20/11/2020 15:30 GMT+7

Hà Tĩnh phấn đấu người dân vùng ngập lụt đều có áo phao vào cuối năm 2021

DOÃN HÒA
DOÃN HÒA

TTO - Đó là một trong những nội dung Nghị quyết về khắc phục hậu quả thiên tai lần đầu tiên do Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng ký sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Hà Tĩnh phấn đấu người dân vùng ngập lụt đều có áo phao vào cuối năm 2021 - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh đưa một cụ già ở xã Thạch Đài đi di tản đợt mưa lũ vào tháng 10-2020 - Ảnh: DOÃN HÒA

Theo Nghị quyết của Tỉnh ủy Hà Tĩnh trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã gây bão lớn, siêu bão, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, nắng nóng... với cường độ và tần suất ngày càng lớn.

Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 2010-2019, thiên tai đã làm 105 người chết, 344 người bị thương; hàng ngàn ngôi nhà bị sập, trôi, tốc mái; sản xuất nông nghiệp, kết cấu hạ tầng... bị ảnh hưởng nặng nề.

Chỉ riêng trong tháng 10-2020, Hà Tĩnh liên tiếp xảy ra các đợt mưa lớn gây ngập lụt hơn 42.450 hộ thuộc 118/216 xã, phường, thị trấn, nhất là các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh, tình trạng sạt lở đất xảy ra ở nhiều nơi.

Mưa lũ đã làm 6 người chết, hơn 6.980ha lúa, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản, rau màu bị hư hại, mất trắng; hàng ngàn gia súc, gia cầm bị chết, tổng thiệt hại trên 5.300 tỉ đồng.

Nghị quyết của Tỉnh ủy Hà Tĩnh đề ra mục tiêu chung huy động cả hệ thống chính trị và mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tại chỗ, khắc phục kịp thời, hiệu quả những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Một trong số những mục tiêu quan trọng nghị quyết đưa ra là: phấn đấu đến hết tháng 6-2021, đảm bảo 100% gia đình bị thiệt hại về nhà ở do thiên tai gây ra đều có chỗ ở an toàn; những hộ dân có nhà bị đổ, sập, hư hỏng nặng được hỗ trợ xây dựng nhà ở mới hoặc sửa chữa kiên cố.

Ưu tiên nguồn lực khôi phục ngay các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống, đảm bảo các cơ sở y tế, trường học, điện, nước sạch sinh hoạt trở lại hoạt động bình thường trong tháng 11-2020.

Phấn đấu đến cuối năm 2021, người dân vùng thường xuyên bị ngập lụt cơ bản được trang bị áo phao cứu sinh; 100% thôn, xóm, tổ dân phố, vùng thường xuyên bị ngập lụt có thuyền nhỏ dân sinh để chủ động ứng phó với lũ, lụt.

Từ nay đến cuối năm 2025, mỗi xã thường xuyên bị ngập lụt xây dựng được 1-3 nhà phục vụ cộng đồng cho nhân dân tránh trú lụt, bão trên cơ sở nâng cấp các nhà văn hóa thôn xóm, trụ sở, trường học hoặc xây dựng mới.

Đối với công trình hồ Kẻ Gỗ, chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai dự án thoát lũ hạ du hồ Kẻ Gỗ, nghiên cứu tổng thể và có giải pháp tăng khả năng phòng lũ của hồ chứa, tăng cường tiêu thoát lũ và giảm ngập lụt cho vùng hạ du trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan.

Mưa trắng trời, đường phố như sông, người dân Hà Tĩnh nháo nhào di tản Mưa trắng trời, đường phố như sông, người dân Hà Tĩnh nháo nhào di tản

TTO - Nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đang khẩn trương giúp người dân sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn trước diễn biến mưa lũ, sạt lở đất phức tạp.

DOÃN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên