19/05/2016 19:03 GMT+7

Hai di sản Việt là di sản tư liệu thế giới

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - Hai di sản “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” và “Mộc bản trường học Phúc Giang” (Hà Tĩnh) của Việt Nam trở thành di sản tư liệu thế giới.

Một tư liệu trong hồ sơ “Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế” - Ảnh: Nhật Linh
Một tư liệu trong hồ sơ “Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế” - Ảnh: Nhật Linh

Chiều 19-5, Hội nghị toàn thế lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP, thuộc UNESCO) họp tại Huế chính thức công nhận hai di sản là “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” và “Mộc bản trường học Phúc Giang” (Hà Tĩnh) của Việt Nam trở thành di sản tư liệu thế giới.

Có 16 hồ sơ di sản  của 10 quốc gia đệ trình MOWCAP xem xét. Sau hai ngày thảo luận, các đại biểu tham dự hội nghị bỏ phiếu công nhận 14 di sản của chín quốc gia trở thành di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2016. 

Cụ thể: Trung Quốc có bốn di sản, Việt Nam và Hàn Quốc: 2; các nước Malaysia , Uzbekistan, Nhật Bản, Iran, Myanmar và Mông Cổ: 1.

Một di sản của Malaysia và một của Singapore chưa được công nhận.

Bộ hồ sơ “Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế” và “Mộc bản trường học Phúc Giang” (Hà Tĩnh) được các chuyên gia đánh giá là xuất sắc và được đưa lên hàng đầu trong bản danh sách.

Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là toàn bộ hệ thống văn tự chữ Hán  dưới dạng các bài văn thơ được chạm khắc trên các kiến trúc gỗ thuộc quần thể di tích Cố đô Huế giai đoạn 1802-1945.

Theo các chuyên gia, đây là những di sản tư liệu độc đáo, là những bản gốc, duy nhất hiện chỉ còn ở Việt Nam và có giá trị nổi bậc toàn cầu.

Mộc bản trường học Phúc Giang (Hà Tình) tại triển lãm “Di sản tư liệu thế giới tại Việt Nam” tại Huế diễn ra vào ngày 16-5 - Ảnh: Nhật Linh
Mộc bản trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh) tại triển lãm “Di sản tư liệu thế giới tại Việt Nam” (Huế) - Ảnh: Nhật Linh

Mộc bản trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh) là tư liệu gốc do các danh nhân dòng họ Nguyễn Huy cùng đội ngũ thợ khắc tạo ra từ giữa thế kỷ 18. Trên cơ sở tham khảo, tóm tắt và bổ sung các sách kinh điển của Nho giáo, các thầy giáo dòng họ Nguyễn Huy biên soạn và khắc in các tập sách, phục vụ việc dạy và học của trường học Phúc Giang. 

Điểm đặc biệt của di sản này là liên quan đến giáo dục ở một làng quê xa kinh thành, là khối mộc bản duy nhất về văn hóa, giáo dục của một dòng họ được lưu giữ ở Việt Nam.

Trước đó, Việt Nam có bốn di sản được công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương là Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442-1779) và Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (tỉnh Bắc Giang).

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên