Ông Phạm Phú Quốc - Ảnh: Nam Trần |
Việc phân bổ nguồn lực ra sao phải có một người cầm trịch, mà người đó không ai khác ngoài Chính phủ. Muốn biến kinh tế vùng, quy hoạch có liên đới vùng thành hiện thực thì trước mắt Chính phủ phải nhảy vào cuộc, làm chủ đạo |
Trao đổi với Tuổi Trẻ dưới góc nhìn kinh tế, ông PHẠM PHÚ QUỐC - đại biểu Quốc hội, tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính TP.HCM (HFIC) - nhấn mạnh nguyên tắc: “Hạ tầng đi trước, đất nước đi lên”. Ông nói:
- Tại Quốc hội hay hội đồng nhân dân, nói đến vấn đề đầu tư cho hạ tầng thì ai cũng ủng hộ. Vấn đề là có tiền làm hay không.
Thứ hai là tầm nhìn chiến lược quốc gia, chừng đó ngân sách phân bổ như thế nào. Chỗ nào mình thấy kinh tế sẽ phát triển, đang phát triển và sẽ phát triển mạnh thì đầu tư để đáp ứng đà phát triển đó.
Còn nếu mình không đầu tư cho nơi đó đúng nghĩa, gia tốc không tương xứng thì sau này sự phát triển bị khựng lại, rất uổng. Một số tỉnh thành, nhất là Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ là vựa lúa sản xuất, kinh tế thị trường đã hình thành, rất cần đầu tư về hạ tầng.
* Như vậy, đầu tư vào khu vực nào để thúc đẩy, kéo theo cả nền kinh tế phát triển cần có sự tính toán, tầm nhìn về chiến lược. Điều này có liên quan đến rất nhiều thứ, nhất là quy hoạch vùng?
- Đúng là điều này cần đến tầm nhìn chiến lược, liên quan tới rất nhiều thứ như Luật đầu tư công, phân bổ ngân sách. Hiện giờ cụm từ “quy hoạch vùng” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Đối với TP.HCM, thế trận là trung tâm kinh tế đã hình thành và được khẳng định rồi. TP có sân bay quốc tế lớn nhất, đầu tư hạ tầng tốt cho các cảng nước sâu như Hiệp Phước, Tân Cảng, hướng ra Cái Mép ở Vũng Tàu hay tính toán vươn tới sân bay Long Thành sau này.
Đối với khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ thì địa hình sông rạch, ruộng đồng là lợi thế. Ví như quy hoạch một đường băng qua ruộng sẽ dễ hơn là băng qua những địa thế khác.
Những lợi thế mình phải tính toán là đường sắt song hành với đường thủy, đường bộ. Khi giải phóng mặt bằng để làm quốc lộ thì tính toán đến đường sắt song hành, để giải phóng một lần thôi.
Nếu làm hai ba loại đường, giải phóng nhiều lần rất tốn chi phí tư vấn, tính toán khả thi, tiền khả thi, dân cư di động nhiều lần.
Đặc thù của miền Tây Nam Bộ là kênh rạch, sông nước - Ảnh: Chí Quốc |
* Vậy TP.HCM có thể làm gì và phải làm gì, thưa ông?
- TP.HCM là đầu tàu kinh tế cũng phải tính toán chiến lược để làm tốt nhiệm vụ của một đầu tàu. Mỗi người có một cách nhìn, nhưng riêng anh đã được giao nhiệm vụ là trọng tâm kinh tế buộc phải có cái nhìn tổng thể.
Anh không thể chỉ nhìn quy hoạch trong TP mình mà còn phải quy hoạch kết nối với các tỉnh thành xung quanh.
Người ta không có sân bay quốc tế nên buộc phải dùng sân bay quốc tế của anh, không có cảng nước sâu buộc phải dùng cảng nước sâu của anh...
Kho bãi hàng hóa, đầu mối giao thương quốc tế, tổ chức tài chính, các hội chợ hội thảo quốc tế, logistics... cũng phải tập trung trong một trung tâm kinh tế thì mới giao dịch được.
* Trong các loại hình giao thông ở khu vực Nam Bộ, ông đặc biệt cho rằng đường sắt phải song hành với đường bộ. Điều này có ý nghĩa như thế nào?
- Tôi cho rằng đường sắt là một trong những cái cần tính toán về mặt chiến lược. Vì đường sắt sẽ vận chuyển rất tốt về mặt hàng hóa, đảm bảo được môi trường, tiết kiệm diện tích, đỡ được tai nạn...
Vừa rồi TP cũng đã chủ động tính toán đường sắt từ TP.HCM đến Cần Thơ, điều này rất tốt.
Tôi cũng có gặp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa, nói tới dự án đường sắt này gần như Bộ trưởng ủng hộ. Tất nhiên còn phải trình, phải thẩm định, nhưng ra Quốc hội tôi tin rằng đại biểu Quốc hội sẽ đồng ý.
Trên thế giới, ngay cả nước phát triển như Mỹ người ta vẫn tính toán phát triển đường sắt. Ông tỉ phú Warren Buffet đã quyết tâm mua lại đường sắt và đầu tư vào để nâng cấp nó lên.
Những cái đầu chiến lược như vậy người ta đã nhìn ra chuyện đó. Ở Mỹ, có những dự án đầu tư rất lớn mà chính phủ cũng không thể đầu tư được, nhưng tư nhân dám dành ra cả cuộc đời, dùng hết cả gia tài dòng tộc để nghiên cứu, đầu tư và làm được.
Ở Việt Nam, tôi cho rằng với tình hình ngân sách, chi thường xuyên lớn và bộ máy như vậy trong 10 năm hay 20 năm nữa cũng khó có thể được đầu tư lớn về mặt hạ tầng.
Nguồn lực chính vẫn phải là từ xã hội, từ tư nhân và phải mở ra thể chế để người ta có thể bỏ cả gia sản vô để nghiên cứu những vấn đề giao thông tốt nhất, an toàn nhất, hiệu quả nhất.
Nếu trong nước còn chưa có điều kiện làm thì gắn thêm nguồn lực nước ngoài để vừa học hỏi vừa sáng tạo thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận