11/02/2019 14:39 GMT+7

Hành động vì môi trường sống trong lành

QUỐC LINH Thực hiện
QUỐC LINH Thực hiện

TTO - Đi học và làm việc ở nước ngoài, rất hiếm khi nhìn thấy ai vứt rác ra đường. Về nước, đi đâu cũng có thể thấy xả rác. Có lần tình cờ xem clip công nhân chui xuống cống lấy rác, mình thấy xấu hổ cho những hành động vô ý thức của người dân.

Hành động vì môi trường sống  trong lành - Ảnh 1.

TS Phạm Thi Phương Thùy - Ảnh: Q.NG.

Rất khó để thay đổi thói quen của mọi người nhưng nếu không bắt đầu, môi trường sống ở TP.HCM không thể cải thiện được. Chỉ khi nào ý thức con người nâng lên, vấn đề môi trường mới thay đổi theo hướng tích cực.

TS PHẠM THỊ PHƯƠNG THÙY

Cuộc trò chuyện đầu năm với Tuổi Trẻ, TS PHẠM THỊ PHƯƠNG THÙY (ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) trải lòng:

- Tôi nghĩ clip ấy đã gây tác động lớn, nhất là về suy nghĩ của các bạn trẻ thường xuyên lên mạng. Đi dạy, tôi nghe sinh viên nhắc nhau chuyện không bỏ rác bừa bãi nữa nên tôi cho rằng ít nhiều có sự thay đổi, bắt đầu từ các bạn trẻ.

Tự nhắc chính mình

* Hiện người ta đang báo động về tình trạng rác thải nhựa. Xin hỏi chị có dùng ly nhựa, hộp xốp không?

- Tôi rất hạn chế xài và thấy lạ là khá nhiều quán cà phê có thương hiệu mà ngay cả ngồi uống tại chỗ cũng dùng ly nhựa chứ không phải bán mang đi. Với những quán như thế, nếu lỡ vào rồi thì cũng không bao giờ tôi ghé lại nữa.

Tôi từng bị một chủ quán cà phê hỏi ngược sao không ngồi uống hết ly nước rồi đi, mua mang theo lại thải ra chiếc ly nhựa. Bị phê bình nhưng tôi thấy vui vì chị chủ quán đó dù ít ỏi nhưng đã bắt đầu ý thức hơn về vấn đề rác thải nhựa ra môi trường.

Ở bất cứ đâu chúng ta cũng có thể thấy người ta bán nước trong các ly nhựa nhưng không phải ai cũng biết phần nhiều những chiếc ly ấy đều là nhựa tái chế, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe khi dùng.

* Chị xử lý chuyện rác thải trong nhà mình thế nào?

- Thói quen phân thành từng loại rác khác nhau từ ngày đi học, làm việc ở nước ngoài cũng theo tôi về nước. Dĩ nhiên là mình không bao giờ xả rác bừa bãi rồi. Lên lớp, gặp sinh viên tôi cũng nhắc các bạn chuyện này.

Theo tôi, phải bắt tay vào hành động và nên bắt đầu từ từng con hẻm, từng khu phố rồi mới lan rộng ra cộng đồng.

Hành động vì môi trường sống  trong lành - Ảnh 3.

Các bạn thanh niên tình nguyện TP.HCM cùng công nhân thoát nước đô thị vớt rác thải dày đặc trên một dòng kênh tại Q.Gò Vấp (TP.HCM) - Ảnh: Q.NG.

Biến rác thành năng lượng

* Những cách làm mà chị quan sát và tích lũy được về chuyện xử lý rác, môi trường từ nước ngoài liệu có phù hợp với TP.HCM?

- Rất phù hợp! Vấn đề nằm ở ý thức người dân và sự quyết liệt của chính quyền. Tôi hi vọng người dân sẽ đồng lòng hưởng ứng cuộc vận động không xả rác ra đường, xuống kênh rạch, giảm ngập nước mà TP.HCM đang triển khai. Nếu thực hiện tốt khâu thu gom, phân loại nữa thì việc tái chế chất thải rắn sẽ trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn, mà người dân cũng sẽ ý thức tốt hơn việc giữ gìn môi trường sống xanh - sạch - đẹp.

Chính quyền phải quyết liệt trong việc phân loại rác, cần lắp thêm nhiều thùng rác hơn nữa. Khu vực trung tâm còn dễ chứ ra xa một chút rất khó kiếm được thùng rác. Tôi cho rằng nên phạt nặng hành vi vi phạm về môi trường, xả rác vô tội vạ. Kết hợp vừa tuyên truyền, vừa chế tài sẽ dần dần thay đổi ý thức người dân theo hướng tốt hơn.

* Chị từng hoàn thành đề tài nghiên cứu việc biến chất thải rắn thành năng lượng?

- Tôi nghiên cứu việc dùng nhiệt độ, áp suất cao chuyển chất thải rắn thành than, một dạng năng lượng dùng làm chất đốt, nguyên liệu phục vụ cho các ngành khác. Đề tài này tôi thực hiện khi làm việc tại Singapore, đã thử nghiệm nhưng để ứng dụng với quy mô lớn sẽ cần thêm một vài bước nữa.

Tôi thấy nguồn rác hữu cơ thải ra từ các chung cư hoàn toàn có thể dùng chế phẩm vi sinh vào xử lý thành phân bón được. Nguồn phân bón này giúp bón ngược lại cho cây xanh của chung cư hoặc gửi cho dân trồng rau ở căn hộ. Đề án này tôi ấp ủ, dự định làm thời gian tới khi thấy chung cư ở TP mọc lên ngày càng nhiều.

* Sẽ thế nào nếu TP đặt vấn đề chuyển giao công nghệ về những điều chị vừa chia sẻ?

- Tôi sẵn sàng hợp tác nếu được đặt vấn đề. Và nếu có thể ứng dụng để giải quyết phần nào câu chuyện môi trường trong lành cho TP, tại sao lại không thế nhỉ!

Chủ nhân Quả cầu vàng 2018

TS Phạm Thị Phương Thùy là một trong 10 nhà khoa học trẻ vừa nhận Giải thưởng khoa học công nghệ thanh niên Quả cầu vàng 2018, lĩnh vực công nghệ môi trường.

Tốt nghiệp ngành hóa Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), chị nhận học bổng du học thạc sĩ và sau đó làm nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc. Sự tình cờ chuyển hướng từ chuyên ngành thực phẩm sang sinh học môi trường, chị bảo có chút thử thách nhưng lại mở ra nhiều cơ hội như hiện nay.

Hoàn thành tiến sĩ, chị công tác tại Hàn Quốc rồi chuyển đến Singapore làm việc trong ba năm trước khi quyết định về nước.

Sáu chiếc thùng rác

TS Phương Thùy kể những năm sống ở Hàn Quốc và Singapore, chị thấy mỗi gia đình đều có ít nhất sáu thùng rác được dùng để chứa rác nhựa, rác thủy tinh, lon nhôm, rác giấy, rác hữu cơ, những thứ còn lại không thể phân loại như hộp xốp, giấy vụn, túi nilông, bụi bẩn... Khi các thùng rác đầy, người ta đem đi đổ vào đúng khu vực phân loại rác của khu dân cư.

Ở các khu vực công cộng cũng luôn được trang bị đầy đủ các thùng rác tương tự. "Tôi hi vọng TP mình triển khai phân loại rác và ở đâu cũng có sáu loại thùng rác như thế, việc thu gom, tái chế rác sẽ tốt hơn biết bao" - chị bày tỏ.

'Phượt thủ' Hoàng Lê Giang đóng quán trà sữa vì không muốn xả rác

TTO - Chàng trai 31 tuổi đã 9 lần leo Himalaya và đặt chân lên những đỉnh núi cao nhất thế giới cũng thường xuyên nói về thói quen sống xanh, giảm rác nhựa trên Facebook.

QUỐC LINH Thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên