09/08/2011 06:47 GMT+7

Hai nỗi sợ của dân vùng dự án

HỮU KHÁ
HỮU KHÁ

TT - Từ ngày các dự án triển khai trên địa bàn xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), người nông dân phải đối chọi với hệ lụy từ ô nhiễm môi trường và cảnh thất nghiệp khi không còn đất.

EMIHK8Cx.jpgPhóng to
Giờ chả mấy ai dám ra đường trước khói bụi như thế này. Người dân đang đối mặt với cảnh ô nhiễm và nỗi lo thất nghiệp - Ảnh: Hữu Khá

Chưa bao giờ khung cảnh làng quê yên bình ở các thôn Quan Nam 3, Quan Nam 6... (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) lại rơi vào cảnh ô nhiễm như lúc này. Con đường ĐT 601 và tuyến tránh Nam Hải Vân đi qua xã Hòa Liên giờ xe cộ tấp nập cả ngày lẫn đêm.

Khói bụi bao trùm xóm làng

Mới sáng sớm mà hàng trăm xe ben chở đất đá phục vụ đại công trình san lấp thuộc dự án khu đô thị sinh thái Quan Nam - Thủy Tú lao như tên bắn trong làn khói bụi. Giờ sáng cũng như tối, làng quê luôn náo loạn cảnh xe ben rượt đuổi nhau cho kịp chuyến, bất chấp đất đá vung vãi khắp đường. Bụi mù trời mù đất, lấp hết cây cối, phủ trắng mái nhà.

Bà Võ Thị Cư, một người dân ở thôn Quan Nam 3, than thở: “Từ ngày họ triển khai dự án chúng tôi như đứng ngồi không yên. Xe ben chạy tứ tán gây ô nhiễm, đến nỗi người lớn không dám cho con cái ra đường. Cảnh bụi bẩn thì không còn gì phải nói. Không biết bao nhiêu lần chúng tôi kéo nhau ra chặn xe vì không thể sống nổi với bụi”. Chị Thủy, chủ một nhà hàng trên đường tránh Nam Hải Vân (thuộc thôn Quan Nam 6), bức xúc: “Hàng trăm xe ben liên tục về gây náo loạn, khói bụi bao trùm nên chúng tôi buộc phải đóng cửa vì không có khách nào dám vào ăn. Trước đây mỗi tháng vợ chồng tôi thu tiền lời từ nhà hàng này cũng được 20 triệu đồng và tạo được việc làm cho cả chục con em trong làng, còn giờ thất nghiệp hết rồi”.

Ông Nguyễn Xông, trưởng thôn Quan Nam 3, cho biết: sau khi người dân phản ứng quá dữ dội, phía nhà đầu tư đã hỗ trợ cho hơn 10 hộ dân sống sát mép đường mỗi tháng 500.000 đồng/hộ để khắc phục bụi bẩn. Số tiền ít ỏi này không thấm vào đâu so với sự xáo trộn cuộc sống của họ nhưng người dân cũng đành cắn răng chấp nhận.

Ôm cục tiền ngồi... thất nghiệp

Khi đại dự án khu đô thị Quan Nam - Thủy Tú được triển khai, hàng trăm hecta đất nông nghiệp bị thu hồi kéo theo hàng ngàn hộ nông dân bao đời nay chỉ biết cày cấy trên mảnh ruộng rơi vào cảnh thất nghiệp. Theo UBND xã Hòa Liên, hiện có 12/13 thôn của xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang có dự án triển khai gồm khu đô thị Quan Nam - Thủy Tú, khu tái định cư Hòa Liên 3, 4... trong đó thôn Quan Nam 5 giải tỏa trắng, các thôn khác bị giải tỏa một phần. Có 1.200 hộ dân bị ảnh hưởng bởi thu hồi đất nông nghiệp. Hiện Hòa Liên là xã có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi lớn nhất phục vụ các dự án đô thị tại Đà Nẵng. Mất đất sản xuất đồng nghĩa với việc hàng ngàn người dân rơi vào cảnh thất nghiệp, trong khi chính quyền địa phương loay hoay chưa biết chuyển đổi nghề gì cho dân.

Ông Lê Văn Hòa, thôn Quan Nam 3, cho biết trước đây vợ chồng ông có 6 sào ruộng. Với diện tích chừng đó hai vợ chồng cày cấy, nuôi thêm heo gà cũng đảm bảo được cuộc sống cho gia đình với ba đứa con nhỏ. Mấy tháng nay sau khi bị thu hồi 6 sào ruộng, cầm cục tiền 210 triệu đồng từ việc đền bù mà đành chịu thất nghiệp. Ông Hòa than thở sau khi ruộng đất mất vợ chồng ông ngồi không chứ không tìm được việc gì làm để kiếm tiền. Nhìn số tiền đền bù cứ “teo” dần mà lo lắng, không biết mai này lấy gì sống và lo cho các con.

Ông Đặng Thập, phó Phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Hòa Vang, cho biết việc giải quyết công ăn việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp cho những người bị thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn xã Hòa Liên hết sức khó khăn. “Những người ở độ tuổi thanh niên còn dễ hướng dẫn đào tạo nghề, còn tuổi trên 45 rất khó khăn, mà lực lượng ở độ tuổi này hiện khá nhiều” - ông Thập nói.

HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên