19/05/2020 11:23 GMT+7

Hai lần nội soi gắp mảnh xương lươn găm sâu phế quản bé gái

XUÂN MAi
XUÂN MAi

TTO - Bé gái 7 tháng tuổi rơi vào tình trạng suy hô hấp sau khi mẹ cho ăn cháo lươn. Tại bệnh viện bé phải thở máy và trải qua 2 lần nội soi gắp dị vật vì xương găm sâu vào thành phế quản phải.

Hai lần nội soi gắp mảnh xương lươn găm sâu phế quản bé gái - Ảnh 1.

Trải qua 12 tiếng đồng hồ với 2 lần nội soi, các bác sĩ đã gắp thành công mảnh xương lươn găm sâu vào thành phế quản phải bé gái 7 tháng tuổi - Ảnh: bác sĩ cung cấp

Sáng 19-5, TS.BS Trịnh Hồng Nhiên - trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - cho biết vừa cấp cứu thành công bệnh nhi T.N.N.Đ. (7 tháng tuổi, ngụ tỉnh An Giang) bị hóc mảnh xương lươn có nhiều gai sắt nhọn, găm sâu vào thành phế quản phải.

Trước đó, trưa 14-5, bé Đ. được mẹ cho ăn cháo lươn. Khi ăn đến muỗng thứ 3 thì bé Đ. quấy khóc. Khoảng 30 phút sau, bé Đ. khóc nhiều hơn và ói ra mảnh xương lươn kèm theo vệt máu đỏ tươi rồi thở mệt, tái môi.

Nghi ngờ bé Đ. hóc xương, gia đình đưa bé đến trạm y tế cách nhau 2km. Tại đây, bé Đ. được bác sĩ làm nghiệm pháp vỗ lưng ấn ngực.

Tuy nhiên tình trạng suy hô hấp không cải thiện nên phải chuyển đến Bệnh viện sản nhi An Giang. Các bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản, tiêm kháng sinh cho bệnh nhi nhưng bệnh tình vẫn nguy kịch.

Nhanh chóng, bé Đ. được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố vào tối cùng ngày trong tình trạng môi tái, suy hô hấp.

Sau khi thăm khám, chụp phim khẩn và hội chẩn, các bác sĩ khoa cấp cứu và hô hấp nghi ngờ bé hóc dị vật, dị vật tắc nghẽn một nhánh phổi, gây ứ khí toàn bộ nửa trên phổi phải nên đã nội soi cho bé.

Trong khi nội soi, TS.BS Nhiên - trưởng khoa hô hấp, trưởng êkip nội soi - phát hiện dị vật là một đốt xương lươn nằm bít hoàn toàn phế quản trung gian bên phải, đốt xương nhiều gai sắc nhọn, trơn tuột khiến quá trình gắp dị vật rất khó khăn.

Các bác sĩ tạm ngưng nội soi, bệnh nhi được điều trị nội khoa, chống viêm. 12 tiếng sau, bệnh nhi tiến hành nội soi lần 2. Các bác sĩ tỉ mỉ gắp dị vật, hạn chế tối thiểu tổn thương niêm mạc đường thở nhất có thể, soi kiểm tra thông thoáng toàn bộ đường thở.

Các bác sĩ cho biết vì bệnh nhi đến khám và chuyển tuyến kịp thời và dị vật chưa hoại tử nhiễm trùng, chưa tạo ổ mủ ápxe hay rơi vào bít tắc đường thở chính, nếu không có thể gây ngưng thở, thậm chí tử vong nếu cấp cứu không kịp.

TS.BS Nhiên khuyến cáo hóc dị vật (xương, các loại thức ăn dạng hạt, mảnh, các mảnh đồ chơi nhỏ...) thường gặp ở lứa tuổi từ 6-5 tuổi, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Vì vậy phụ huynh cần hết sức cảnh giác với các loại thức ăn hay đồ chơi này.

Khi trẻ hóc hoặc nghi ngờ hóc ngay cả khi trẻ có vẻ khỏe mạnh, phụ huynh cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất xử lý dị vật vì một số trường hợp trẻ hóc mà không có triệu chứng rõ ràng hoặc chỉ ho sặc ban đầu, sau đó hoàn toàn bình thường.

XUÂN MAi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên