"Anh tài" nấu phở khu vực phía Bắc tới Văn phòng Hà Nội của báo Tuổi Trẻ nghe Ban tổ chức cuộc thi Đi tìm người nấu phở ngon 2019 phổ biến quy chế - Ảnh: NAM TRẦN
Chiều 15-11, các đầu bếp chuyên và không chuyên đã hội tụ tại Văn phòng Hà Nội của báo Tuổi Trẻ để nghe phổ biến về quy chế của cuộc thi "Đi tìm người nấu phở ngon 2019".
Cuộc thi đã thu hút không chỉ các chủ hàng phở, đầu bếp, giám sát nhà hàng mà còn hấp dẫn cả những người nấu ăn không chuyên muốn thử sức với món phở.
Bà Đỗ Thị Mỹ Thái, người đã làm trong ngành ăn uống suốt 14 năm nay, sau khi tạo dựng cửa hàng riêng Phở Hưng (Tô Hiệu, Hà Nội) cho con gái, đang làm giám sát tại chuỗi Phở Cội, cho biết con trai của bà ở TP.HCM đã đăng ký cho bà đi dự thi.
"Món phở tôi mang đến cuộc thi sẽ không dùng mì chính, mà dùng rau củ để tạo vị ngọt tự nhiên. Tôi rất háo hức với cuộc thi này vì nấu ăn là đam mê cả đời của tôi", bà Thái chia sẻ.
Anh Phạm Quý Long tự nhận là "tay ngang" nhưng vẫn rất tự tin khi tham dự cuộc thi - Ảnh: NAM TRẦN
Trong số "dân chuyên" dự thi, anh Phạm Quý Long (hiện đang công tác tại Nhà xuất bản Giáo dục) là "tay ngang". Người đàn ông đến từ Quảng Bình này bén duyên với món phở khi ra Hà Nội học và nhờ tài nấu ăn nên đã cưa đổ được một cô gái hiện là vợ anh.
"Hồi còn yêu nhau, vợ tôi ở trọ nhà một bác bán phở, mỗi lần đến chơi với cô ấy tôi thường phụ nấu cho bác bán phở và tranh thủ học hỏi cách nấu. Đến khi kết hôn rồi, vợ tôi rất thích đồ ăn tôi nấu và chỉ thích ăn tại nhà. Suốt 10 năm nay, gần như mỗi tuần tôi đều nấu một bữa phở cho gia đình", anh Long hào hứng chia sẻ.
Anh Long cho biết mình đã từng nấu hỏng rất nhiều nồi phở để đến giờ được người thân công nhận là nấu phở ngon.
"Tôi nghĩ món phở đã được cha ông mình làm rất ngon rồi nên khó để sáng tạo thêm. Tôi vẫn muốn giữ hương vị truyền thống, tuy nhiên cũng có cải tiến. Bắt chước cách người Nhật nấu canh tạo vị ngọt bằng rong biển và cá thì với phở, ngoài thịt và xương, tôi sẽ sử dụng vị ngọt từ rau củ. Tôi cũng sẽ sử dụng nấm hương để kích thích vị giác người ăn".
Anh Hoàng Minh Hiền, đầu bếp của Công ty cổ phần Nha Trang Bay, cho biết anh mới chỉ nấu phở cho người nhà và người ở công ty khoảng bốn, năm năm nay. Công ty đã động viên anh đi thi để học hỏi từ các đầu bếp khác.
"Tôi có hơi căng thẳng nhưng cũng sẽ làm hết mình khi bước vào cuộc thi", anh Hiền nói.
Tham gia cuộc thi "Đi tìm người nấu phở ngon 2019", bà Lê Thị Thiết, người chuyên đào tạo nấu phở của thương hiệu Phở Xưa Nam Định, cho biết bà mong muốn giới thiệu hương vị phở Nam Định truyền thống.
"Nhiều quốc gia trên thế giới rất có ý thức trong việc giữ hương vị các món ăn truyền thống. Có nước sử dụng nước mắm có mùi rất khó chịu, nhưng họ vẫn kiên trì giới thiệu đến thực khách vì họ quan điểm rằng món ăn phải có hương vị riêng và phải giữ được hương vị đó. Tôi quan sát thì thấy phở ở Việt Nam hiện giờ đang ngả theo xu hướng chiều theo thực khách và đang dần đánh mất hương vị của mình. Hội nhập là cần thiết nhưng mặt khác vẫn phải giữ hồn của phở, chính là hương vị đặc trưng của món phở", bà Thiết cho biết.
8h sáng ngày mai (16-11), các đầu bếp phía Bắc sẽ tập trung tại tại Nhà hàng Lộc Việt, số 6 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội. Cuộc thi sẽ bắt đầu từ 9h đến 10h30.
Ngoài chấm hương vị món phở, cách trình bày, các giám khảo còn chấm cả kỹ thuật chế biến, phong thái của đầu bếp. Các thí sinh được ban tổ chức cấp kinh phí mua nguyên liệu cũng như dụng cụ nấu bếp. Thí sinh được phép chế nước dùng tại nhà và chọn nguyên liệu (có cam kết về chất lượng vệ sinh thực phẩm).
Cuộc thi "Đi tìm người nấu phở ngon năm 2019" gồm hai vòng loại tại Hà Nội và TP.HCM nhằm chọn ra những người xuất sắc nhất tham gia chung kết diễn ra vào 8-12 ở White Palace TP.HCM.
Vòng chung kết sẽ chọn ra top 5 Hoa hồi vàng (với giải thưởng mỗi người trị giá 30 triệu đồng) và top 5 Hoa hồi bạc (với giải thưởng trị giá 10 triệu đồng) kèm chứng nhận của Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận