31/08/2012 06:05 GMT+7

Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu

TRẦN HUY
TRẦN HUY

TT - Trước nay đã có không ít sách báo, công trình nghiên cứu về lịch sử, kinh tế, xã hội thành phố Sài Gòn thời kỳ đầu Pháp thuộc. Tuy vậy, riêng đề tài hạ tầng đô thị của Sài Gòn thời kỳ này thì lại còn nhiều khoảng trống, nhất là thiếu cái nhìn bao quát, toàn diện.

Cuốn Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu của Trần Hữu Quang sẽ góp một phần vào việc vẽ lại bức tranh toàn cảnh đó.

T3cX4ORc.jpgPhóng to
Sách do NXB Tổng Hợp TP.HCM ấn hành - Ảnh: Thanh Đạm

Cuốn sách gồm bảy phần, khảo cứu về đường sá, giao thông liên lạc, công trình xây dựng, cống rãnh và vệ sinh, cây xanh và công viên, hệ thống cấp nước, đèn đường và điện lực ở Sài Gòn xưa.

Bằng nguồn tư liệu phong phú, đáng tin cậy là biên bản các cuộc họp của hội đồng thành phố lúc ấy và các ghi chép, các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, tác giả trình bày một cách có hệ thống sự thay đổi diện mạo của một Bến Nghé - Gia Định vốn là nơi đô hội “trên bến dưới thuyền” thời phong kiến thành một Sài Gòn đô thị thời thuộc địa. Quá trình đó khởi đi bằng việc lấp kinh rạch mở những con đường chính ở trung tâm thành phố (nay là Lê Lợi, Hàm Nghi, Đồng Khởi...), khai thác nguồn nước giếng, khởi công xây dựng các công thự, tòa nhà lớn theo kiến trúc phương Tây, mở tuyến tramway (tương tự tàu điện, chạy bằng hơi nước) đầu tiên Sài Gòn - Chợ Lớn, dựng hàng trăm đèn đường thắp bằng dầu phụng... cho đến khi xuất hiện nhà máy nước, nhà đèn đầu tiên, lắp đặt hệ thống điện thoại, xây dựng sân bay Tân Sơn Nhất...

Điểm đáng nói - và cũng là bài học rút ra từ quá trình này, theo tác giả, chính là xu hướng duy lý hóa (rationalization) và quy chuẩn hóa (normalization) mà chính quyền thuộc địa Pháp ở Sài Gòn đã thực hiện. Mọi thứ đều được tính toán và tuân thủ các chuẩn mực, quy tắc về quy hoạch, quản lý đô thị ngay từ đầu, từ việc xác định cốt nền, phân khu chức năng, phương hướng phóng đường cho đến chuyện trồng cây, lắp đèn đường...

Nhận xét về cuốn sách này, học giả Nguyễn Đình Đầu cho rằng “đây là một công trình rất có giá trị”, “một công trình rất mới mẻ, không phải chỉ về nội dung - chưa thấy có nhiều công trình nghiên cứu khoa học dành riêng cho chủ đề này - mà cả về phương pháp và cách thức triển khai đề tài” (Lời giới thiệu).

TRẦN HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên