30/12/2017 15:56 GMT+7

Hành trình thiếu nhi hướng về biển đảo

THÁI THỊNH
THÁI THỊNH

TTO - 126 đại biểu là đội viên, phụ trách Đội tiêu biểu năm 2017 của TP.HCM vừa tham gia chuyến hành trình ý nghĩa “Măng non sẵn sàng vì biên giới, biển đảo” tại Vùng 4 Hải quân, TP Cam Ranh (Khánh Hòa).

Hành trình thiếu nhi hướng về biển đảo - Ảnh 1.

Các bạn nhỏ kết thành vòng tròn, chụp hình tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - Ảnh: THÁI THỊNH

Lắng đọng trong từng câu chuyện oai hùng, các thành viên trong đoàn như thấy Gạc Ma, cột mốc chủ quyền 146, tàu ngầm hải quân... trở nên sống động hơn bằng những gì được tận mắt chứng kiến và qua lời kể của các chiến sĩ.

Chuyện những đóa hoa bất tử

Từ sáng sớm 28-12, thượng tá Lý Quý Cường - lữ đoàn 101 Vùng 4 Hải quân - đã trực tiếp dẫn đoàn đến địa điểm đầu tiên là Khu tưởng niệm Gạc Ma nằm bên bờ Biển Đông. Nơi đây được ví như đóa hoa bất tử luôn tỏa sáng, là chốn đi về bình yên của 64 chiến sĩ đã hi sinh trong trận chiến Gạc Ma ngày 14-3-1988.

Giữa sóng biển mênh mông, tượng đài đứng kiên trung, sừng sững. "Các em hãy nhìn về 64 bông hoa muống biển phía dưới tượng đài - loài hoa có sức sống mãnh liệt - đang hướng về lá cờ Tổ quốc. Hoa tượng trưng cho 64 chiến sĩ đã anh dũng hi sinh ở Gạc Ma. Năm đó, có người mới chỉ mười tám, đôi mươi. Thân thể các anh hóa thành triệu triệu con sóng, lặng lẽ vọng về... bất tử linh thiêng" - giọng người chiến sĩ hải quân xúc động, chùng xuống.

Những lẵng hoa, nén hương được các bạn nhỏ thắp lên với tất cả sự thành kính, trân trọng.

Rồi các bạn còn được nghe các cô chú ở khu di tích kể về những người cha, người mẹ có con hi sinh trong trận chiến bảo vệ biển đảo. Là nỗi nhớ con da diết của ông Võ Ta (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) khi con trai Võ Đình Tuấn ngã xuống để bảo vệ hải phận thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi lần nhớ con, ông lại lội ra biển để da thịt mình cảm nhận được chút hơi ấm thân thuộc. Ông mong đến cuối đời được một lần ra Gạc Ma để tìm hài cốt con trong lòng biển cả.

"Trước giờ em biết rất mơ hồ về Trường Sa, Hoàng Sa. Nhưng sau những câu chuyện vừa rồi được nghe, được thấy, em rất tự hào và thấy mình phải cố gắng hơn nữa trong học tập để noi gương các anh" - bạn Trần Kim Khánh, học sinh lớp 7 Trường THCS Tân Thới Hòa (TP.HCM), chia sẻ.

Hướng về biển đảo quê hương

Sáng cùng ngày, các em đến thăm lữ đoàn quân sự 146, lữ đoàn tàu ngầm 189, tìm hiểu lịch sử phát triển của các lữ đoàn, chiêm ngưỡng những chiếc chiến hạm tuần tra Biển Đông và trao những bức thư tay mình đã viết cùng lời chúc gửi tới các chiến sĩ.

Đại tá Bùi Đình Dương, phó lữ đoàn trưởng quân sự 146 - Vùng 4 Hải quân, bảo quần đảo Trường Sa tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay là nhờ tình cảm đùm bọc, sẻ chia của người dân trong đất liền. 

Mới đây nhất, đảo Trường Sa hứng chịu cơn bão lịch sử 30 năm nay chưa bao giờ có với sức tàn phá ghê gớm, cột sóng cao đến 10m, 90% cây xanh bị tan hoang, trong đó có những cây tồn tại hơn một thế kỷ, sáu cây xanh nằm trong danh sách di sản thế giới, 100% hoa màu nhiễm nước mặn.

"Giữa muôn trùng khó khăn, người dân TP.HCM và Lâm Đồng đã liên kết với nhau, chuẩn bị hỗ trợ 10 tấn đất sạch, 1 tấn phân bón, 150kg hạt rau mầm và 40kg rau củ quả gửi tặng quân dân Trường Sa để ăn tết" - đại tá Bùi Đình Dương xúc động nói.

"Tương lai của biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng và Việt Nam nói chung nhờ vào thế hệ trẻ tương lai như các em" - đại tá Dương nhắn nhủ.

Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam

Điểm nổi bật trong hành trình là chương trình "Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam", giao lưu, nghe kể về đời sống, tinh thần lao động và học tập của các chiến sĩ trên đảo.

Đồng thời, chương trình trao tặng 40 suất học bổng cho thiếu nhi là con em các chiến sĩ hải quân, với tổng trị giá 60 triệu đồng, tặng sân chơi cho Trường mầm non Trường Sa với tổng trị giá 50 triệu đồng.

THÁI THỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên