Dự án kinh doanh các mặt hàng sống xanh đang là niềm hạnh phúc của Hằng mỗi ngày - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Hằng "lỳ" là biệt danh thân quen mà nhiều người vẫn quen gọi Hằng, người thường vận vài bộ đồ cũ, tối giản, mái tóc thả dài quá vai và đặc biệt thích làm bạn với... rác thải. Hằng tốt nghiệp Học viện Hàng không và trước đó làm trợ lý giám đốc một công ty logistics với mức lương cao.
Làm ở Limart giúp tôi học được nhiều thứ lắm, tự tin hơn, nói cười nhiều hơn, đặc biệt được học thêm nghề bán hàng, quảng cáo sản phẩm trên mạng.
NGÔ THỊ PHƯƠNG LINH (người khiếm thị, tốt nghiệp ngành tâm lý học, hiện là nhân viên Limart)
Đau đáu với môi trường
Gặp Hằng tại một "tiệm tạp hóa xanh" của Limart - Zero waste nằm trên đường Nguyễn Trãi (Q.1, TP.HCM). Chỉ kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng liên quan đến chăm sóc nhà cửa, chăm sóc cá nhân, quà tặng... xanh, thân thiện với môi trường nên Limart - Zero waste do Hằng thành lập được mọi người gọi vui là tiệm tạp hóa xanh.
Hôm đó, Limart đang đón hơn 20 bạn nhỏ một trường tiểu học ở quận Gò Vấp ghé thăm, dồn dập những câu hỏi: "Xà phòng thảo mộc là gì vậy cô? Xơ mướp để làm gì vậy cô?...". Lần đầu được "tay sờ mắt thấy" hơn 200 sản phẩm mới lạ tại Limart khiến cả nhóm nhốn nháo.
Mọi chuyện bắt đầu từ việc đáp ứng chính nhu cầu của mình là được dùng các sản phẩm thuần tự nhiên nhằm hạn chế thải rác ra môi trường. Thế nhưng Hằng nói đã "yêu" các sản phẩm xanh cũng như đau đáu với vấn nạn ô nhiễm môi trường lúc nào chẳng hay.
"Càng dùng càng thấy yêu các dòng sản phẩm này nên tôi lấy về bán lại cho mọi người" - Hằng nói và cho biết khi mọi người mua các sản phẩm này ngày một nhiều, cô quyết định khởi nghiệp với chính sản phẩm này. Hằng thành lập Limart - Zero waste vào năm 2019, tự làm một mình.
Với mọi người, chuyện Hằng rời bỏ công việc mức lương trên dưới 20 triệu đồng/tháng thời điểm đó là điều "không thể chấp nhận". Nhưng đã là Hằng "lỳ", chuyện nghỉ làm rồi một mình đơn độc gầy dựng Limart với một ít bàn chải đánh răng làm bằng gỗ, vài ống hút tre, bình nước thủy tinh, vài bánh dầu gội dầu xả, tinh dầu... là bình thường!
"Chắc cũng như các start-up khác, con đường khởi nghiệp của mình đầy rẫy khó khăn. Nhưng khó khăn lớn nhất phải kể đến việc mình đơn độc thực hiện dự án bởi lúc đó hầu như mọi người thân quen hoàn toàn không ủng hộ", Hằng nhớ lại.
Đồng hành, trao quyền cho người khuyết tật
Để đa dạng hóa sản phẩm cũng như đáp ứng nhu cầu của thị trường, Hằng phải liên tục tìm và đặt hàng các dòng sản phẩm sống xanh khác nhau, có sản phẩm được sản xuất tận châu Âu. Đặc biệt, cô cùng cộng sự tự nghiên cứu, chế tạo ra nhiều sản phẩm được chiết xuất từ thảo dược như: xà phòng, son môi, nước hoa...
Do vậy, tỉ lệ sản phẩm do Limart tự nghiên cứu, sản xuất với sản phẩm nhập từ bên ngoài hiện đang 50 - 50. Tuy nhiên, mục tiêu Hằng đặt ra phải là 70% sản phẩm tự sản xuất, 30% sản phẩm nhập sắp tới.
Vậy mà tưởng chừng Limart đã "chết" ngay thời điểm dịch bùng phát mạnh đầu năm 2020. Nhưng chính nhờ thay đổi hình thức kinh doanh kịp thời, từ việc kinh doanh độc lập thành cộng hưởng cùng các quán cà phê để tận dụng mặt bằng mà dự án mới có thể trụ vững.
Đến với Limart lúc này, mọi người sẽ cảm nhận được sự mới mẻ ở đây bởi ngoài lan tỏa lối sống xanh, Limart đang nỗ lực để đồng hành, trao quyền cho người yếu thế. Hiện tới hơn phân nửa trong 12 nhân sự làm việc tại Limart là người khiếm thị, khiếm thính, khuyết tật. Các bạn được trả lương cơ bản từ 5 triệu đồng trở lên với người đang học việc, còn người khuyết tật làm việc chính thức hưởng lương 12 triệu đồng/tháng.
Ngay từ khâu đón khách, bán hàng, tính tiền, quảng cáo sản phẩm trên các trang mạng... của Limart đều đang vận hành từ chính đội ngũ những bạn trẻ khuyết tật. "Thuở nhỏ, có lần tôi đã từng lờ đi chỗ khác chỉ vì không muốn bạn bè châm chọc mình có một người bố mù. Cho đến khi bố mất, tôi mãi ân hận vì điều đó và nó trở thành lý do thôi thúc tôi bằng mọi cách phải đồng hành cùng những người yếu thế, khuyết tật trong xã hội như cách giúp mình bớt ân hận", Hằng tâm sự.
Tuy vậy, để có thể tuyển dụng, đào tạo cho người khuyết tật làm việc cũng là cả hành trình gian nan. "Nhiều lúc khó trò chuyện được với người khuyết tật vì họ không dễ mở lòng, mở lời, lại hay tự ti và phòng thủ với mọi người. Tôi chọn cách thật từ tốn, chỉ từng cái nhỏ và thật nhẹ nhàng, họ mới chịu ở lại làm việc cùng mình", Hằng nói thêm.
Điểm dừng chân của sự tử tế
Từng bế tắc khi một mình chèo chống dự án trước dịch bệnh, khó khăn bủa vây nhưng Hằng tự nhủ "chính sự tử tế đã níu mình cùng dự án ở lại". Đó là khi trong đống rác Limart thu lại từ hoạt động đổi rác lấy quà có một tấm thiệp của một người không đề tên viết thế này: "Những điều bạn đang làm thật tuyệt vời. Cố lên và đừng bỏ cuộc nhé!".
Hay một ngày khác, khi đang chuẩn bị hoạt động đổi rác lấy nông sản bỗng nhận được chiếc cân hình trái tim do một người theo dõi Limart qua Facebook gửi tặng. Rồi hàng tấn rau củ quả từ bà con ở TP.HCM, Lâm Đồng gửi về góp với Hằng trong chiến dịch lan tỏa sống xanh này. "Dường như đây là điểm dừng chân của sự tử tế vậy! Bằng một vài hoạt động nhỏ lẻ của Limart nhưng cho tôi niềm tin rằng mọi người vẫn đang yêu thương nhau, mong mỏi có một môi trường sống trong sạch", Hằng chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận