Phóng to |
Cả một kho sách bị dọn sạch
Đó là sự việc xảy ra ở kho sách tiếng Nga của Thư viện KHXH TP.HCM tọa lạc tại số 240 Nguyễn Trọng Tuyển (quận Phú Nhuận, TP.HCM). “Xót xa, bàng hoàng, đau đớn, phẫn uất...” là tâm trạng khác nhau mà một cán bộ khoa học làm việc tại Viện KHXH vùng Nam bộ - đơn vị quản lý Thư viện KHXH TP.HCM - bày tỏ với Tuổi Trẻ khi nghe hung tin “gần như toàn bộ kho sách tiếng Nga đã bị đánh cắp”.
Vị cán bộ nghiên cứu này còn nói: “Có người đã bật khóc khi nghe sách bị đánh cắp với số lượng rất lớn. Người này bật khóc vì không thể chịu đựng nổi khi phải một lần nữa chứng kiến một sự việc tồi tệ nhất trong lịch sử ngành thư viện VN”.
Tạm chia tay với vị cán bộ nghiên cứu này, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu ở nhiều người khác có khả năng nắm bắt sự việc rõ ràng hơn, cụ thể hơn (theo lời giới thiệu của vị cán bộ nghiên cứu nói trên). Điều đầu tiên mà chúng tôi có thể làm là vội chạy đến các phố bán sách cũ với hi vọng tìm được một vài nơi còn lưu giữ, buôn bán các loại sách của Thư viện KHXH TP.HCM như lần mất cắp sách xảy ra vào cuối năm 2002. Nhưng đúng như lời khuyến cáo của vị cán bộ nghiên cứu ở Viện KHXH vùng Nam bộ mà chúng tôi đã tiếp xúc trước đó: “Anh đừng có mất thời gian, tôi đã đi một số hiệu sách cũ rồi, không dễ dàng tìm được như lần trước nữa đâu. Có lẽ hàng chục nghìn cuốn sách đã đi vào... các nhà máy tái sinh giấy hết rồi!”.
Theo nhiều nguồn tin khác nhau của Tuổi Trẻ, do trụ sở chính của Thư viện KHXH TP.HCM tại số 34 Lý Tự Trọng (quận 1, TP.HCM) chật hẹp, cơ sở vật chất trước đây bị xuống cấp, sách không thể lưu giữ hết tại cơ sở chính nên các loại sách tiếng Nga đã được chuyển về cơ sở 240 Nguyễn Trọng Tuyển từ hàng chục năm nay. Khi bạn đọc có nhu cầu thì cán bộ thư viện mới tìm sách tại kho này để phục vụ.
|
Không bao lâu sau hung tin mất sách tại kho sách Nga được nhiều người truyền tai nhau. Qua tiếp xúc với Tuổi Trẻ, các cán bộ nghiên cứu của Viện KHXH vùng Nam bộ nói: “Theo chúng tôi, kho sách Nga này có số lượng sách bị đánh cắp ít nhất cũng khoảng trên 20.000 cuốn”.
Chúng tôi đã hỏi một số người nắm bắt khá rõ sự việc mất sách, tất cả đều khẳng định: “Sự việc mất sách là có thật, nhiều người rất bất ngờ, không tin được vào mắt mình... vì số lượng bị mất quá lớn”. Tuy nhiên, cán bộ đang làm việc tại thư viện - những người có khả năng nắm bắt sự việc rõ ràng nhất - mà chúng tôi hết sức cố gắng liên lạc đều từ chối tiếp xúc với nhà báo và chỉ trả lời ngắn gọn: “Sự việc mất sách là có thật, chúng tôi không thể nói khác được; số sách bị đánh cắp với số lượng cũng cỡ như anh vừa nói (trên 20.000 cuốn). Nhưng muốn biết chi tiết điều gì thì cứ liên lạc với lãnh đạo viện, chúng tôi không thể và không có quyền nói bất cứ điều gì liên quan”.
Tiếp xúc với Tuổi Trẻ, một cán bộ nghiên cứu của Viện KHXH vùng Nam bộ bức xúc nói: “Hình như trên thế giới sự kiện mất sách như thế chỉ mới xảy ra ở Thư viện KHXH TP. Tôi cho rằng lãnh đạo Viện KHXH vùng Nam bộ không thể không có trách nhiệm lớn trong việc để mất mát một khối lượng tài sản quốc gia với số lượng lên cả chục nghìn cuốn sách như thế. Dư luận không thể không đặt vấn đề lãnh đạo Viện KHXH vùng Nam bộ cũng như lãnh đạo thư viện đã không ý thức đầy đủ về vai trò của một thư viện phục vụ nghiên cứu khoa học, học tập của đông đảo người dân”.
Ai là thủ phạm?
Theo tiên đoán của một số người, để vận chuyển số lượng hàng chục nghìn cuốn sách ra khỏi kho, kẻ trộm phải mất rất nhiều thời gian; việc vận chuyển có thể kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng liền... Trong khuôn viên tòa nhà 240 Nguyễn Trọng Tuyển có một số cán bộ lưu trú ở khu nhà tập thể, nên không phải lúc nào kẻ trộm cũng có thể chuyển sách ra ngoài. Ấy thế mà việc lấy cắp sách không hề bị phát hiện. Nhiều người còn đặt vấn đề nếu không có chủ trương chuyển sách về 34 Lý Tự Trọng, quận 1 thì có thể việc mất sách cũng chưa bị phát hiện.
Vậy ai là thủ phạm? Đây là câu hỏi đầy day dứt trong lòng của tất cả những người biết hung tin mất sách lần thứ hai xảy ra ở Thư viện KHXH TP.HCM. Thủ phạm của vụ đánh cắp sách lần này liệu có liên quan gì đến tên Bùi Khắc Đạt - kẻ đã đánh cắp hàng nghìn cuốn sách tại một cơ sở của thư viện ở số 386/18 Lê Văn Sỹ, quận 3, TP.HCM - đang chịu mức án 3 năm tù giam?
Hồ sơ vụ án cho thấy Bùi Khắc Đạt chỉ trong vòng một tháng đã lấy cắp hàng nghìn cuốn sách tại cơ sở thư viện số 386/18 Lê Văn Sỹ. Đạt lấy sách đem bán cũng vào lúc chiều tối, từ 18g-19g hằng ngày. Qua tìm hiểu, trước khi đến làm bảo vệ cho thư viện tại cơ sở 386/18 Lê Văn Sỹ và thực hiện hành vi lấy cắp sách tại đây, Đạt đã có thời gian dài làm bảo vệ tại kho sách tiếng Nga ở số 240 Nguyễn Trọng Tuyển. Vậy Đạt có liên quan đến vụ mất sách tại kho sách Nga hay không nhất thiết phải được làm rõ.
Nhưng điều đáng nói là khi sự việc mất sách xảy ra tại cơ sở 386/18 Lê Văn Sỹ, lãnh đạo Viện KHXH vùng Nam bộ cũng như lãnh đạo Thư viện KHXH TP dường như quên mất mình đang còn một khối lượng tài sản khổng lồ tại số 240 Nguyễn Trọng Tuyển. Nhiều ý kiến nói rằng nếu lãnh đạo Viện KHXH vùng Nam bộ, lãnh đạo thư viện có chút “nhạy cảm” thì không đến nỗi giờ phút này vẫn không biết chính xác hàng chục nghìn cuốn sách tại kho số 240 Nguyễn Trọng Tuyển bị đánh cắp vào thời điểm nào. Một điều không thể chấp nhận được trong quản lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận