23/07/2007 02:05 GMT+7

Haiku - thể thơ ngắn nhất thế giới

LƯU ĐỨC TRUNG
LƯU ĐỨC TRUNG

AT - Cuộc thi sáng tác thơ Haiku bằng hai thứ tiếng Việt - Nhật được tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM vừa phát động dành cho mọi người yêu thích thể thơ ngắn này, hạn chót nhận bài vào ngày 16-7-2007.

0dPsGMe2.jpgPhóng to

Nhà nghiên cứu văn học Nhật Bản, hiện đang giảng dạy tại Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM Nhật Chiêu được mời làm cố vấn cuộc thi, ông vừa xuất bản tập sách nghiên cứu văn học Nhật 3000 thế giới thơm (NXB Văn Nghệ và nhà sách Cảo Thơm ấn hành). Nhân đây Áo Trắng có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, mong làm sáng tỏ đôi chút về thể thơ Haiku.

Thơ Hai-cư (Haiku) là loại thơ cực ngắn của Nhật Bản, cô đọng và hàm súc. Một bài thơ chỉ ba câu, mười bảy âm tiết (5-7-5) dài không quá mười hai, mười ba từ, không chấm câu, không đề. Nội dung thường hướng về thiên nhiên bốn mùa và nội tâm cá nhân để phản ánh. Sau đây là những bài thơ thể nghiệm, xin gửi đến bạn đọc.

1

Ngắm hoa nhàiNhớ cánh tayThoang thoảng hương đêm

2

Mùi hương nào Ta chưa hưởngGiữa rừng hoa

3

Kẻ hành khấtDu xuânHoa quả đầy túi

4

Lá thông reoSóng vỗTa và cát lặng lẽ

* Thưa nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, xin ông cho biết đôi nét về sự hình thành của thể thơ Haiku?

- Thơ ca xứ Phù Tang không bắt đầu bằng sử thi hay những trường ca đồ sộ như Iliad, Odyssey của Hi Lạp hay Mahabharata, Ramayana của Ấn Độ; mà bắt đầu bằng những vần thơ trữ tình gọi là Waka (hòa ca, tức thơ của người Nhật, còn gọi là Tanka, tức đoản ca), là thể thơ ngắn, toàn bài bao gồm 31 âm tiết. Vậy mà người Nhật vẫn chưa hài lòng với cái ngắn gọn của Waka. Họ phát minh thêm thể Haiku (hài cú) chỉ vỏn vẹn có 17 âm tiết và nó trở thành thể thơ ngắn nhất thế giới.

* Nhưng thưa ông, tiếng Nhật đa âm khác với tiếng Việt đơn âm. Vậy giới hạn 17 âm tiết trong một bài thơ phải chăng là niêm luật khó nhất của Haiku?

- Số lượng âm tiết qui định vậy đã khó nhưng khó nhất vẫn là biểu đạt được sự tương quan giữa con người và thiên nhiên, một bài thơ Haiku hay phải thể hiện được khoảnh khắc độc sáng của nhà thơ trong việc nắm bắt cuộc đời, quan sát tinh nhạy, biết cảm nghiệm đời sống đầy đủ.

* Thế còn “kigo” (quí ngữ) đóng vai trò quan trọng gì trong việc hình thành bài thơ Haiku?

- Với các tác giả sáng tác Haiku bằng tiếng Nhật thì kigo rất quan trọng, nhưng với các ngôn ngữ khác thì không cần đặt nặng kigo lắm. Kigo không chỉ biểu đạt mùa mà còn hơn thế. Ví dụ như bài thơ này của thi sĩ Basho: “Ao cũ/con ếch nhảy vào/vang tiếng nước xao (Furuike ya/kawazu tobikomu/mizu no oto)” thì kigo nằm ở con ếch (mùa xuân), một sinh linh bé nhỏ quen thuộc.

Nhỏ nhoi là vậy, thơ Haiku vẫn có thể chứa đựng “ba nghìn thế giới”. Như một thiền ngôn xưa, trong hạt cải nhỏ xíu bao hàm cả nhật nguyệt, trên đầu sợi lông dồn tụ cả càn khôn. Nếu đọc thơ Haiku nhiều, người đọc dễ dàng nhận ra vạn vật bé nhỏ xung quanh mình khi thì chiếc lá, vỏ ốc... lúc thì con ếch, đom đóm... thậm chí cả con ruồi. (Ruồi trên nón ta ơi/hôm nay vào thành phố/thành dân Edo rồi - Issa. Edo tức Tokyo ngày nay).

* Ông có so sánh cảm thức thiên nhiên của người Nhật và người Việt?

- Điều này nói ra rất dài, tôi chỉ xin nêu một điểm khác biệt nhưng cũng rất tương đồng bởi nhìn chung người Nhật hay Việt đều có tư tưởng Á Đông. Trong Thần đạo, người Nhật tìm thấy thiên nhiên có thần và tuyệt đẹp. Còn với người Việt, thiên nhiên ít gợi lên cái linh thiêng mà gợi lên cuộc sống thường ngày như: “Lên non đón gió lấy trầm/ Xui ong làm mật, giục tằm nhả tơ”. Mỗi cảm thức là mỗi bản sắc. Hiểu được bản sắc cũng như tình yêu thiên nhiên của nhau thì có thể đồng hành với nhau.

* Đến nay thơ Haiku đã phát triển ra sao thưa ông?

- Thơ Haiku có lâu đời rồi nhưng đến thế kỷ 17, 18 mới lên đến đỉnh điểm bằng sự xuất hiện hai thi sĩ lừng danh là Basho và Issa. Basho chu du khắp nước Nhật và ông đã ghi lại những khoảng khắc nắm bắt được suốt cuộc hành trình. Bây giờ hầu như đất nước nào trên thế giới cũng học và sáng tác thơ Haiku, kể cả người Hồi Giáo. Giá trị của thơ Haiku có nhiều mặt khác nhau, như ở Mỹ, thơ Haiku được đưa vào nhà trường. Ở ta Haiku cũng bắt đầu được đưa vào chương trình THPT. Tất nhiên, người Mỹ muốn học sinh sáng tác thơ Haiku không phải vì Nhật mà có mục đích giúp học sinh diễn đạt nhiều ý nghĩa nhất với số lượng âm tiết ít nhất.

* Còn với riêng ông, thơ Haiku có ý nghĩa gì khác?

- Haiku đồng nghĩa với nghệ thuật và đạo. Đó là con đường tâm linh, khi trong Haiku các tác giả quan tâm đến tất cả động tĩnh quanh mình, dù rất nhỏ nhoi, thiết nghĩ muốn được vậy phải cực kỳ yêu quí từng giây phút sống và luôn hướng đến sự bình đẳng với vạn vật. Với tôi, thơ Haiku thật kỳ diệu, bởi lẽ cái tài của nhà thơ không nằm ở việc vẽ rồng, phụng... mà vẽ những sự vật gần gũi, hiện thực mà phải vượt qua hiện thực.

* Xin cảm ơn ông.

xQ5twhqe.jpgPhóng to

Áo Trắng số 5 (ra ngày 15-7-2007) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

LƯU ĐỨC TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên