30/12/2019 09:51 GMT+7

Hành trình bắt đầu từ Chu Lai

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

Chỉ trong vòng một tuần cuối năm 2019, cảng Chu Lai (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) liên tục chứng kiến những chuyến tàu mang ô tô sản xuất tại Việt Nam đi các nước khu vực.


Hành trình bắt đầu từ Chu Lai - Ảnh 1.

Những chiếc xe bus đầu tiên của Thaco Trường Hải chuẩn bị được đưa lên tàu vận tải để qua Philippines. Ảnh: Lê Trung

Ngày 23-12, một chiếc xe bus mẫu sang Singapore. Sau đó một ngày, 120 xe Kia Cerato sang Myanmar. Đến ngày 28-12 là chuyến tàu chở xe bus sang thị trường Philippines... Từ nhà máy của Tập đoàn Thaco Trường Hải (Thaco), những chiếc xe được sản xuất trong nước đến với các quốc gia láng giềng vẽ nên bản đồ ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa

Xuất khẩu linh kiện sang Nhật, Hàn...

Cũng trong ngày 28-12, ngay sau chuyến tàu chở xe bus Việt sang Philippines, Thaco cũng tiến hành xuất khẩu các lô linh kiện phụ tùng gồm két giàn nóng máy lạnh, áo ghế, bọc cần số xe du lịch và xe đẩy hành lý sân bay sang Hàn Quốc và Nhật Bản. Những năm qua, Thaco đã xuất khẩu nhiều sản phẩm linh kiện phụ tùng và cơ khí gồm: cản xe, dây điện, nhíp, sàn xe chuyên dụng, xe đẩy hành lý sân bay, áo ghế, két giàn nóng máy lạnh, linh kiện xe bus, linh kiện cơ khí nông nghiệp... sang các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Campuchia, Nga, Đức, Úc, Lào, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Kenya... với tổng giá trị xuất khẩu đến nay đạt 26 triệu USD, riêng năm 2019 đạt 14,5 triệu USD. Kế hoạch năm 2020 xuất khẩu 21 triệu USD và doanh số xuất khẩu sẽ gia tăng ít nhất gấp đôi mỗi năm.

Chiếm lĩnh thị trường trong nước, phát triển bền vững sau hội nhập và hướng tới xuất khẩu. Đó là mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp ô tô Việt đặt ra vào thời điểm cột mốc 2018 khi thuế suất nhập khẩu trong khối ASEAN về 0%.

Nhưng để ra được thị trường khu vực, hàng rào đặt ra chính là tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm phải đạt trên 40%. Nỗi lo cạnh tranh không thuế suất lại ùa đến trong bối cảnh các ngành công nghiệp hỗ trợ ở nước ta còn chưa đáp ứng. Chính vì điều này mà nhiều người tỏ ra bất ngờ khi trong năm qua Thaco đã xuất khẩu gần 190 xe lớn nhỏ ra 5 quốc gia khu vực Đông Nam Á và Mỹ. Điều này cho thấy nếu được đầu tư đúng hướng, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có khả năng "chơi được" trên sân bạn.

Theo ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco, chiến lược của đơn vị đề ra sau năm 2018 gồm 2 mục tiêu là tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu với việc mang thương hiệu ô tô Việt sang các nước Asean cùng với các sản phẩm ô tô và phụ tùng, đồng thời tiếp tục đầu tư mạnh vào xây dựng khu công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô và công nghiệp hỗ trợ tại Chu Lai có quy mô ngang tầm khu vực Asean.

Tại Chu Lai, Thaco đã đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô theo hướng tự động hóa, quản trị trên nền tảng số hóa và các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng, tổ hợp cơ khí, được chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Đến nay sau 2 năm nhìn lại mục tiêu này, Thaco vẫn đứng vững vị thế dẫn đầu thị trường ô tô Việt Nam với doanh số hơn 90.000 xe mỗi năm và thị phần ổn định ở mức 32 – 33%.

Đặc biệt, đến nay Thaco đã gia tăng tỷ lệ nội địa hóa xe bus lên trên 60% theo chuẩn ASEAN, xe tải 40%, xe du lịch bình quân 25%, trong đó một số mẫu xe du lịch đạt trên 40%. Đây là cột mốc ấn tượng bởi tỷ lệ nội địa hóa trên 40% sẽ giúp đáp ứng tiêu chí giá trị hàm lượng khu vực RVC (Regional Value Content) để hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (Hiệp định ATIGA).

Hành trình bắt đầu từ Chu Lai - Ảnh 3.

Lãnh đạo Thaco và Auto Delta ký kết các văn kiện thể hiện sự hợp tác sâu rộng, chặt chẽ trong lĩnh vực xe bus giữa hai bên. Ảnh: Lê Trung

Thu ngoại tệ từ xe bus

Khu công nghiệp THACO Chu Lai đã có tên trên bản đồ sản xuất lắp ráp ô tô của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới và được xem là Trung tâm liên kết Công nghiệp ô tô tập trung có quy mô lớn nhất cả nước và thuộc top đầu trong khu vực ASEAN. Trong đó, Nhà máy Bus Thaco, được xây dựng mới hoàn toàn và đưa vào hoạt động từ tháng 12-2017, có tổng diện tích 17ha, công suất 20.000 xe bus/năm. Đây là nhà máy có quy mô lớn nhất, hiện đại nhất Đông Nam Á với các dây chuyền thiết bị tự động, đặc biệt là dây chuyền sơn tĩnh điện có thể nhúng sơn ED toàn bộ thân vỏ xe bus có chiều dài đến 13,7 mét.

Sáng 28-12, nhìn đối tác Philippines hài lòng với lô hàng hợp tác đầu tiên, ông Phạm Văn Tài - tổng giám đốc Thaco, không khỏi tự hào với nghĩ về việc thương hiệu của mình sẽ có mặt để phục vụ hàng ngàn lượt người dân nước bạn. Từ đây chắc chắn cái tên Việt Nam sẽ được nhắc đến trên mỗi hành trình của quốc gia hơn 100 triệu dân này.

Theo ông Tài, việc trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên xuất khẩu thành công vào thị trường Philippines không phải là chuyện "ngày một ngày hai" mà đến từ sự đầu tư và chuẩn bị kỹ lưỡng.

Cụ thể như để vượt qua hàng rào kỹ thuật ở các nước như Mỹ, Nhật mất khoảng thời gian 1 năm thì tại Thái Lan và Philippines cũng phải 6 tháng. Và hơn cả là việc tăng tỷ lệ nội địa hóa trên 40% để hưởng thuế suất 0% nhằm tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm từ các quốc gia phát triển vốn đã "làm mưa làm gió" tại thị trường này.

Không những vậy, trong tương lai gần những chiếc xe do chính Thaco Bus thiết kế đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5 dự kiến sẽ tiến sâu, chinh phục thị trường nổi tiếng khắt khe nhất thế giới về vấn đề môi trường là Singapore.

buýt 31- huỳnh khánh toàn

Ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kiêm Trưởng ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai

Sau 16 năm xây dựng và phát triển, khu kinh tế mở Chu Lai đã đạt nhiều kết quả quan trọng, và công nghiệp luôn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế. Những kết quả đó trong thời gian qua có sự đóng góp rất lớn của Thaco. Với chừng ấy thời gian đầu tư vào Chu Lai, KCN sản xuất lắp ráp ô tô Trường Hải đã trở thành trung tâm sản xuất lắp ráp ô tô và sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô mang tầm cỡ khu vực với tổng số vốn đầu tư trên 80.000 tỉ đồng, giải quyết việc làm trên 8.000 lao động.

Cách đây 2 năm, tôi còn nhớ như in tại lễ khánh thành nhà máy Bus Thaco đã diễn ra ký kết các thỏa thuận thương mại xuất khẩu bước đầu sang các nước: Thái Lan, Đài Loan, Philippines, Campuchia… và nay là bàn giao chính thức lô xe bus Thaco mang thương hiệu Việt sang Philippines. Đây là điều đáng vui mừng không chỉ cho ngành ô tô Việt Nam, Thaco mà còn là niềm vui lớn của Quảng Nam.

Xác định thành công của Thaco cũng là thành công của tỉnh, Quảng Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp này tiếp tục đầu tư, sản xuất và nhất là ngày càng xuất khẩu nhiều sản phẩm ô tô mang thương hiệu Việt ra thế giới.

LÊ TRUNG - ghi

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên