03/10/2022 14:41 GMT+7

Hàn Quốc xây kho dự trữ cải thảo để đối phó với khủng hoảng kim chi

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Trước cuộc khủng hoảng đe dọa món ăn mang đậm bản sắc dân tộc, Chính phủ Hàn Quốc gần đây vạch ra kế hoạch xây dựng 2 siêu kho dự trữ cải thảo.

Hàn Quốc xây kho dự trữ cải thảo để đối phó với khủng hoảng kim chi - Ảnh 1.

Nhân công dỡ cải thảo tại nhà máy Cheongone ở Cheongju. Ảnh: reuters.com

Các nhà sản xuất kim chi của Hàn Quốc đang đau đầu trước thực trạng thiếu cải thảo do biến đổi khí hậu, khiến giá loại rau này tăng vọt trong năm nay, đặc biệt trong bối cảnh các đối thủ Trung Quốc đưa ra sản phẩm tương tự với giá rẻ hơn.

Phản ứng trước cuộc khủng hoảng đe dọa món ăn mang đậm bản sắc dân tộc, Chính phủ Hàn Quốc gần đây vạch ra kế hoạch xây dựng 2 siêu kho dự trữ cải thảo có diện tích rộng gấp 3 lần sân vận động bóng đá.

Hai cơ sở này sẽ được xây dựng ở hai huyện Goesan và Haenam, với diện tích mỗi kho rộng 9.900 m2. Các kho có sức chứa 10.000 tấn cải thảo và sản xuất 50 tấn cải muối mỗi ngày. Dự án xây dựng, trị giá 58 tỉ won dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Biến đổi khí hậu trong những năm gần đây khiến nhiệt độ cao hơn và mưa nhiều hơn đã gây hư hỏng cải thảo, làm giảm nguồn cung. Giá cải thảo năm nay đã tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy ba tháng, một phần là do lạm phát tăng vọt lên mức cao nhất trong 24 năm ghi nhận hồi tháng 7.

Ahn Ik-jin, Giám đốc điều hành công ty sản xuất kim chi Cheongone Organic, cho biết: "Chúng tôi thường mua cải thảo vào tháng 6 rồi tích trữ để sử dụng sau khi giá leo thang, nhưng năm nay chúng tôi không còn hàng dự trữ. Ngày trước, chúng tôi từng sản xuất 15 tấn kim chi mỗi ngày nhưng bây giờ chúng tôi chỉ sản xuất 10 tấn hoặc ít hơn. Công ty đã phải tăng giá kim chi gấp 2/3, lên 5.000 won/kg".

Ngành sản xuất kim chi của Hàn Quốc đã trượt dốc trong một thời gian khá dài. Lượng kim chi nhập khẩu từ Trung Quốc, với giá bán bằng khoảng 1/3 kim chi sản xuất trong nước, đã tăng mạnh trong hai thập kỷ qua, chiếm 40% thị trường kim chi nội địa.

Theo một nghiên cứu của Korea Rating & Data, năm ngoái, gần một nửa trong số 1.000 nhà sản xuất kim chi của Hàn Quốc tuyên bố đóng cửa hoặc tạm thời chuyển sang sản xuất các sản phẩm khác.

Các nhà sản xuất kim chi Hàn Quốc hy vọng kế hoạch mới của chính phủ sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước củng cố vị thế trong thị trường nội địa.

Chính phủ Hàn Quốc hy vọng các kho bảo quản cũng sẽ góp phần to lớn vào việc giữ vững vị thế món ăn bản sắc dân tộc đối với thị trường toàn cầu.

Qua nhóm nhạc nam BTS và bộ phim gây sốt 'Trò chơi con mực' trên nền tảng Netflix, làn sóng quan tâm đến văn hóa Hàn Quốc bùng nổ. Năm ngoái, giá trị xuất khẩu kim chi của nước này đã tăng 10,7% lên mức kỷ lục 160 triệu USD.

Giá cải thảo tăng còn còn ảnh hưởng đến thói quen làm kim chi truyền thống trong các gia đình Hàn Quốc.

Theo một đại diện của chuỗi siêu thị Hanara, doanh số kim chi làm sẵn đã tăng 20% kể từ tháng 8 khi so với cùng kỳ năm ngoái.

'Thường tôi tự làm kim chi nhưng giá nguyên liệu tăng quá nhiều. Tôi định vừa làm vừa mua kim chi cho giảm chi phí', bà Kim Sook-kyung (72 tuổi) chia sẻ.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên