01/08/2014 09:58 GMT+7

Hầm đi bộ thành nơi phóng uế, đổ rác

QUANG THẾ
QUANG THẾ

TT - Hầm đi bộ thành nơi đổ rác, quán bán trà đá, chứa hàng hóa kinh doanh... là những hình ảnh chúng tôi ghi nhận được tại Hà Nội.

Hầm chui thành nơi chứa rácXả rác nơi công cộng: nhỏ không dạy, lớn làm bậy!

WxlLzxTw.jpgPhóng to
Một hầm đi bộ dành cho người qua đường ở quốc lộ 32 (Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chưa đưa vào sử dụng đã biến thành quán trà đá và ngập nước thải - Ảnh: Quang Thế

Đây không phải là vấn đề mới và báo chí đã nhiều lần phản ánh, nhưng đến nay gần 10 năm xây dựng và đưa vào khai thác, nhiều hầm đi bộ vẫn ‘‘nằm bất động’’.

“Đắp chiếu”

Chỉ một đoạn đường chưa đầy 3km trên quốc lộ 32 nhưng có đến bốn hầm bị bỏ không. Trên các cửa hầm đều được gắn biển ‘‘đang trong quá trình thi công và hoàn thiện”. Tuy nhiên ghi nhận của chúng tôi nhiều ngày tại khu vực này thì không hề có việc thi công và các hầm đi bộ vẫn nằm ‘‘đắp chiếu’’. Có những hầm mới thông được một đầu, bên trong ngập nước, chứa đầy rác và bốc mùi hôi thối. Trên các cửa hầm được người dân tận dụng làm nơi bán nước, phơi quần áo, chứa hàng hóa...

Ông Lê Văn Hùng (53 tuổi, ở tổ 12, Phú Diễn, Q.Bắc Từ Liêm) cho biết: ‘‘Gia đình tôi thuê cửa hàng trên tuyến quốc lộ 32 gần sáu năm rồi kể từ khi đường mới mở rộng, nhưng nhiều năm trôi qua cứ có vài công nhân đến làm được mấy hôm rồi lại đậy bạt để đó. Mới đầu họ thi công được phần thô, sau đó bỏ mặc cho nước mưa tràn vào ngập cả cửa hầm. Có hầm không biết vì lý do gì mà mới xây dựng một đầu, đầu còn lại vẫn chưa khai thông được’’.

Ông Hùng thông tin thêm do để lâu không đưa vào hoạt động, hầm đã thành nơi đổ rác của khu dân cư, phóng uế của nhiều người qua đường. Cửa hàng nhà ông Hùng ngay phía trước cửa hầm, ngày mưa nước thải dưới hầm ứ đọng tràn vào nhà, ngày nắng thì bốc mùi hôi thối.

Tại khu vực đường Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển tràn lan các hố ga bật nắp, cống nước thải và cỏ dại, rác của vật liệu xây dựng ngập cửa ra vào hầm bỏ không. Những hầm đã hoàn thiện xong nhưng chủ đầu tư chưa bàn giao cho Sở Giao thông vận tải Hà Nội nên vẫn trong tình trạng khóa cửa, cài then và cửa đang bị hoen gỉ, bên trong bị thấm nước.

Để che mắt người đi đường, nhiều cửa hàng kinh doanh còn dùng bạt che lại cửa hầm làm nơi chứa hàng bên trong. Hầm hoạt động được thì thành nơi trú mưa cho người qua đường. Một số cửa hàng kinh doanh cà phê, quán bia trên đường Khuất Duy Tiến còn tận dụng làm nơi để bàn ghế, nhốt gia cầm.

Anh Sơn - một chủ quán tạp hóa trên đường Nguyễn Xiển - cho hay: ‘‘Hầm đi bộ chưa đưa vào hoạt động đã ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh của gia đình. Nhiều hôm sáng sớm ngủ dậy, việc đầu tiên là phải quét rửa phía trước cửa hầm vì có nhiều người qua đường phóng uế và đổ rác thải tràn lan. Nhiều lần tiếp xúc cử tri chúng tôi đã kiến nghị nhưng đến nay hầm đi bộ đã làm xong rồi nhưng vẫn đóng cửa’’.

Ban ngày cũng không dám qua hầm

Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân cho biết không chỉ ban đêm mà ban ngày họ cũng không dám qua hầm, vì những lúc vắng người thường có những đối tượng ‘‘bặm trợn’’ ép mua hàng và xin đểu.

Chị Hoàng Thị Huệ (21 tuổi, ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, hiện đang là sinh viên năm 2 Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: ‘‘Vào cuối tháng 6-2014 tôi mới từ quê đến, qua hầm trước bến xe Mỹ Đình thì có mấy thanh niên ép mua đồ, tôi không mua thì bị mấy thanh niên này đe dọa và xin 200.000 đồng. Từ ngày đó đến nay tôi không dám đi qua hầm. Mỗi khi ở quê xuống là tôi đi xe ôm từ bến xe về phòng luôn và không qua hầm để bắt xe buýt như trước đây’’.

‘‘Có nhiều lần tôi nhìn thấy tình trạng ép khách mua hàng và móc túi ngay giữa cửa hầm nhưng không dám lên tiếng vì can thiệp lại mất đường làm ăn. Thường họ đi một nhóm 3-4 người. Thấy những người mới đến Hà Nội thì tất cả áp sát để bán hàng, nếu không mua thì ép và rồi xin đểu. Nhóm thanh niên này thường hay hoạt động vào những lúc vắng người qua hầm’’ - ông Vương Văn Tấn (63 tuổi, quê ở huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) làm nghề chạy xe ôm tại khu vực gần bến xe Mỹ Đình kể.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Công ty cổ phần Công trình giao thông 2 Hà Nội - đơn vị trực tiếp quản lý hầm đi bộ - cho biết hiện đơn vị chỉ mới quản lý 13 hầm đi bộ trên khu vực đường Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển. Còn nhiều hầm đi bộ vẫn chưa được quản lý và bỏ không do chủ đầu tư chưa bàn giao cho Sở Giao thông vận tải Hà Nội.

TP.HCM: nhiều hầm chui bị chiếm dụng buôn bán

Tại TP.HCM hiện có năm hầm chui dành cho người đi bộ. Ba trong số năm hầm hầu như không có ai sử dụng, hai hầm còn lại bị chiếm dụng làm nơi buôn bán.

Tại nút giao thông Tân Thuận (huyện Bình Chánh, TP.HCM) có ba hầm chui. Hai hầm nằm hai đầu cầu vượt Nguyễn Văn Linh và một hầm nằm dưới đường dẫn đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Theo ghi nhận của chúng tôi ngày 31-7, trong 30 phút đứng tại đây chỉ có ba người sử dụng. Một người dân sống gần những hầm chui này cho biết chỉ khi nào trời mưa mới có người đi qua hầm này, còn ngày nắng thì cả ngày không có ai đi. “Nguyên nhân là do hầm quá vắng vẻ, khi xuống hầm sợ gặp kẻ xấu thì không biết kêu ai” - một người dân vừa đi băng ngang qua quốc lộ 1 cho biết.

Theo ghi nhận, dưới hầm khá sạch sẽ. Hình ảnh nhếch nhác, ngập nước trước đây đã không còn. Dãy đèn dưới hầm luôn được bật sáng trưng nhưng không có ai đi. Trong khi đó, trên quốc lộ 1 và đường dẫn đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương nhiều người băng ngang giữa dòng xe cộ đang phóng nhanh qua lại.

Trước Khu công nghiệp Tân Tạo (Q.Bình Tân, TP.HCM) có một hầm chui khá quy mô băng qua quốc lộ 1. Hầm được chia ra ba ngăn. Hai ngăn hai bên dành cho xe quay đầu, còn ngăn giữa dành cho người đi bộ băng qua quốc lộ. Có mặt tại đây vào giờ tan ca chiều, hàng ngàn công nhân từ các công ty trong Khu công nghiệp Tân Tạo chen chúc nhau đi qua hầm. Tuy diện tích lối đi bộ trong hầm khá rộng rãi nhưng đã bị hàng rong chiếm dụng hầu hết. Người đi bộ phải luồn lách giữa các “gian hàng” trong hầm. Khi có một tốp công nhân dừng lại mua đồ thì hàng trăm công nhân phía sau bị ùn ứ lại, đông đúc như chợ. Sau giờ tan ca, rác rưởi, đồ ăn phủ đầy mặt hầm khiến công nhân vệ sinh phải vất vả dọn dẹp.

Trong khi đó, nhiều người vẫn mạo hiểm chọn cách leo qua hàng rào phân cách giữa quốc lộ 1 để qua đường vì không muốn mất thời gian chui xuống hầm. Một nữ công nhân cho biết: “Chỉ khi nào cần mua đồ tôi mới chui xuống hầm, còn không vẫn chọn cách đi băng ngang trên quốc lộ 1”. Hầm chui Linh Trung (Q.Thủ Đức) băng ngang quốc lộ 1, đoạn trước Khu chế xuất Linh Trung cũng trong tình trạng buôn bán hàng rong lấn chiếm vào giờ công nhân tan ca và là nơi tụ tập của những người sống lang thang khiến công nhân cũng e ngại mỗi khi qua đây.

QUANG THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên