùa thu kết quả vẫn trở về con số không. Nó cứ khóc đòi về, chết cũng được. May các bác tận tình mua những loại thuốc tốt, cháu khỏi nhiễm trùng máu", bà Thương chặm nước mắt, nghẹn ngào kể.

Rồi năm sau Hảo sốt đùng đùng. Sốt suốt hai tháng. "Hai tháng trời Hảo bị sốt là ngần ấy thời gian tôi không biết ngủ là gì. Hai tháng đó nó cứ bảo mẹ cho con về, con không sống được đâu. Hai mẹ con cứ khóc thôi.

Nó cứ đòi về quá, tôi bảo với cô trưởng khoa xin cho về. Bác sĩ nói giờ nó kháng hết thuốc rồi. Không có loại thuốc nào cầm cự được nữa. Tôi bảo chồng ở nhà dọn dẹp nhà cửa đi, chuẩn bị lo hậu sự... Đó là lần thứ ba chuẩn bị lo hậu sự cho nó".

May sao khi bà đã kiệt sức thì Hảo lại ngắt được sốt. Ngắt được sốt thì lại bị apxe phổi. Lại đưa đi Bệnh viện Bạch Mai chữa 18 ngày thì về. Về nhà mới được 10 ngày thì lại đi Bệnh viện 108 chữa trị chỗ loét lưng vì viêm dò xương.

Cứ cắt xương dần, cắt dần từng đoạn một. Cắt cụt tới háng. Sau đó, các bác sĩ có sáng kiến làm áo giáp bằng da bó toàn bộ phần dưới, vết thương từ từ co nhỏ lại. Nhờ lắp ghép đinh vít, nẹp lưng, áo giáp và nỗ lực điều trị, Hảo xuất viện sáu tháng sau đó.

Hảo và mẹ Thương - tình yêu thương cao cả - Ảnh 5.

Hảo sau khi phẫu thuật cắt hai chân bị liệt - Ảnh tư liệu

Hảo và mẹ Thương - tình yêu thương cao cả - Ảnh 6.

Hảo sau khi bị cắt cụt tới háng - Ảnh: MY LĂNG

Hảo và mẹ Thương - tình yêu thương cao cả - Ảnh 7.

Hảo đã có thể tự vận động tự di chuyển xuống xe lăn - Ảnh: M.L

Hảo và mẹ Thương - tình yêu thương cao cả - Ảnh 8.

Hảo tự mình di chuyển bằng xe lăn - Ảnh: MY LĂNG

Hãy mỉm cười với thử thách, chông gai

Bà Thương mỉm cười bảo: "Mẹ con tôi phải trải qua thử thách nhiều lắm. Bao lần cắt xương, cắt chân, mổ các thứ đau đớn lắm nhưng nó đều cố gắng chịu. Mà tôi cứ bỏ nhà đi biền biệt có đơn giản đâu. Thằng lớn ở nhà thì bệnh động kinh. Vợ nó đang có bầu.

Ở nhà vừa cháu vừa con. Mấy năm trời không làm được gì, quanh năm suốt tháng cứ đi viện, quay cuồng.

Có lần đi viện về mệt mà đến lối rẽ vào nhà tôi cũng không nhớ, cứ lộn đi lộn lại. Vất vả, gian truân lắm nhưng tôi chưa bao giờ hối hận đã mang Hảo về nuôi. Tôi không cần người đời họ khen. Cũng không để ý lời họ chê. Cứ mỉm cười với thử thách, chông gai...".

Nhà bà Thương như bao gia đình khác ở huyện Đại Từ này: làm chè, làm ruộng. Bà bảo, trừ tiền đầu tư đi rồi chỉ còn tòm tiệm, dư dả thì không có. Chồng bà không lương hưu. Ba người con đã lập gia đình đều ở riêng hết.

"Nhưng mẹ con tôi may mắn, những lúc nguy nan là có người giúp - bà Thương mỉm cười - Bà con người ta thấy hoàn cảnh cháu như vậy, mỗi người cho một ít. Cơm người ta cũng cho. Thỉnh thoảng tôi cũng bỏ ra một ít.

Em nó có bảo hiểm y tế, không phải mất nhiều tiền. Viện phí có lần hết 70 - 80 triệu đồng nhưng mình chỉ tốn hơn 1 triệu thôi. Ăn uống không tốn bao nhiêu. Hai mẹ con chỉ ăn một suất cơm 20.000 đồng thôi chứ một người cũng không ăn hết".

Hảo và mẹ Thương - tình yêu thương cao cả - Ảnh 9.

Bác sĩ Lâm Bình (BV Trung ương Quân đội 108), người đã tận tâm chữa trị cho Hảo - Ảnh tư liệu

Hảo và mẹ Thương - tình yêu thương cao cả - Ảnh 10.

Hảo được gia đình tổ chức sinh nhật - Ảnh tư liệu

Bà Thương bảo: "Nỗi đau, sự bất hạnh của Hảo đã xoa dịu đi nỗi đau cho người khác. Như cụ Việt ở Hà Nội có năm người con mang cụ đến bệnh viện rồi tị nhau việc chăm bố, đi tìm người chăm thuê. Tôi xin nhận trông giúp không lấy tiền công. Thế rồi năm người con thấy xấu hổ và hối hận. Từ đó họ thay nhau chăm bố chu đáo.

Cháu Thu 29 tuổi ở Hà Nam bị ung thư xương phải cắt chân tới đùi. Cháu bị mất tinh thần. Hảo động viên thì cháu lại trở lại bình thường được. Chú Thắng 47 tuổi ở Hải Phòng bị xe bêtông nghiến mất một phần đùi và cả hạ bộ.

Chú Thắng bi quan chỉ nghĩ đến cái chết, vợ khuyên thế nào cũng không nghe. Vợ chú đưa chồng đến gặp Hảo. Chú về phòng nói với mọi người: Ôi mình còn hạnh phúc nhiều. So với cháu Hảo thì mình chưa là gì.

Từ đó, chú thấy nỗi đau khổ của chú nhẹ nhàng hơn và không còn cáu gắt, buồn phiền nữa...".

Sóng gió đến nay có lẽ đã qua đi. Đứa con mà bà Thương nói rằng là "đứa con mà Chúa ban tặng" giờ khỏe mạnh, không còn phải nhờ mẹ làm giúp những việc vệ sinh cá nhân nữa. Hảo đã vui vẻ, hoạt bát, không than thở buồn chán nữa.

Anh chàng có cái loa karaoke, thỉnh thoảng lại bật nhạc lên nghêu ngao hát. Hảo còn nuôi một con chó tên Bin rất quấn chủ.

Hiện Hảo đang tập làm ví da, làm hàng lưu niệm bằng nan tre bán trên mạng và hơn hết, anh được sống, yêu đời là chính nhờ sự chiến đấu không mệt mỏi của bản thân và tình yêu thương của bà Thương và gia đình thứ hai của mình.

Hảo và mẹ Thương - tình yêu thương cao cả - Ảnh 11.

Không muốn mình là người vô dụng, sẵn khéo tay, Hảo đang tập làm ví da để bán trên mạng - Ảnh: MY LĂNG

Hảo và mẹ Thương - tình yêu thương cao cả - Ảnh 12.

Hảo bên mẹ Thương, bố Phấn và anh cả, em út - Ảnh: MY LĂNG

Hảo và mẹ Thương - tình yêu thương cao cả - Ảnh 13.

Hảo và cún cưng tên Bin nuôi từ nhỏ - Ảnh: MY LĂNG

Hảo và mẹ Thương - tình yêu thương cao cả - Ảnh 14.

Hảo giờ yêu đời, tự tay làm ví da và những món đồ lưu niệm để bán qua mạng - Ảnh: M.LĂNG

Có mẹ bên cạnh, con không phải lo gì cả

2 mẹ con

Hảo và mẹ Thương, một tình yêu bao la - Ảnh: M.L

Nói về mẹ Thương, Hảo ngập tràn sự biết ơn: "Tôi bị liệt nằm một chỗ hơn bốn năm mới gặp được mẹ. Trong hơn bốn năm đó tôi chỉ có một mình. Không có tương lai. Không hi vọng, chẳng mơ ước gì.

Tôi rất may mắn vì đã gặp được mẹ, được bố mẹ, anh chị em trong nhà thương quý, động viên.

Đi viện cả tháng trời, lần nào tỉnh dậy cũng thấy mẹ. Có những lúc nghĩ rằng mình không muốn sống nữa, đau đớn quá, chán nản quá. Có lúc tôi đau quá, mẹ ôm mà khóc, động viên cố gắng từng ngày vượt qua.

Mẹ nói dù sao cũng có mẹ bên cạnh, con không phải lo gì cả...".

2 mẹ con

Bác sĩ quân y, đại tá Nguyễn Lâm Bình - Ảnh gia đình cung cấp

Đại tá Nguyễn Lâm Bình (phó khoa chấn thương chỉnh hình tổng hợp Bệnh viện Trung ương quân đội 108) nói: "Hôm bác Thương đưa cháu Hảo đến đúng hôm tôi trực.

Trường hợp của Hảo rất nặng. Hảo bị liệt tủy sống và loét hết vùng xương cùng cụt và mất cả đốt sống L5. Xương cột sống không còn dính với xương chậu nữa nên nửa trên và nửa dưới không kết dính với nhau.

Một tuần sau tôi mới biết câu chuyện của Hảo và bà Thương, thấy rất khâm phục, cảm kích bà mẹ và cám cảnh, thương cảm cho thằng bé. Biết hoàn cảnh như vậy, chúng tôi bảo nhau chăm chút cho bệnh nhân để đỡ chi phí.

Có lần nó tuyệt vọng, bắt taxi về treo cổ tự tử, mẹ nuôi về kịp. Bà mẹ đã đồng hành cùng Hảo đến giờ này, khỏe mạnh, trưởng thành. Thật đáng khâm phục".

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, một người dân, cho biết: "Nhà bà Thương kinh tế không có đâu, làm chỉ đủ ăn thôi. Vậy mà lại mạnh dạn nuôi một người sắp chết.

Anh ấy lúc đi bệnh viện nhiều quá, nghĩ mình không qua khỏi, viết thư để lại rồi đi tìm cái chết. Mọi người trong nhà đi tìm. Bà Thương vừa đi vừa khóc.

Cuối cùng cũng tìm được anh Hảo. Bà Thương đưa anh Hảo đi nhiều viện lắm, chữa trị cho một người sắp chết được khỏe mạnh, yêu đời như bây giờ thật là phi thường.

Cả xóm này ai cũng biết việc gia đình bà Thương cưu mang anh Hảo".

Hình ảnh Anh Đức dáo dác tìm mẹ vào thơ Nồng Nàn Phố Hình ảnh Anh Đức dáo dác tìm mẹ vào thơ Nồng Nàn Phố

TTO - Đoạn video cầu thủ Anh Đức dáo dác tìm mẹ trên khán đài, và không ngớt gọi "Mẹ đâu, mẹ ơi" khi trận chung kết AFF Cup vừa kết thúc hôm 15-12, khiến Nồng Nàn Phố trào nước mắt và sáng tác bài thơ 'Mẹ đâu mẹ đâu'.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên