Nguyễn Hữu Huy Hoàng nhận học bổng Chính phủ Úc (AAS) - Ảnh: NVCC
Chạm tay đến giấc mơ đạt học bổng để theo đuổi ngành học yêu thích, cậu bạn sinh năm 1996 ấy đến xứ người với ước mong sẽ có ngày trở về đóng góp cho quê hương.
Học hỏi từ mỗi trải nghiệm
Sinh ra và lớn lên ở vùng biển Ninh Thuận, gia đình có bảy anh chị em, Hoàng ý thức rất sớm về cuộc sống gia đình eo hẹp. Nên quyết tâm lớn nhất của Hoàng là kiếm thêm thu nhập để trang trải việc học xa nhà và sớm tìm được việc làm ngay khi tốt nghiệp.
Hoàng nói bản thân chưa từng có ý định du học hay nộp đơn xin học bổng vì còn hai đứa em nữa, mà chỉ muốn ba mẹ lo cho các em, nên ngay từ đầu Hoàng xác định phải tự chi trả cho việc học của bản thân.
Ngay từ lúc trở thành sinh viên, bạn đã đi làm phục vụ quán cà phê, bảo vệ, giữ xe khách sạn và cả mặc những bộ đồ thú bông trong các sự kiện.
Thú thật có bị ảnh hưởng điểm số học tập vì bận làm thêm quá nhiều nhưng bạn nói bản thân đã gặt hái không ít kinh nghiệm từ khoảng thời gian bươn chải này.
"Nếu hoàn cảnh gia đình khá hơn, mình vẫn sẽ chọn đi làm. Vốn rất nóng tính nhưng nhờ làm bảo vệ đã rèn cho mình nhiều điều và học được cách bình tĩnh, điềm đạm hơn", Hoàng kể.
Làm thêm cũng là quá trình học. Ở quán cà phê, Hoàng quan sát cách nhân viên nhập kho, lúc rảnh khi giữ xe thì bạn tranh thủ học tiếng Anh.
Cứ thế, bạn gần như tận dụng không phí giờ phút nào trôi qua. Bạn bắt đầu đặt cho mình tầm nhìn dài hơn, tính đến chuyện công việc sau khi ra trường, nên giảm bớt làm thêm nhưng xin tham gia các dự án chuyên môn trong lĩnh vực thủy sản.
"Thật sự đã có lúc rất đói vì không còn tiền trong túi, nhưng mình đặt trọng tâm vào mục tiêu tương lai nhiều hơn. Hết mình làm cho dự án, cả tình nguyện và không đòi hỏi gì. Nhờ vậy mà các anh chị trong dự án lại cho mình nhiều cơ hội khác", Hoàng kể lại.
Phải chủ động đi tìm cơ hội chứ đừng ngồi chờ, và cần tự xây dựng năng lực cá nhân để khi cơ hội đến mình mới đủ khả năng "tóm" lấy nó.
NGUYỄN HỮU HUY HOÀNG
Giấc mơ "ra biển lớn"
Ngay sau khi tốt nghiệp, Huy Hoàng tìm được vị trí chuyên viên và cán bộ quản lý dự án thủy sản tại Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam với ba mảng chính: khai thác bền vững, trách nhiệm xã hội và minh bạch trong sản xuất. Chính lúc này, nhớ lại hình ảnh mỗi lần nhìn thấy mấy chú chim sắt trên bầu trời, bạn đã nghĩ có ngày được bay đến một chân trời mới nào đó.
Và cơ duyên tình cờ đến vào năm 2018, khi Hoàng lần đầu nghĩ đến việc đặt chân ra môi trường quốc tế. Đó là khi nhìn thấy thông tin về chương trình bảo tồn biển tại Philippines, Hoàng nộp đơn ứng tuyển với cảm giác vừa hứng thú vừa e ngại. Vì Hoàng khi ấy không tự tin lắm về tiếng Anh, câu hỏi bật lên trong đầu là nộp đơn rồi liệu có đậu không?
Nhưng bạn vẫn quyết định nộp sau một tuần suy nghĩ. Khi viết bài luận, Hoàng nhờ các thầy cô xem giúp để hoàn thiện ngữ pháp.
Ba ngày trước thời hạn kết sổ nộp đơn ứng tuyển, Hoàng mới nhận được tấm hộ chiếu đầu tiên trong đời mình. Nhưng quả ngọt lại vượt quá mong đợi: bạn có tên trong danh sách 30 bạn trẻ được chọn tham dự chương trình này năm đó. "Tôi tự biết ơn bản thân vì đã có đủ can đảm quyết định nộp đơn", Huy Hoàng cười.
Nhưng chính cơ duyên đó đã giúp bạn tự tin hơn rất nhiều, có thêm kinh nghiệm để tiếp tục thử sức với học bổng Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) và giành được suất đi Mỹ vào tháng 10-2019. Để rồi lúc này, Huy Hoàng đã nắm trong tay suất học bổng toàn phần đến Úc.
Giảng viên Trần Văn Hào - Viện Khoa học và công nghệ khai thác thủy sản (Trường ĐH Nha Trang) - đánh giá Huy Hoàng là người năng động, luôn chủ động tìm các cơ hội để gia tăng kiến thức thực tế qua việc tham gia các hội thảo chuyên ngành, cả hoạt động chuyên môn trong và ngoài trường.
"Bạn ấy còn thường xuyên chia sẻ, động viên các bạn sinh viên khóa sau về hành trình phát triển bản thân. Tôi tự hào khi thấy Hoàng đã có những bước tiến tốt trong chặng đường nghề nghiệp, phát triển bản thân", thầy Hào cho biết.
Nỗ lực nâng cao giá trị bản thân
Từng có điểm đại học chưa đủ 3.0 và gặp không ít khó khăn khi nộp đơn xin học bổng, anh chàng này không an phận mà chọn cách nhìn lại điểm mạnh điểm yếu mình, soi từ chính hồ sơ cá nhân và phấn đấu nhiều hơn để "gỡ điểm".
Theo Hoàng, có người chọn công việc để làm đẹp hồ sơ cá nhân, trong khi điều quan trọng phải là bạn thể hiện được quá trình cải thiện kỹ năng và kiến thức ra sao dù làm bất cứ việc gì.
Với Hoàng, nhờ khởi điểm với việc bưng bê, giữ xe, rồi sau này với vai trò điều phối, quản lý dự án đã giúp hồ sơ cá nhân của bạn ghi nhận một cách tự nhiên nhất. Nhưng kết quả và điểm số học tập vẫn là điều rất đáng quan tâm và phải đạt ở mức tối thiểu để không vất vả khi ứng tuyển học bổng du học.
"Nếu đã tốt nghiệp và không thể "vớt vát" điểm được nữa, bạn có thể gỡ gạc bằng việc tham gia các hoạt động xã hội, ngoại khóa, dự án cộng đồng để tích lũy kinh nghiệm. Khi bạn có câu chuyện để kể, hiểu biết sâu và thể hiện được hành trình nỗ lực của mình, bạn có thể thuyết phục được hội đồng trong quá trình xét tuyển", Hoàng nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận