Dự án nhà điều hành sản xuất, văn phòng cho thuê, chung cư và trung tâm thương mại 31 Láng Hạ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lọt vào danh sách "nợ có khả năng thu nhưng thực tế khó thu" với số tiền lên đến 159 tỉ đồng. Trong ảnh là trụ sở Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - Ảnh: QUANG THẾ
Trước đó, ngày 17-3, UBND TP Hà Nội có báo cáo "kết quả thực hiện nội dung kết luận, kiến nghị của HĐND TP về tình hình quản lý các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật đất đai trên địa bàn TP", có đến 90 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Theo đó, UBND TP cho biết, tính đến ngày 31-1, tổng số tiền sử dụng đất đã nộp vào ngân sách nhà nước là 22.232,4 tỉ đồng/86 dự án, số tiền sử dụng đất còn phải nộp 1.687,4 tỉ đồng/24 dự án. Ngoài ra tiền nộp chậm còn phải nộp 2.389,5 tỉ đồng/44 dự án…
90 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính gồm: Công ty cổ phần Bitexco, Công ty cổ phần BIC Việt Nam, Công ty cổ phần thương mại xây dựng 379, Công ty cổ phần thương mại và xây dựng Á Châu, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Công ty cổ phần Lilama, Công ty TNHH Hòa Bình…
Công ty cổ phần thương mại xây dựng 379 chậm nộp 13,8 tỉ đồng. Cư dân mua dự án của công ty này tại quận Nam Từ Liêm phản ánh mặc dù đã nhận nhà từ nhiều năm nay nhưng chủ đầu tư vẫn không trả "sổ hồng" - Ảnh: QUANG THẾ
Theo UBND TP Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã báo cáo có đến 383 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật. Trong đó 29 dự án với tổng diện tích 1.844,3 ha kiến nghị TP thu hồi đất, 25 dự án với tổng 57 ha chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng.
UBND TP cho biết từ năm 2018 đến nay đã ban hành 53 quyết định với tổng số tiền 2,5 tỉ đồng đối với xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai. Ngoài ra đối với các dự án vi phạm về đầu tư đã ban hành 183 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 4,5 tỉ đồng…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận