Ông Võ Văn Hoan, phó chủ tịch UBND TP.HCM, trả lời phần liên quan đến TP.HCM tham gia ở diễn đàn - Ảnh: N.BÌNH
Đây là thông tin được ông Nguyễn Thành Phong - phó trưởng Ban Kinh tế trung ương - cho biết tại buổi họp báo công bố sự kiện Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022 được tổ chức ngày 31-5.
Sau 3 lần tổ chức ở Hà Nội, đây là lần đầu tiên diễn đàn được diễn ra ở TP.HCM với thông điệp mạnh mẽ về sự phục hồi, phát triển của TP sau giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Theo đó, nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022, phiên toàn thể và đối thoại chính sách cấp cao sẽ có sự tham gia của bộ trưởng Bộ Tài chính, bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các chuyên gia, để cùng tập trung thảo luận về kinh tế toàn cầu và xu hướng lớn về hợp tác kinh tế quốc tế hiện nay, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị rủi ro quốc gia trong bối cảnh hiện nay....
Các lãnh đạo sẽ cùng thảo luận, đối thoại về những đề tài mang tính thời sự, liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Ông Trần Tuấn Anh - ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Kinh tế trung ương - phát biểu khai mạc và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tổng kết.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Phong, trong buổi sáng 5-6, chương trình sẽ có 3 chuyên đề: (i) Hội thảo Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch COVID-19; (ii) Hội thảo Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản; (iii) Hội thảo Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Với chủ đề “Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới”, trọng tâm của diễn đàn là thảo luận, trao đổi để làm rõ nội hàm về kinh tế độc lập, tự chủ của Việt Nam trong bối cảnh hiện tại. Đại diện các bộ, ban ngành, doanh nghiệp, chuyên gia, tổ chức quốc tế sẽ cùng trao đổi, chia sẻ ý kiến, quan điểm. Dự kiến, quy mô diễn đàn sẽ khoảng 600 người.
Ban tổ chức cũng mong muốn, diễn đàn còn là nơi đề xuất các chính sách, chủ trương, biện pháp lớn để củng cố và phát huy nội lực kinh tế, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài.
Nói thêm về các phiên chuyên đề, ông Phong cho biết thành tố cơ bản của kinh tế độc lập, tự chủ là tự chủ về công nghệ và thị trường trong nước. Trong đó, tự chủ về công nghệ là cốt lõi, trụ đỡ của chiến lược phát triển quốc gia. Còn thị trường trong nước cùng với thể chế là đòn bẩy. Đây cũng là nội dung chính cần làm rõ trong diễn đàn.
Ông Nguyễn Tú Anh, vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế trung ương, cũng cho biết từ các diễn đàn lần trước, nhiều kiến nghị, chia sẻ đã được đưa vào cuộc sống, trở thành nguyên liệu "đầu vào" cho Chính phủ, Quốc hội và lãnh đạo thay đổi, đưa ra những quyết sách đổi mới về thể chế, môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, người dân.
Cụ thể, các ý kiến đưa ra ở những diễn đàn trước đã được chắt lọc đưa vào chính sách, chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025 hay 2025-2030 cũng như các nghị quyết về phát triển đất đai, năng lượng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận