Sức sống của chi đoàn đang ở mức độ nào? Hàng loạt câu hỏi như thế đã được đặt ra trong hội nghị Ban chấp hành Thành đoàn TP.HCM mở rộng ngày 26-1.
Bí thư Thành đoàn Nguyễn Mạnh Cường (thứ hai từ trái qua) trao đổi với các đoàn viên về công tác Đoàn tại Thành đoàn TP.HCM sáng 26-1 - Ảnh: Thanh Tùng |
Các phiên thảo luận tại tổ của đội ngũ cán bộ Đoàn chủ chốt TP.HCM bật ra nhiều băn khoăn và đòi hỏi Đoàn phải tự làm mới nếu muốn đi sâu rộng vào đời sống giới trẻ.
Lưu ý tính nhân văn
Phó bí thư thường trực Thành đoàn TP.HCM Lâm Đình Thắng cho rằng phải lấy đối tượng thanh niên làm trọng trong tất cả các hoạt động giáo dục của Đoàn. Lý giải, anh Thắng nói đoàn viên, thanh niên mỗi khu vực có những đặc điểm tâm lý riêng, nhu cầu khác nhau nên nếu không chọn lựa hoạt động phù hợp sẽ khó đi vào lòng ngay chính đoàn viên thanh niên của đơn vị chứ nói gì đến lan tỏa sâu rộng.
“Mỗi cán bộ Đoàn phải lưu ý tính nhân văn trong tất cả các hoạt động của Đoàn, có vậy mới tạo ra sức sống của từng hoạt động, trong từng công trình của Đoàn” - anh Thắng nói.
Anh Huỳnh Ngô Tịnh (Trường Đoàn Lý Tự Trọng) nói việc giáo dục của Đoàn nên bắt đầu từ giáo dục đạo đức lối sống, làm nhẹ nhàng mà hiệu quả chứ không thể theo lối áp đặt được nữa.
Còn anh Cao Văn Đức (Đoàn khối doanh nghiệp công nghiệp trung ương tại TP.HCM) cho rằng không nên có những thông báo huy động lực lượng tham dự mà phải làm tốt truyền thông, đầu tư nội dung hấp dẫn các hoạt động Đoàn sẽ tổ chức để tự đoàn viên thanh niên thấy yêu thích tìm đến.
Trong khi đó anh Lý Thành Tiến (Đoàn các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM) nêu một yêu cầu không mới: Đoàn vừa yêu cầu hiệu quả hoạt động theo chiều rộng vừa đòi hỏi phải sâu là yêu cầu không dễ với cơ sở Đoàn.
Chẳng hạn với sinh viên có thể yêu cầu về chiều sâu nhưng với công nhân phải là chiều rộng gắn với từng hoạt động cụ thể và trước mắt họ tham gia đông đã là đạt yêu cầu.
Chị Huỳnh Anh (Đoàn Công ty Đầu tư tài chính nhà nước) nói thẳng: với lực lượng công nhân không thể nói chuyện giáo dục của Đoàn, cũng không phải bàn với họ xây dựng Đoàn thế nào mà trước hết phải tổ chức hoạt động để họ chơi.
“Mục tiêu ban đầu là thu hút họ đến với tổ chức nên hoạt động phải thoáng, có khả năng gây chú ý đã chứ đừng vội nghĩ tới giáo dục, bồi dưỡng gì hết, nhất là trong điều kiện cổ phần hóa và không phải lãnh đạo đơn vị nào cũng quan tâm hay tạo điều kiện cho Đoàn hoạt động” - chị Anh giải thích.
Và hoạt động thực chất
Bàn về hướng đi của năm 2015, Phó bí thư Thành đoàn Phạm Hồng Sơn nói các công trình của Đoàn trong năm phải là công trình cụ thể, không thể nói chung chung.
“Ngay cả các công trình thanh niên gắn với chào mừng 85 năm thành lập Đảng, 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước phải thật cụ thể, hiệu quả rõ rệt chứ không phải làm cho có và không có chuyện gắn bảng công nhận cho đủ chỉ tiêu” - anh Sơn khẳng định.
Một trong những vấn đề được nhiều ý kiến thảo luận chính là chất lượng hoạt động của chi đoàn, nhất là chi đoàn khu vực dân cư. Bí thư Quận đoàn 4 Trần Thị Thanh Thảo nói đã từng xảy ra tình trạng cấp ủy khu phố không biết đến hoạt động, công trình thanh niên do chi đoàn làm là gì, nên Đoàn cần chủ động thông tin về hoạt động của mình.
Còn bí thư Quận đoàn 10 Ngô Minh Hải nói chi đoàn khu phố không còn lực lượng và hoạt động không đều, bí thư chi đoàn khu phố cũng chưa thể hiện được vai trò hạt nhân, chưa kể không quản lý được việc đảng viên trẻ tham gia sinh hoạt Đoàn tại khu phố.
Về chuyện này, Bí thư Thành đoàn Nguyễn Mạnh Cường mong mỗi đơn vị từ thực chất hoạt động của địa bàn mình giúp Thành đoàn chỉ ra điểm nào nghẽn, cái gì khó cần phải gỡ và tìm kiếm đâu là mô hình tổ chức hoạt động cho chi đoàn khu phố trong điều kiện hiện nay.
“Mỗi cán bộ Đoàn khi xây dựng kế hoạch cũng phải chỉ rõ đầu việc cần làm là gì chứ không phải viết ra một kế hoạch đẹp là đủ. Hội nghị không để góp ý cho Thành đoàn mà là chia sẻ kinh nghiệm, góp để chính chúng ta cùng làm” - anh Cường nhấn mạnh.
Các đơn vị cũng đồng thuận cho rằng phải liên kết tốt hơn trong các hoạt động chung. Điều này được đại diện Đoàn Bệnh viện Thống Nhất nêu thực tế trong các chuyến tổ chức khám bệnh phát thuốc miễn phí trong khi các y bác sĩ làm không hết việc lại có những đơn vị khác chỉ đến tặng quà rồi đi chơi!
“Việc khám chữa bệnh phát thuốc miễn phí không thể chỉ làm như cách cũ, đến thăm khám rồi về mà cần tiếp tục theo dõi điều trị lâu dài sau đó. Đoàn Bệnh viện ĐH Y dược đã phối hợp cùng một số đơn vị đang làm theo cách này” - anh Trương Văn Đạt (Đoàn ĐH Y dược TP.HCM) nói.
Công thức 20 chữ
“Sự kiện cảm xúc - truyền thông sâu xa - ứng xử văn hóa - hiệu quả công trình - điển hình tiêu biểu”. Đây tạm gọi là công thức 20 chữ được Phó bí thư thường trực Thành đoàn Lâm Đình Thắng đúc kết tại hội nghị, có thể vận dụng cho việc tổ chức hoạt động, chương trình của các tổ chức Đoàn cơ sở toàn thành phố trong năm 2015. Theo anh Thắng, mỗi cán bộ, cấp bộ Đoàn phải tự đặt câu hỏi cho chính mình trước khi xây dựng kế hoạch, dự kiến tổ chức mỗi hoạt động chính là cảm xúc cần có. Cảm xúc ấy kết hợp với truyền thông sâu xa sẽ giúp lan tỏa hoạt động đến nhiều đối tượng, song song với yêu cầu mỗi công trình của Đoàn phải đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực và qua từng hoạt động giới thiệu với tổ chức, xã hội các nhân tố điển hình. “Phải có cảm xúc mới mong chuyển tải, mới tạo sự xúc động cho người dự” - anh Thắng phát biểu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận