Hai bị cáo trong vụ “cướp bánh mì” bị TAND Q.Thủ Đức phạt tù - Ảnh: TUYẾT MAI |
Xử lý bất cứ một vụ án nào cũng phải trên cơ sở đúng luật, tránh việc hợp thức hóa những gì đã xảy ra. Việc áp dụng pháp luật cần phải khách quan, đúng luật, không làm oan, sai, làm nặng hơn cho bị can, bị cáo |
Ông NGUYỄN SƠN (phó chánh án TAND tối cao) |
Vụ án “cướp bánh mì” mới đây được xem là loại án “chưa xảy ra hậu quả lớn” nhưng TAND Q.Thủ Đức (TP.HCM) tuyên mức án quá nặng đối với hai bị cáo chưa thành niên. Ngay sau đó, chánh án TAND tối cao đã có ý kiến chỉ đạo TAND TP.HCM xem xét lại vụ án một cách toàn diện.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Sơn, phó chánh án TAND tối cao, cho biết: “Tòa tối cao yêu cầu các tòa trong toàn quốc lưu ý những vụ án tương tự, dù đủ yếu tố cấu thành về hình thức nhưng hậu quả không đáng kể thì cần phải xem xét kỹ lưỡng, toàn diện.
Trường hợp nếu nhận thấy việc tạm giam là không cần thiết mà cơ quan điều tra đã giam rồi thì cần phải thay đổi biện pháp ngăn chặn ngay chứ không thể hợp lý hóa thời gian tạm giam vào bản án của họ”.
* Ông đánh giá thế nào về vụ án “cướp bánh mì”?
- Chánh án đã có ý kiến chỉ đạo và nêu quan điểm rồi. Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo TAND tối cao với TAND TP.HCM, TAND Q.Thủ Đức, chúng tôi đánh giá toàn diện các tình tiết, chứng cứ và các căn cứ pháp luật để đưa ra những vấn đề cụ thể.
Theo đó, quan điểm của tòa tối cao là việc xét xử phải căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi, đồng thời mở đường cho hai người đó sửa chữa sai lầm.
Trong vụ án này, hai bị cáo còn ở độ tuổi chưa thành niên, phạm tội lần đầu, chưa có án tích... nên cần phải áp dụng biện pháp xử lý cho phù hợp, ví như miễn trách nhiệm hình sự hoặc cải tạo không giam giữ.
Quan điểm của tôi là cần hạn chế hình phạt tù đối với người chưa thành niên, nhất là hành vi này giống với hành vi cướp mấy chiếc mũ ở Hải Phòng mấy năm trước. Thực tiễn xét xử cho thấy có sự cấn cá trong việc áp dụng hình phạt bởi nếu tuyên mức án thấp hơn sẽ bị “lố” thời gian tạm giam.
* Có phải vì thế mới có tình trạng mức án đã tuyên bằng với thời gian tạm giam?
- Chính vì những cấn cá đấy mới có mức án như bản án sơ thẩm của TAND Q.Thủ Đức vừa tuyên. Quan điểm của tôi là mức án không được vượt quá hành vi của người ta.
Trong vụ án này, việc tạm giam là không cần thiết, khi tòa án nhận hồ sơ đã nhận thấy điều này nên thay đổi biện pháp ngăn chặn là đúng. Việc tòa Thủ Đức xử như vậy là nhằm hợp lý hóa thời gian tạm giam.
* Nếu xem xét đúng hành vi của hai bị cáo và có thể xử án treo hoặc miễn trách nhiệm hình sự thì khoảng thời gian lố sẽ được xử lý thế nào?
- Thực tế, hai người này có hành vi vi phạm pháp luật. Việc bị giam lố nếu có thì thật ra chưa có quy định phải xử lý thế nào. Đây không thuộc trường hợp được bồi thường theo luật định. Để giải quyết vấn đề này cần phải xem xét thêm, có thể đề xuất bổ sung vào luật.
* Nhiều người cho rằng nếu có tuyên mức án nhẹ hơn cho các bị cáo cũng vô nghĩa vì họ chẳng được bồi thường. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Hình phạt tù giam và tù cho hưởng án treo khác nhau. Tương tự, án treo và cải tạo không giam giữ cũng là một khoảng cách rất lớn. Miễn trách nhiệm hình sự càng khác nữa. Giữa một cái có án tích và một cái không có án tích khác nhau rất nhiều.
Vụ án này là bài học chung cho ngành tòa án. Tội không đáng tạm giam mà lại tạm giam là làm tổn hại đến người ta, tội không đáng bị phạt tù mà phạt tù khiến người ta phải mang án tích...
* TAND tối cao nhận ra những điểm chưa phù hợp trong vụ án “cướp bánh mì” từ khi nào?
- Vụ án “cướp bánh mì” tình tiết quá rõ ràng nên các cấp tòa phải tự đánh giá và HĐXX phải độc lập trong xét xử dựa trên các căn cứ pháp luật.
Tuy nhiên, sau khi TAND Q.Thủ Đức xử xong, TAND tối cao cảm giác mức án tuyên là chưa phù hợp nên yêu cầu hai cấp tòa tại TP.HCM báo cáo. Sau đó, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo quyết liệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận