16/06/2024 05:30 GMT+7

Hai giám sát cấp cao từ chức, dự án dời đô của Indonesia gặp khó?

Các nhà phân tích cho rằng dự án xây dựng thủ đô mới Nusantara của Indonesia có thể đang được đẩy nhanh để bảo vệ di sản của Tổng thống Indonesia Joko Widodo trước khi ông rời nhiệm sở.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo thị sát địa điểm sẽ tổ chức lễ kỷ niệm quốc khánh Indonesia tại thủ đô tương lai Nusantara ở tỉnh Đông Kalimantan hôm 5-6 - Ảnh: AFP

Tổng thống Indonesia Joko Widodo thị sát địa điểm sẽ tổ chức lễ kỷ niệm quốc khánh Indonesia tại thủ đô tương lai Nusantara ở tỉnh Đông Kalimantan hôm 5-6 - Ảnh: AFP

Chỉ khoảng hai tháng nữa Indonesia dự kiến sẽ khánh thành thủ đô mới của nước này - Nusantara. Tuy nhiên tương lai của Nusantara bỗng nhiên bị đặt dấu hỏi vì một sự việc phát sinh gần đây: Hai quan chức cấp cao giám sát dự án dời đô trị giá hơn 30 tỉ USD này đột nhiên từ chức.

Làm tăng hoài nghi

Cụ thể, ông Bambang Susantono, cựu quan chức tại Ngân hàng Phát triển châu Á và là người đứng đầu dự án Nusantara, cùng cấp phó của ông là kiến trúc sư Dhony Rahajoe bất ngờ từ chức vào ngày 3-6.

Tổng thống Widodo đã bổ nhiệm Bộ trưởng Công trình công cộng và nhà ở Basuki Hadimuljono và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Raja Juli Antoni lần lượt làm quyền lãnh đạo và phó lãnh đạo Cơ quan quản lý thủ đô Nusantara.

Hai ông Bambang Susantono và Dhony Rahajoe không giải thích về quyết định từ chức. Nhưng theo báo South China Morning Post, quyết định của họ đã làm gia tăng các nghi ngờ về dự án Nusantara vốn đã bị chậm trễ và thiếu nhà đầu tư. Trang Business Insider bình luận mọi thứ có thể đang không diễn ra theo kế hoạch tại Nusantara.

Giới phân tích cho rằng dự án này có thể đang được đẩy nhanh để bảo vệ di sản của ông Widodo trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào tháng 10 năm nay.

Nhà nghiên cứu Trissia Wijaya tại ĐH Ritsumeikan (Nhật) chỉ ra rằng người ta lo ngại dự án này đã được thực hiện vội vã mà không có đủ sự tham vấn công khai, dẫn tới nhiều vấn đề.

Bà Trissia cho rằng Nusantara dường như là một dự án phức tạp, quy mô lớn "mang động cơ chính trị", và "gần như không có khả năng đứng vững về kinh tế".

Bà đánh giá việc từ chức không hoàn toàn bất ngờ vì cả hai quan chức đứng đầu dự án trên đều là những "nhà kỹ trị", có khả năng họ đã chịu quá nhiều áp lực chính trị để theo đuổi các mục tiêu không hợp lý.

Ông Dedi Dinarto, nhà phân tích hàng đầu về Indonesia tại công ty tư vấn chiến lược Global Counsel, nhận định động thái từ chức cũng có thể là do Tổng thống Widodo không hài lòng với "khả năng thu hút đầu tư tư nhân, đặc biệt từ nước ngoài, vào thủ đô mới" của Cơ quan quản lý thủ đô Nusantara.

Ngoài ra, trong số nhiều vấn đề mà Nusantara đối mặt còn có vấn đề đất đai. Một số dân tộc bản địa của Indonesia coi vùng đông Borneo là quê hương mình, và họ đang đấu tranh chống lại kế hoạch của Chính phủ Indonesia về việc phải di dời để nhường chỗ cho thủ đô mới.

Bộ trưởng Công trình công cộng và nhà ở Basuki Hadimuljono đầu tháng này cho biết: "Chúng tôi sẽ sớm có quyết định về tình trạng sở hữu vùng đất.

Cho dù chúng tôi bán, cho thuê hay có sự hợp tác giữa chính phủ và các công ty, chúng tôi đều sẽ đẩy nhanh tiến độ để các nhà đầu tư không còn nghi ngờ gì nữa".

Tương lai khó đoán

Tổng thống Widodo trấn an công chúng rằng việc xây dựng Nusantara sẽ "tiếp tục theo tầm nhìn chung đã được đặt ra".

Tầm nhìn của ông Widodo dành cho Nusantara là biến vùng đất rộng 2.560km2 nằm giữa khu rừng nhiệt đới ở tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo thành một thành phố thông minh và xanh, dự kiến sẽ trở thành trung tâm chính trị của Indonesia vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, kế hoạch di dời 12.000 công chức đến thủ đô mới vào tháng 9 đã bị trì hoãn hai lần trong lúc chính phủ chạy đua xây dựng các hạ tầng cần thiết.

Jakarta - thủ đô hiện tại của Indonesia với khoảng 10 triệu dân - đã trở nên quá tải, ùn tắc giao thông nghiêm trọng cũng như ngập lụt thường xuyên và sụt lún. Những vấn đề này đã thúc đẩy Indonesia dời đô.

Theo Tổng thống Widodo, một phần động lực xây dựng thủ đô mới Nusantara là mở rộng phát triển kinh tế sang các khu vực khác nhau của xứ sở vạn đảo, ra bên ngoài đảo đông dân Java. Đầu tháng này ông Widodo đã đến thăm Nusantara để khánh thành các tòa nhà và dự án mới, trong đó có trường học.

Tuy nhiên Indonesia đã phải chật vật trong việc tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài. Tháng 11 năm ngoái, ông Widodo cho biết mặc dù các nhà đầu tư nước ngoài - bao gồm Singapore, Trung Quốc và Nhật Bản - bày tỏ quan tâm đến dự án nhưng "chưa có khoản đầu tư thực sự nào" được triển khai.

Lễ khánh thành thủ đô mới Nusantara dự kiến được tổ chức vào ngày 17-8 năm nay, đúng vào dịp kỷ niệm quốc khánh Indonesia.

Tuy nhiên, dự án này phải đến năm 2045 mới hoàn thành toàn bộ theo kế hoạch. Khoảng 6.000 nhân viên chính phủ dự kiến sẽ chuyển đến thành phố này kịp thời cho lễ nhậm chức của tân tổng thống vào tháng 10 tới.

Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto (dưới thời Tổng thống Widodo) sẽ lên thay ông Widodo vào tháng 10, đã chọn ông Gibran Rakabuming Raka - con trai của ông Widodo - làm phó tướng, và cam kết sẽ tiếp tục các chính sách của người tiền nhiệm, gồm cả dự án xây thủ đô mới.

Tuy nhiên giới quan sát cho rằng còn quá sớm để biết ông Prabowo có dành nhiều thời gian và tiền bạc cho dự án như người tiền nhiệm mong muốn hay không.

Trong vài tháng qua, ông Prabowo được đánh giá là đã rất tích cực trên trường quốc tế, nhưng ông ít đề cập đến thủ đô mới hay cách thức ông sẽ tiếp tục thực hiện dự án này.

2045

Theo Hãng tin Antara, quá trình phát triển cơ sở hạ tầng tại thủ đô mới Nusantara của Indonesia được chia thành 5 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 từ năm 2022 - 2024, còn giai đoạn 2 đến giai đoạn 5 kéo dài từ năm 2025 - 2045.

Tổng thống Indonesia: Thủ đô Nusantara đã hoàn thiện đến 80%Tổng thống Indonesia: Thủ đô Nusantara đã hoàn thiện đến 80%

Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ mở văn phòng mới tại thủ đô Nusantara khi quá trình xây dựng hệ thống nước sạch hoàn thành vào tháng 7 tới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên