Đầu năm 2022, TP Hà Nội vẫn cấm bán hàng tại chỗ ở một số quận vùng cam - Ảnh: PHẠM TUẤN
Mỗi tuần, UBND Hà Nội đều ban hành thông báo "xếp loại" cấp độ dịch. Theo đó, tùy vào số ca COVID-19 ghi nhận trong cộng đồng của từng quận, huyện, thị xã trong tuần, TP sẽ điều chỉnh cấp độ dịch theo từng địa phương.
Hiện TP Hà Nội đang lấy mốc địa giới hành chính để phân cấp độ dịch, những hàng quán tại "vùng xanh, vùng vàng" vẫn được mở bán tại chỗ, "vùng cam" chỉ được bán mang về. Điều đáng nói, người dân sống ở vùng nguy cơ cao vẫn có thể sang vùng "vàng, xanh" để ăn uống.
Vậy việc cấm bán hàng tại chỗ ở một số quận có cấp độ dịch cao liệu có ý nghĩa trong việc phòng chống dịch, hay gây thêm bất tiện cho người dân, khó khăn cho các chủ hàng quán?
"Ở vùng cam vẫn có thể sang vùng vàng, xanh ăn uống"
Một quán cà phê tại quận Đống Đa (vùng vàng) vẫn hoạt động bình thường (ảnh chụp sáng 13-1) - Ảnh: PHẠM TUẤN
Anh Lê Mạnh Linh (24 tuổi, Long Biên, Hà Nội) cho biết việc các hàng quán tại vùng có cấp độ dịch 3 chỉ được bán mang về như hiện nay gây nhiều bất tiện cho người dân.
"Tôi đang sống tại vùng cam, đi làm việc tại Ba Đình cũng thuộc vùng cam, nhưng đi ăn sáng, ăn trưa tôi đều phải qua các hàng quán ở quận Đống Đa, Tây Hồ... rất bất tiện.
Mặt khác, nếu cấm người dân ở vùng cam bán hàng tại chỗ thì họ cũng sẽ qua các quận có cấp độ dịch thấp hơn để ăn uống. Nên tôi thấy hiện việc cấm hàng quán bán tại chỗ không có nhiều ý nghĩa về việc phòng chống dịch, chưa kể tới việc quá đông người dân đổ dồn về một số quận, huyện để ăn uống như hiện nay còn nguy hiểm hơn", anh Linh nói.
Anh Linh cho rằng, trong bối cảnh độ phủ vắc xin ngừa COVID-19 đã cao, TP Hà Nội cũng đang triển khai tiêm mũi 3, nên cho hàng quán tại các quận huyện mở lại hoạt động bình thường, tránh tình trạng đóng mở liên tục, gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, đảo lộn cuộc sống của người dân.
"Người dân trong một năm qua đã lao đao bởi dịch bệnh, những ngày cận Tết là cơ hội để người ta kinh doanh, vớt vát lại chút ít", anh Linh trăn trở.
"Bán mang về ế lắm em ạ"
Trước đó, Hà Nội đã từng nới lỏng giãn cách, mở cửa hàng quán sau thời gian dài đóng cửa khi TP này áp dụng phòng dịch theo chỉ thị 16 của Thủ tướng - Ảnh: PHẠM TUẤN
Anh Cường - chủ một quán cháo lòng tại phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội - vừa mở cửa đón khách chưa được bao lâu, nay quận Ba Đình thuộc "vùng cam", anh lại phải ngậm ngùi treo biển "chỉ bán mang về".
"Ế lắm em ạ. Khách họ sẽ qua những quận vùng xanh, vàng để ăn, chứ giờ ít người mua mang về ăn lắm, vì rất bất tiện và lỉnh kỉnh", anh Cường nói.
Anh Cường cho hay, mong muốn lớn nhất của anh hiện nay là hàng quán sớm được mở bán tại chỗ, để còn "cày cuốc nốt" trong những ngày cận Tết.
"Đã đến lúc phải mở cửa hàng quán"
PGS Nguyễn Viết Nhung - Ảnh: NVCC
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS Nguyễn Viết Nhung - giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương - cho biết TP Hà Nội nên cho các hộ kinh doanh mở cửa hoạt động, không thể đóng cửa mãi.
"Địa giới hành chính hiện nay không tác dụng gì bởi chỉ cách nhau vài bước chân ở quận, huyện này hàng quán hoạt động sôi động, bên kia vùng cam hàng quán phải dừng phục vụ tại chỗ. Điều quan trọng nhất cần làm đó là các hàng quán được phép mở cửa nhưng phải đảm bảo điều kiện an toàn, đặc biệt việc đeo khẩu trang, giãn cách.
Cùng với đó, Hà Nội nên có quy định yêu cầu hàng quán kiểm soát, chịu trách nhiệm bằng việc ai đã tiêm đủ liều vắc xin được vào hàng quán, ai chưa tiêm thì tạm dừng đón tiếp", ông Nhung góp ý.
Ông Nhung cho biết, hiện nay yếu tố quyết định trong việc phòng chống dịch là ý thức chủ động của người dân, sự chủ động của chính quyền cơ sở.
Cụ thể, phường phải có năng lực kiềm chế số ca mắc mới, khuyến khích người dân khai báo, hỗ trợ người dân ở nhà, nếu không có điều kiện đến trạm y tế lưu động để đảm bảo điều kiện cách ly.
"Đã đến lúc Hà Nội nên cho mở cửa những cửa hàng tại những khu vực vùng cam để kinh doanh, đóng cửa mãi sao được" - ông Nhung nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận