Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch - ẢNH: ĐỨC MINH
Sáng 18-5, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao. Tổ công tác do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng làm trưởng đoàn.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chuyển lời khen ngợi của Thủ tướng đến Bộ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện vì thời gian qua ngành đã làm được nhiều việc. Một trong những kết quả tích cực đó là những vấn đề phức tạp, bất cập của lễ hội năm trước đã được khắc phục.
Tình trạng chặt chém khách, các yếu tố bạo lực gây phản cảm cũng được khắc phục. Bài chòi Trung Bộ được UNESCO vinh danh là di sản văn hoá đại diện vi vật thể của nhân loại. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng chỉ rõ, ngành điện ảnh nước nhà đang phải đối mặt với thách thức lớn là phim nước ngoài chiếm lĩnh thị trường.
Vì vậy, Bộ cần có giải pháp nâng cao số lượng, chất lượng để phim Việt chiếm được thị phần lớn trong nước.
Lo ngại doanh nghiệp ngoại thống lĩnh nền điện ảnh
Theo bà Ngô Phương Lan, năm 2017 doanh thu điện ảnh Việt Nam đạt 3.250 tỉ đồng, trong đó thị phần phim Việt Nam chiếm 28%.
"Với cơ chế thế này thì rất khó khăn, không khuyến khích được tư nhân sản xuất nhiều phim. Khó khăn nhất là Việt Nam đã vào WTO thì không có giới hạn hạn ngạch nên phim Việt tăng bao nhiêu cũng không lại với phim ngoại nhập. Cũng không có hàng rào kỹ thuật nào cả, vì phim nào nhập vào đều lập hội đồng thẩm định, nếu không có sai phạm thì phải cấp phép."
Báo cáo về vấn đề này, bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, từ năm 2015, số lượng phim điện ảnh Việt Nam sản xuất đã tăng nhanh, trung bình mỗi năm 40 phim.
Bà Lan dành khá nhiều thời gian để phân tích từ năm 2016 đến nay không có phim nhà nước đặt hàng.
Nguyên nhân bởi Bộ Tài chính căn cứ vào Luật Điện ảnh yêu cầu phải có hình thức đấu thầu tuyển chọn nhà sản xuất phim, nên phải có Thông tư hướng dẫn đấu thầu. Nhưng Thông tư này Bộ soạn dự thảo trên dưới 10 lần mà vẫn không được.
Bà cũng thẳng thắn nói, theo Luật Điện ảnh nếu muốn phát hành phim tại Việt Nam phải có hệ thống rạp nên doanh nghiệp nhập - phát hành phim nhiều nhất và thống lĩnh thị trường điện ảnh Việt lại là doanh nghiệp ngoại như CGV và Lotte.
Hệ thống rạp nhà nước có khoảng 100 rạp nhưng trừ Trung tâm chiếu phim quốc gia thì đều hoạt động không hiệu quả vì vẫn còn dùng máy chiếu phim nhựa 35mm trong khi thế giới đã chuyển sang kỹ thuật số.
"Quan ngại nhất là cạnh tranh giữa công ty nước ngoài và Việt Nam, vì doanh nghiệp nước ngoài chiếm số lượng lớn và nhập phim thoải mái nên họ sẽ có sự chi phối thị trường, cơ quan quản lý nhà nước khó định hướng.
Quy định rạp phải chiếu 20% suất chiếu phim Việt nhưng giờ thị phần phim Việt đã đến 28% nên quy định này không còn hiệu quả. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu hàng rào kỹ thuật khác".
Một câu chuyện khác mà bà Lan thừa nhận là cổ phần hoá các doanh nghiệp điện ảnh chưa đạt được kết quả và hiệu quả như mong muốn, làm ảnh hưởng đến sản xuất phim và kết quả hoạt động của ngành.
Cổ phần hoá doanh nghiệp điện ảnh không ai mua!
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng nói, phải làm cách nào đó để hạn chế phim ngoại và tăng phim nội địa.
"Còn cổ phần hoá các hãng phim thì tôi nói thẳng lĩnh vực này cổ phần không ai mua, kể cả hãng phim Giải Phóng, bán cổ phần không ai mua cả".
Ông Nguyễn Văn Nhiêm, chủ tịch Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam đề nghị Bộ trưởng Mai Tiến Dũng báo cáo Thủ tướng sớm công bố kết luận thanh tra cổ phần hoá hãng phim truyện Việt Nam để an định tâm tư, tình cảm và tạo động lực sáng tạo cho nghệ sĩ. Từ đó có mô hình phát triển bền vững cho các đơn vị điện ảnh nhà nước, trong đó có Hãng phim truyện Việt Nam.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ghi nhận ý kiến sớm công bố kết luận thanh tra cổ phần hoá hãng phim truyện Việt Nam.
"Thủ tướng chỉ đạo phải thực hiện cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam đảm bảo minh bạch, không tiêu cực, không tham nhũng. Tinh thần là phải công khai minh bạch, đảm bảo quyền lợi nhà nước sau khi cổ phần", ông Mai Tiến Dũng trả lời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận