TTO - "Cõng mẹ lên giảng đường", câu chuyện được báo Tuổi Trẻ đăng tải mùa Vu lan năm 2018 đã gây xúc động mạnh cho bạn đọc. Và người bắt đầu câu chuyện này là anh Trương Văn Hoài - chủ tịch UBND xã Triệu Nguyên - huyện Đakrông, Quảng Trị.

Hành trình yêu thương cùng cô gái Cõng mẹ lên giảng đường - Ảnh 1.
Hành trình yêu thương cùng cô gái Cõng mẹ lên giảng đường - Ảnh 2.

Anh Hoài chưa đến 40 tuổi. Tính đến thời điểm này anh mới về nhận công tác tại xã Triệu Nguyên được khoảng 2 năm. Trước đó, anh có khá nhiều năm là bí thư Huyện đoàn Đakrông. 

Anh biết đến Tuổi TrẻTuổi Trẻ "biết" anh cũng trong giai đoạn này nhờ những lần cùng nhau thực hiện chương trình Tiếp sức đến trường. Nhưng anh nói không ngờ cơ duyên với Tuổi Trẻ lại lớn đến như thế.

Hành trình yêu thương cùng cô gái Cõng mẹ lên giảng đường - Ảnh 3.

Ngày mới có kết quả thi đại học, anh Hoài về thôn Na Nẫm thì biết chuyện của Hiền Cẩm. Lúc ấy, em vừa nhận kết quả trúng tuyển vào đại học Y Dược Huế.

"Tôi ở không xa thôn Na Nẫm nên hiểu quá rõ hoàn cảnh gia đình này. Biết tình cảnh trớ trêu mà Cẩm đang trải qua. Và tôi đã quyết định nhắn tin cho phóng viên báo Tuổi Trẻ tại Quảng Trị. Tôi tin trong trường hợp này Tuổi Trẻ sẽ giúp được em", anh Hoài kể.

Nhiều năm qua, mẹ con Mai Thị Hiền Cẩm là trường hợp được quan tâm của xã. Hoàn cảnh hai mẹ con quá đặc biệt. Cẩm không có cha. Hai mẹ con bấu víu nuôi nhau suốt 18 năm ròng.

Khi Cẩm đi thi đại học cũng là lúc mẹ em đổ quỵ vì căn bệnh tiểu đường và suy thận giai đoạn cuối. Căn nhà nhỏ bỏ hoang do hai mẹ con phải đi ở nhờ nhà bà con gần quốc lộ để thuận tiện tuần hai buổi đi bệnh viện chạy thận.

Đậu đại học nhưng con đường trước mắt Cẩm mù mịt.

Cẩm có rất ít sự lựa chọn. Và có thể em phải gác lại việc học để ở nhà chăm mẹ những ngày cuối đời.

Chỉ có một cách để Cẩm có thể nhập học ngay là mang mẹ theo cùng để vào Huế học. Anh Hoài đã nhắn rất chi tiết những tình tiết này cho phóng viên báo Tuổi Trẻ tại Quảng Trị kèm lời nhắn: "Tôi tin Tuổi Trẻ có thể giúp được em".

Một năm trôi qua. Đến thời điểm này, anh Hoài vẫn chưa hết xúc động với những gì diễn ra những dòng tin nhắn ấy. Anh nói sau hôm chuyện về Cẩm được đăng lên báo, suốt mấy đêm liền anh không ngủ được vì quá vui sướng.

"Thật tình khi nhắn tin tôi cũng chỉ dám hi vọng, bởi biết còn nhiều trường hợp khác khó khăn lắm. Không ngờ câu chuyện đăng lên Tuổi Trẻ lại có sức lan tỏa khủng khiếp đến thế", anh kể.

Chỉ một vài giờ sau khi đăng báo, rất nhiều người từ khắp mọi miền đất nước đã gọi về xã hỏi về trường hợp của Cẩm. Nhiều cánh tay dang ra hỗ trợ, giúp đỡ em.

"Không chỉ tôi, mà cả xã đều khấp khởi mừng. Việc lựa chọn đưa mẹ cùng vào Huế sau đó của Cẩm được thuận lợi chính nhờ bàn tay của cộng đồng", vẫn giữ nguyên cảm xúc như xưa anh Hoài kể.

Hành trình yêu thương cùng cô gái Cõng mẹ lên giảng đường - Ảnh 4.
Hành trình yêu thương cùng cô gái Cõng mẹ lên giảng đường - Ảnh 5.

Khi chúng tôi trở lại Triệu Nguyên những ngày giữa tháng 6-2019, Cẩm vẫn chưa được nghỉ hè. Ngôi nhà hai mẹ con vẫn đóng kín cửa. Cỏ dại mọc um tùm. Cẩm nói với người bà con sẽ tranh thủ ở lại Huế đi làm thêm kiếm tiền học cho năm sau.

Trước đó, từ cuối tháng 10-2018, Hiền Cẩm mất mẹ vĩnh viễn. Em đã phải buông bàn tay mẹ sau 2 tháng đưa mẹ từ vùng rừng núi Đakrông, Hướng Hóa, Quảng Trị vào thành phố Huế để vừa học đại học, vừa chăm sóc mẹ.

Hành trình yêu thương cùng cô gái Cõng mẹ lên giảng đường - Ảnh 6.

Cẩm học ngành Điều dưỡng, lịch học rất kín nên có khá ít thời gian về thăm viếng mẹ. Ngôi nhà của hai mẹ con ở vùng chiến khu Ba Lòng cũng đóng kín cửa. Nhưng lo mẹ không ai hương khói, Cẩm phải gửi nhờ bàn thờ mẹ ra nhà người bà con cách đó mấy cây số.

Hành trình yêu thương cùng cô gái Cõng mẹ lên giảng đường - Ảnh 7.

Bà Nguyễn Thị Đông, mợ Cẩm, kể nhiều đêm nhớ mẹ Cẩm cứ đòi nghỉ học về thắp hương. Có khi nửa đêm bật dậy khóc nức nở. Cuộc đời chỉ có hai mẹ con nương tựa nhau nên có lẽ Cẩm vẫn sốc. Bà Đông phải động viên cháu mãi.

Chỉ trong bốn tháng kể từ ngày biết tin đậu đại học, cuộc đời Hiền Cẩm liên tục trải qua thử thách.

Hai tháng đầu là cuộc vật lộn với cuộc sống để vừa lo học vừa lo chăm mẹ. Hai tháng sau khi mẹ mất là những ngày Cẩm vùng vẫy để thoát ra sự cô độc mà chỉ mình mình mới hiểu.

Trước khi nghĩ đến việc đưa mẹ đi theo vô Huế học, Cẩm đã hình dung ra vô vàn khó khăn. Đó là những khó khăn có thật khi hoàn cảnh của hai mẹ con đã quá bi đát sau nhiều năm bỏ hoang nhà cửa đi ở nhờ để chữa bệnh cho mẹ.

"Lúc đó em cũng không dám nghĩ mình sẽ làm gì để có tiền vừa đi học, vừa lo chữa bệnh cho mẹ. Em chỉ biết đó là cách duy nhất và mình không còn lựa chọn thì phải làm", Cẩm nhớ lại.

Và rồi, câu chuyện của hai mẹ con Cẩm xuất hiện trên Tuổi Trẻ. Cẩm như được tiếp sức. Từ khắp nơi, những cuộc gọi về chia sẻ với em. Nhiều bàn tay chìa ra níu lấy tay Cẩm.

"Nếu không có những chuyện này, em cũng không biết sẽ cầm cự được với số phận được bao lâu" - Cẩm nói, đầy biết ơn.

Hành trình yêu thương cùng cô gái Cõng mẹ lên giảng đường - Ảnh 8.

Hàng trăm bạn đọc cùng xúm tay lo cho mẹ con Cẩm. Tạm thời không phải lo đến chuyện cơm áo hàng ngày, lúc ấy Cẩm tập trung lo chữa bệnh cho mẹ. Người hỗ trợ tiền thuê trọ, người hỗ trợ tìm lịch chạy thận cho mẹ khi vô Huế…

Ai cũng mừng và người vui nhất là anh Hoài. Anh nói thấy ấm lòng vì mình đã làm được một việc tốt. Có bàn tay của cộng đồng, Cẩm đã bớt cô độc.

Hành trình yêu thương cùng cô gái Cõng mẹ lên giảng đường - Ảnh 9.

Nhưng sau khi mẹ mất, một thử thách mới lại đến với Cẩm. 18 năm chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau, nên dù đã được chuẩn bị tinh thần, Cẩm vẫn sốc. Có lúc rơi vào trạng thái trầm cảm. Cẩm đóng cửa ngồi một mình trong phòng trọ sau giờ học.

Câu chuyện lại một lần nữa xuất hiện trên Tuổi Trẻ. Và lần này là rất nhiều những tin nhắn động viên chia sẻ của bạn đọc gửi đến với Cẩm. May mắn, Cẩm lấy lại được sự cân bằng. Em không còn thấy cô độc, vì mỗi ngày đi học về đều có bạn bè quan tâm thăm hỏi.

Cẩm nói thêm một lần nữa mình được chính những người không quen biết kéo ra khỏi những thử thách của số phận.

"Sự thật tôi đã ‘nhờ vả’ Tuổi Trẻ. Nhưng bạn đọc mới là người đã tiếp sức cho Hiền Cẩm thoát ra khỏi những thử thách của số phận", anh Hoài nói.

Hành trình yêu thương cùng cô gái Cõng mẹ lên giảng đường - Ảnh 10.

TÂN SINH VIÊN KHÓ KHĂN HÃY GỌI
Tuổi Trẻ

Không để nghèo khó chặn đứng ước mơ của những tân sinh viên khó khăn nhưng có khát khao vươn lên, học bổng 'Tiếp sức đến trường' của báo Tuổi Trẻ tiếp tục đến với tân sinh viên 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Học bổng nhằm hỗ trợ kịp thời cho tân sinh viên trúng tuyển vào ĐH, CĐ nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không có khả năng theo học.

Sau khi trúng tuyển ĐH, CĐ, tân sinh viên có thể liên hệ trực tiếp với Ban công tác xã hội báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, điện thoại 028-39973838) hoặc các văn phòng báo Tuổi Trẻ (xem địa chỉ ở chân trang 19 báo Tuổi Trẻ), email: congtacxahoi@tuoitre.com.vn.

Điều kiện để nhận học bổng (đầy đủ ba điều kiện sau):

- Gia cảnh đặc biệt khó khăn (có xác nhận của địa phương hoặc nhà trường, nếu là hộ nghèo phải gửi bản photocopy), có nguy cơ bỏ học nếu không được giúp đỡ.

- Trúng tuyển vào ĐH, CĐ năm học 2019-2020 (ưu tiên xét tuyển đợt 1), có điểm trúng tuyển cao (có bản photocopy giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận của trường).

- Có thư trình bày rõ hoàn cảnh gia đình, hướng phấn đấu, khát vọng học tập...

Tuổi Trẻ cam kết sẽ là cầu nối giữa tân sinh viên với các mạnh thường quân thông qua học bổng "Tiếp sức đến trường". Tân sinh viên khó khăn, hãy gọi Tuổi Trẻ!


QUỐC NAM
Tường Vy
Bảo Suzu
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên