30/05/2017 11:24 GMT+7

Hàng chục bệnh nhân chạy thận từ Hòa Bình đã đến BV Bạch Mai

QUỲNH LIÊN - LAN ANH
QUỲNH LIÊN - LAN ANH

TTO - Đây là cuộc họp báo thứ ba kể từ tối qua, sau khi xảy ra vụ tai biến chạy thận làm 7 người chết. Hôm qua, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã họp báo. Và cũng tại Hoà Bình sáng nay 30-5, UBND tỉnh cũng tổ chức cuộc họp báo.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến thăm bệnh nhân bị tai biến sáng nay - Ảnh: Quỳnh Liên
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến thăm bệnh nhân bị tai biến sáng nay - Ảnh: Quỳnh Liên

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, trưởng Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai, đây là sự cố lần đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam. Tại Hoà Bình sáng 30-5 cũng tổ chức cuộc họp báo thứ 3.

"Đây là tai biến y khoa nghiêm trọng chưa từng thấy trước đây. Y văn đã có ghi những vụ tai biến tập thể như thế này nhưng đã từ rất lâu. Có khoảng 20 loại tai biến có thể xảy ra khi chạy thận. Tuy ít gặp nhưng thường rất nguy hiểm, nếu không xử lý kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Trong quá trình lọc máu khoảng 3,5 giờ, phải theo dõi bệnh nhân rất cẩn thận" - ông Dũng cho biết.

Ông Dũng lấy ví dụ biến chứng tụt huyết áp, nếu không xử lý kịp thời chỉ 10 phút sau bệnh nhân có thể tử vong, hoặc nếu như bọt khí vào khoảng 10ml trở lên gây ra tắc mạch não, mạch phổi, mạch vành..., bệnh nhân có thể tử vong. Tuy nhiên, thực tế hiện nay máy móc lọc máu tốt nên ít xảy ra những tai biến này.

Theo ông Dũng, khó khăn hiện nay là sắp xếp cho hơn 100 bệnh nhân suy thận mãn đang chạy thận tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình về Hà Nội điều trị, do hầu hết các cơ sở điều trị tại Hà Nội đã quá tải bệnh nhân lọc máu.

Sáng 30-5 đã có thêm 20 bệnh nhân ở Hòa Bình được chuyển về Hà Nội.

Trong số 10 bệnh nhân chạy thận cùng thời điểm xảy ra tai biến, có 9/10 đã ổn định sức khỏe, còn một bệnh nhân nặng là Nguyễn Văn Thiều hiện đang được lọc máu liên tục tại Khoa Điều trị tích cực Bệnh viện Bạch Mai.

Sáng 30-5, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã thăm 10 bệnh nhân bị tai biến đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Theo ông Trần Văn Quang, 59 tuổi, một trong số bệnh nhân được lọc máu sáng 29-5, ông và 17 bệnh nhân khác cùng có biểu hiện người nóng lên, nhức đầu, nôn, đi vệ sinh nhiều lần.

Thông tin từ Bộ Y tế cho hay đã có hai chuyên gia hồi sức tích cực của Bạch Mai đang ở Hoà Bình hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân rất nặng như kể trên, trong đó có GS Nguyễn Gia Bình, trưởng Khoa Điều trị tích cực Bạch Mai. Tuy nhiên tiên lượng bệnh nhân rất nặng, hiện bệnh viện đang phải bóp bóng hỗ trợ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân vụ tai biến chạy thận đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: Chí Tuệ
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân vụ tai biến chạy thận đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: Chí Tuệ

Sáng cùng ngày, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản thượng khẩn gửi các Bệnh viện Hà Đông, Hoè Nhai, Đống Đa, Bệnh viện Thận và lọc máu Hà Nội... yêu cầu rà soát quy trình, thuốc men, thiết bị sử dụng cho bệnh nhân suy thận mãn, tránh nguy cơ tai biến có thể xảy ra.

Cán bộ một cơ sở điều trị suy thận mãn ở Hà Nội cho biết bệnh viện này từng có một bệnh nhân gặp biến chứng. Lý do là kỹ sư súc rửa hệ thống không loại hết tồn dư hoá chất khiến bệnh nhân bị nôn. Một tai biến khác từng gặp là năm bệnh nhân bị sốt do nước trong hệ thống bị nhiễm trực khuẩn.

Cuối giờ sáng nay 30-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến Bệnh viện Bạch Mai chỉ đạo giải quyết sự cố y khoa làm 7 bệnh nhân tử vong ở Hòa Bình. Theo bộ trưởng, sự cố y khoa làm 7 bệnh nhân tử vong rất nghiêm trọng, trong khi các tuyến thực hiện theo quy trình lọc máu chặt chẽ của Bộ Y tế.

Ngành y tế trước mắt tập trung cứu chữa các bệnh nhân và tiếp tục hỗ trợ cho Bệnh viện đa khoa Hòa Bình và 100 bệnh nhân lọc máu chạy thận định kỳ tại bệnh viện Hòa Bình. Bà Tiến cũng cho biết ngay từ ngày hôm qua, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế Hòa Bình thành lập hội đồng chuyên môn xác định nguyên nhân vụ việc, nếu có sai sót sẽ xử lý.

Hội đồng chuyên môn làm việc độc lập, bao gồm các chuyên gia đầu ngành xác định nguyên nhân sự cố. Tuy nhiên, trước mắt ngành y tế tập trung cứu chữa người bệnh, khắc phục hậu quả, chia sẻ với người bệnh. Đặc biệt là không để thêm trường hợp bệnh nhân nào tử vong.

Trưa ngày 30 -5, Bộ trưởng Y tế đã đến thăm các bệnh nhân đang nằm tại bệnh viện Bạch Mai. Ông Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết sẽ miễn toàn bộ chi phí điều trị ngoài bảo hiểm cho các bệnh nhân còn lại đang điều trị tại bệnh viện Bạch Mai. Dự kiến, chiều nay đoàn chuyên gia của Bộ Y tế, bệnh viện Bạch Mai tiếp tục lên Hòa Bình hỗ trợ xử lý sự cố.

 Quy trình lọc máu cho bệnh nhân suy thận mãn

(Thông thường mỗi bệnh nhân lọc 3 lần/tuần)

- Lắp dây và quả lọc

- Cắm kim ra và kim vào

- Nối vào máy cho bệnh nhân

- Đo dấu hiệu sinh tồn

- Đo huyết áp cho bệnh nhân mỗi giờ một lần

- Sau 3,5-4g trả máu cho bệnh nhân, đo huyết áp và cho bệnh nhân về Trong toàn bộ quy trình, mỗi bệnh nhân có một kim, quả lọc, thiết bị lọc máu riêng, chỉ có hệ thống nước là dùng chung.

QUỲNH LIÊN - LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên