24/02/2009 08:02 GMT+7

Hành trình nông dân kiện Vedan Việt Nam - Kỳ 2: Cùng cực vì ô nhiễm

Anh TRẦN VĂN SỐ (đội trưởng đội xe ôm “vì Vedan mà có”)
Anh TRẦN VĂN SỐ (đội trưởng đội xe ôm “vì Vedan mà có”)

TT - Con đường đất đỏ dẫn vào ấp 1A, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai lồi lõm, bụi mù. Ngay dưới tấm bảng “Ấp văn hóa” trước cổng vào ấp có hai phụ nữ một già, một trẻ đang ngồi nép mình vào nhau dưới cái nắng gay gắt. Trước mặt họ là hai cái rổ cá khô bé tẹo, lèo tèo vài con khô quăn queo.

xro0FBHR.jpgPhóng to
Đội xe ôm “vì Vedan mà có” - Ảnh: Hà Mi

Kỳ 1: “Con kiến mà leo... cành cụt”

Trước đây, họ làm nghề chài lưới trên sông Thị Vải nhưng giờ phải dạt lên bờ bán dạo kiếm sống lây lất qua ngày kể từ khi dòng sông ô nhiễm.

Cả ấp nợ ngân hàng

Ông Nguyễn Xuân Hán, chi hội phó Hội Nông dân ấp 1C, chỉ vào chồng đơn nông dân nộp khiếu kiện Vedan, chia sẻ: “Tất cả gần 250 đơn kiện, đó cũng là hoàn cảnh của từng ấy gia đình đang chờ sự “định đoạt” của Vedan VN đấy...”. Ông Hán dừng một lúc và nhớ lại, nói tiếp: “Nếu không lầm thì chỉ có gia đình tôi là chưa phải “gửi” giấy tờ nhà trong ngân hàng. Còn lại, từ lâu lắm rồi, cả cái ấp này ai cũng phải cầm cố nhà cửa, đất đai, vay ngân hàng để sắm thuyền lưới đánh bắt, khai thác thủy sản trên sông Thị Vải. Và rồi không biết bao giờ họ mới trả được nợ!”.

Thu nhập... 10.000 đồng/ngày

Hai người phụ nữ đó là bà Phan Thị Bé và Võ Thị Lan, ngư dân, cùng ngụ ấp 1A. Bà Bé cho biết đã lâu lắm rồi sông Thị Vải không còn là chỗ dựa mưu sinh của cả gia đình bà. Lâm vào cảnh khó khăn, túng bấn, các con bà đi tứ tán, tự xoay xở kiếm việc. Có đứa lây lất, bám víu trên dòng sông ô nhiễm bằng nghề đánh bắt chỉ đủ bữa no bữa đói.

Từ hai năm nay, bà Bé ngày ngày vác rổ cá khô ra trước cổng ấp bán kiếm đồng cơm, đồng cháo qua ngày. Thế nhưng ngày kiếm nhiều nhất cũng chỉ được trên dưới 15.000 đồng. Nhiều lần cả ngày chỉ kiếm được 5.000 đồng. Tính bình quân thu nhập của mỗi người trong gia đình khoảng 10.000 đồng/ngày.

“Ngồi bán như vầy cắc củm kiếm chút tiền lẻ thôi. Dân ở đây trước nhiều người sống dựa vào nguồn tôm cá trên sông Thị Vải. Giờ thì tiêu hết rồi, tất cả đều nghèo như tôi, chẳng dám mua bán gì. Ngay như mấy con cá khô này cũng rất ít người ngó ngàng tới. Tôi sống vầy chờ theo đuổi vụ kiện xem Vedan VN có đền bù chút nào hay chút đó” - bà Bé buồn bã nói.

Ngư dân Hoàng Hữu Trí, ngụ tổ 9, ấp 1A, đang ngồi trước ngôi nhà dột nát của mình vá lại mấy tấm lưới cũ. Ông cho biết từ gần một tháng nay, khi nguồn nước sông Thị Vải dần xanh trong, tôm cá đã xuất hiện nên ông tranh thủ vá lại lưới để đi đánh bắt. Ông Trí thật thà: “Bữa rày tôi đã thử ra sông, đánh một đêm cũng được vài ký tôm cá đem về bán, trừ chi phí xăng dầu nhiều khi lỗ nhưng có ngày cũng lời khoảng 10.000-15.000 đồng. Trước giờ chỉ sống dựa vào sông Thị Vải, tôi mừng vì tôm cá đã bắt đầu xuất hiện trở lại nhưng vẫn lo lắm...”.

xncOL8M9.jpgPhóng to
Bà Phan Thị Bé và Võ Thị Lan ngóng chờ khách đến mua cá khô - Ảnh: Hà Mi

Ám ảnh nợ nần

Hỏi ra mới hay ông Trí lo cho việc cuối tháng 3 này không biết lấy tiền đâu ra mà trả khi đến hạn ngân hàng thu nợ. Trước đây, ông Trí đã vay Ngân hàng Công thương 60 triệu đồng và mượn Ngân hàng Chính sách 5 triệu đồng để sắm thêm thuyền, mua lưới cùng các con đánh bắt cá. Thế nhưng cá tôm không còn, gia đình ông Trí rơi vào tình cảnh cực kỳ khó khăn, mất khả năng chi trả cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng.

"Chúng tôi muốn có cái giấy xác nhận là người dân địa phương, đã từng hành nghề đánh bắt thủy sản trên sông Thị Vải để gửi kèm theo đơn kiện Vedan. Thế nhưng khi chúng tôi lên xã xin xác nhận thì các cán bộ ở đây từ chối, không chịu xác nhận. Chúng tôi cảm thấy rất buồn và bức xúc."

“Không biết khó khăn vầy ngân hàng tính sao, vì hiện cả nhà tôi giờ vài chục ngàn đồng cũng không biết bòn đâu ra. Có đồng nào thì xào đồng ấy, đong gạo, chạy ăn hết trơn” - ông Trí lo lắng. Bà Phạm Thị Nghi, vợ ông Trí, rầu rĩ tiếp lời chồng: “Khổ quá mà không dám than với ai vì sợ người ta chê cười. Mấy bữa nay tôi bệnh nhưng không dám nhín tiền đong gạo ra mua thuốc nữa...”.

Nhiều ngư dân đánh bắt, đóng đáy trên sông Thị Vải trước đây cho biết khoảng những năm 1980-1990, cứ giong thuyền bủa lưới hơn ngày rồi về bán cá là họ dễ dàng kiếm được 1-2 chỉ vàng. Thế nhưng từ năm 1994, khi Vedan VN bắt đầu thải nguồn nước ô nhiễm xuống dòng sông thì nhiều gia đình rơi vào khó khăn cùng cực.

Bà Võ Thị Xinh ở ấp 2, xã Phước Bình, huyện Long Thành, chìa tờ đơn khiếu nại thấm đẫm nước mắt cho chúng tôi xem. Bà Xinh kể từ năm 1979, gia đình bà đã sống bằng nghề đánh bắt, đóng đáy tại sở Rạch Gốc trên sông Thị Vải. Mỗi tháng, theo hai con nước lớn ròng, bà Xinh kéo lưới cũng kiếm được ít nhất 4 triệu đồng/tháng, đủ nuôi sống cả gia đình gồm tám miệng ăn.

Thế nhưng từ năm 1994, nguồn cá bắt đầu cạn kiệt do dòng sông ô nhiễm. Đến năm 1998 thì bà Xinh phải bỏ thuyền lên bờ vì lưới cả ngày cũng không bói ra con cá nào. “Toàn bộ ghe lưới để mục nát vì bán không ai mua. Cả gia tài nhà tôi, vốn liếng có hơn 50 triệu đồng đều bị dòng nước đen sông Thị Vải cuốn trôi hết. Con cái thì tứ tán đi làm thuê. Đứa chạy xe ôm, đứa làm phụ hồ kiếm sống qua ngày” - bà Xinh buồn bã nói.

heRkh16K.jpgPhóng to
“Vá chỗ lưới rách, chuẩn bị cho buổi đánh bắt cá đêm nay của hai cha con. Dù cá chưa về nhiều, có bữa lỗ tiền dầu nhưng cứ phải làm đắp đổi qua ngày” - ông Hoàng Hữu Trí nói - Ảnh: Hà Mi

Lời khẩn cầu tha thiết

Lão nông Trần Trung Chánh, ngụ ấp 1A, xã Phước Thái, vuốt mái đầu bạc phơ, nói như van nài cho chính mình và cho những nông dân khác: “Chúng tôi, những nông dân ở đây, cũng không muốn phải kiện cáo ai đâu. Công ty Vedan VN chỉ cần hỗ trợ một phần thiệt hại cho bà con nông dân thôi là chúng tôi cũng cảm thấy vui và thỏa mãn rồi”.

Thế nhưng đến nay, tất cả nông dân bị thiệt hại bởi sông Thị Vải ô nhiễm vẫn chưa hề nhận được bất cứ hồi âm hay sự quan tâm nào từ phía Công ty Vedan VN. Những lá đơn gửi đi rồi lại rơi vào im lặng đáng sợ. Hiện nay, để tiếp tục tồn tại, nhiều người dân đã phải bôn ba khắp chốn tìm kế sinh nhai bằng bất cứ nghề gì họ thấy là lương thiện.

Nhiều gia đình vì thế mà tan đàn xẻ nghé. Ông Hoàng Hữu Trí có bảy người con thì cả sáu người phải phiêu bạt đi các tỉnh từ Bắc vào Nam tìm việc làm. Riêng anh con út tên Luyện hiện ở với ông cũng đang làm thợ hồ. Nhưng đã ba tháng nay anh Luyện thất nghiệp nên đành trở về phụ bố quay lại dòng sông Thị Vải đánh bắt cá, kiếm tiền đong gạo.

Ông Nguyễn Văn Thìn, tổ trưởng tổ nhân dân 3, ấp 1A, cho biết toàn bộ 30 nóc nhà do ông quản lý thì có đến 29 gia đình có các con hoặc vợ, chồng tan tác đi tìm việc khắp nơi. Nhiều người không đi xa được đành chấp nhận chuyển qua chạy xe ôm tại địa phương.

Ngay gần cổng Công ty Vedan VN có một tổ xe ôm thật “đặc biệt”. Ông Lê Thành Hát, tổ phó tổ xe ôm, cho biết trong tổ xe có 13 người thì hết mười người nguyên là dân chuyên sống bằng nghề khai thác thủy sản trên sông Thị Vải. Khi tình trạng ô nhiễm xảy ra, tất cả họ đều nhảy lên bờ và chọn nghề chạy xe ôm kiếm tiền nuôi gia đình. Cả mười người đều đã nộp đơn khiếu kiện Công ty Vedan VN và cũng đang trông ngóng nơi này trả lời, vụ việc sớm được giải quyết.

“Vedan VN đền bù thiệt hại thì bà con nông dân sẽ có tiền xoay xở làm ăn và lần lần trả được nợ thôi” - ông Phan Văn Tài, chi hội trưởng Hội Nông dân ấp 1A, lý giải thay cho câu trả lời. Ông Tài cũng thật lòng kể rất nhiều bà con nông dân đã gửi đơn kiện Công ty Vedan tâm sự với ông một điều: “Chúng tôi mong chính quyền các cấp hãy quan tâm, giúp đỡ đẩy nhanh vụ kiện để Công ty Vedan có trách nhiệm đền bù những thiệt hại mà họ gây ra cho bà con nông dân”.

Không chỉ riêng nông dân ấp 1A mà đó cũng là điều mà hàng ngàn nông dân khác ở Đồng Nai, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu đang đau đáu chờ mong!

Anh TRẦN VĂN SỐ (đội trưởng đội xe ôm “vì Vedan mà có”)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên