06/11/2003 06:00 GMT+7

Hà Nội: nhà tập thể cứ cơi, cứ nới

HOÀNG TUẤN SƠN
HOÀNG TUẤN SƠN

TT - Ông bác tôi đi thăm con gái sống ở khu tập thể Bộ Tài chính (Hoàn Kiếm, Hà Nội) về than thở: “Tao cứ nghĩ đất thủ đô phải rộng lắm, thế mà vào nhà nó cứ chui chui, chật hẹp, thà sống ở quê còn hơn”. Sống ở quê còn hơn... Nhưng công việc ở đó, người thân ở đó, không ở thì biết đi đâu. Vậy là người ta tìm mọi cách cơi nới nhà của mình.

Những cái cớ chính đáng

xKwSWHeM.jpgPhóng to
Một căn nhà ở khu G5 (khu tập thể Thanh Xuân Nam, Hà Nội) đang... cơi nới
TT - Ông bác tôi đi thăm con gái sống ở khu tập thể Bộ Tài chính (Hoàn Kiếm, Hà Nội) về than thở: “Tao cứ nghĩ đất thủ đô phải rộng lắm, thế mà vào nhà nó cứ chui chui, chật hẹp, thà sống ở quê còn hơn”. Sống ở quê còn hơn... Nhưng công việc ở đó, người thân ở đó, không ở thì biết đi đâu. Vậy là người ta tìm mọi cách cơi nới nhà của mình.

Những cái cớ chính đáng

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, gần 40% hộ gia đình ở Hà Nội sống trong không gian dưới 36m2. Tất nhiên trong số đó không ít nằm ở các khu chung cư. Diện tích đó chỉ đủ cho một cặp vợ chồng và con cái của họ sinh sống. Đến khi dân số tăng lên, các hộ này đành phải cơi nới ra phía ngoài cửa sổ. Đi đôi với cơi nới là cải tạo, bởi lẽ các căn hộ đó đều đã xuống cấp trầm trọng.Vậy là căn nhà giống như chàng hoàng tử cóc, ngoài thì xấu xí mà trong thì sáng sủa, đẹp đẽ. Họ phải làm để có thêm diện tích, có phòng cho con học.

Cũng theo Bộ Xây dựng, hiện tại có 19% gia đình ở đô thị đang sống trong các khu tập thể. Hải Huệ (sinh viên ĐHQG Hà Nội) đang sống ở khu tập thể Nghĩa Tân (Cầu Giấy) than thở: “Nhà gì mà bé như cái lỗ mũi, quay ra quay vào cứ đụng phải mặt nhau”. Gia đình Huệ được phân căn nhà này từ những năm 1980 và hiện vẫn chưa sửa chữa. Huệ vẫn tìm cách đến trường nhiều hơn vì ở trong nhà quá bức bí. Cô đang chờ gia đình nới rộng nhà để có phòng học riêng cho mình.

Xây cho nhà “ngang, ngang” mãi

Quĩ nhà ở chung cư được thành lập từ nhiều nguồn khác nhau nhưng chưa được quản lý chặt chẽ. Theo các chuyên gia Bộ Xây dựng, đây là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng đục phá, sửa chữa lung tung, tùy tiện không xin phép. Không thể cơi cao lên, đa phần các hộ ở chung cư đành phải nới ra ngoài khoảng không. Tầng một nới ra lối đi, sân chung. Các thợ xây làm công việc này luôn sẵn và rất lành nghề. Qui trình cơi nới cho một căn hộ tập thể khá đơn giản và nhanh chóng.

Đầu tiên họ sẽ đục bức tường phía mà gia chủ yêu cầu mở rộng (thường là ra phía cửa sổ). Tiếp đó họ dùng những thanh dầm sắt rộng cỡ bàn tay đặt lên nền nhà cũ, đổ bêtông lên trên để giữ làm tay đòn. Những thanh dầm sắt này đã được gấp góc để tạo hiệu ứng lực và phần nhô ra để cơi nới chỉ bằng 1/3 chiều dài của nó nhằm tăng độ chịu lực. Sau khi hoàn thành công đoạn trên, thợ sẽ tiến hành xây dựng, hoàn thiện.

Các ông thợ này cũng tính toán rất kỹ càng. Họ tìm cách giảm tối đa việc xây dựng bằng các vật liệu nặng. Thay vào đó họ sử dụng gạch nhẹ, sắt phi nhỏ, nhôm... để giảm trọng lượng đè lên những cánh tay đòn yếu ớt phía dưới. Thế nhưng cũng có không ít nhà có hiện tượng nứt, võng chỉ sau một thời gian đưa vào sử dụng.

Bác Phan Dũng ở nhà A (tập thể Bộ Tài chính) nguyên là cán bộ Bộ Tài chính. Hồi còn công tác bác mua được một căn hộ ở khu tập thể nói trên. Nhưng ngay sau đó bác đã phải xây bít cái bancông để làm phòng cho con trai và cô con dâu mới. Vậy mà nhà chật vẫn hoàn chật khi cả nhà có thêm thằng cháu nội. Thế là anh con trai đành phải sơ tán bố mẹ đến nhà người quen để tiến hành cơi nới. Căn nhà trước đó rộng 35m2, sau khi cơi nới xong tăng thêm được 10m2. Để hoàn thành, gia đình bác đã bỏ ra gần hai tháng ở nhờ và 70 triệu đồng. Theo lời bác, “70 triệu xây được một cái nhà hai tầng ở quê”. Còn ở đây chỉ thêm được vỏn vẹn 10m2 làm lối đi và để vật dụng gia đình. Bác khẳng định hầu hết hộ ở tập thể đều tiến hành cơi nới do nhu cầu cấp bách.

Mặt khác, theo Bộ Xây dựng, diện tích nhà ở theo đầu người ở đô thị tuy có tăng từ 7,2m2 lên 9,4m2 trong vòng 10 năm, nhưng dân số cũng tăng lên rất nhanh nên con số này không mang nhiều ý nghĩa. Bác nói: “Từ khi nới xong cái nhà da bác cứ trắng ra”. “Sao vậy?”. “ Vì chưa nới thì còn hai cái cửa sổ, nới xong rồi lại dùng rèm che nắng che hết cả. Suốt ngày ngồi dưới điện neon chả trắng là gì”.

Những chuồng chim lơ lửng

Có người bảo đi vào khu tập thể cứ như vào một trận đồ nào đó. Quả thật, trong những khu chung cư cứ san sát, lơ lửng những khu cơi nới giống như những chuồng chim. Trong giăng đầy quần áo, vật dụng mà trên thì chi chít ăngten. Mặt khác, do nhiều điều kiện khách quan nên có nhà nới rộng, có nhà nới hẹp. Vậy nên mặt hậu của khu tập thể cứ khấp khểnh như hàm răng của một bà lão quá tuổi.

Người trong cuộc ca thán vì tiếng ồn do việc cơi nới gây ra. Tiếng khoan, tiếng đục cứ xé tường chui từ nhà này qua nhà khác trong sự bất lực của chủ nhân, gây mất trật tự công cộng. Dưới tầng một thì lấn ra diện tích chung. Khu G6 -Thanh Xuân Nam sân chơi vốn đã hẹp nay càng hẹp hơn. Nó được một bà chủ nhạy bén nào đó tận dụng làm nơi trông xe cho Trường THPT Trần Hưng Đạo. Người ta ca thán vì tiếng ồn nhưng lại chẳng quan tâm xem con trẻ có chỗ chơi hay không.Và hơn nữa, không phải bất cứ hộ gia đình nào khi cơi nới đều xin phép các cơ quan chức năng.

Vấn đề nhà chung cư đang được nhiều cấp quan tâm. Họ tìm giải pháp nhà chung cư cho người thu nhập thấp. Nhưng theo kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, cách này còn nhiều nghịch lý chưa giải quyết được (theo ASHUI.com). Và như vậy cánh thợ chuyên cơi nới vẫn còn ối việc để làm.

HOÀNG TUẤN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên