Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Ảnh: Quochoi.vn
Sáng nay (1-6), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thay mặt Chính phủ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Hà Nội.
Theo đó, Chính phủ đề nghị quy định nâng mức trần nợ vay từ 70% lên 90% trên nguyên tắc Thủ đô phải đảm bảo khả năng trả nợ. Cho phép tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính thành phố để đầu tư hạ tầng và bảo đảm thu hồi trong thời hạn 36 tháng.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cơ chế đặc thù về tài chính sẽ tạo thêm nguồn thu cho TP Hà Nội có nguồn lực để triển khai các dự án lớn trong thời gian tới như làm đường sắt đô thị và xử lý môi trường (sông Đáy, sông Nhuệ).
Hà Nội cũng muốn được dùng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi các dự án đầu tư phát triển và chi thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội. Cho phép sử dụng kinh phí thường xuyên của một số đơn vị do tiết kiệm được để đầu tư công trình nhỏ mang tính chất xây dựng cơ bản, không phải theo quy trình của Luật đầu tư công.
Cho phép sử dụng ngân sách cấp TP hỗ trợ các địa phương khác (trong nước) để đầu tư xây dựng một số công trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo chương trình hợp tác giữa thủ đô và các địa phương.
Đồng thời, Chính phủ cũng đề nghị cho phép TP Hà Nội được thực hiện thí điểm thu phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí; tăng mức hoặc tỉ lệ thu phí không quá 1,5 lần đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí (không kể các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách trung ương hưởng 100%) được quy định trong danh mục phí ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí.
Các khoản thu tăng thêm ngân sách TP được hưởng 100% và không dùng để xác định tỉ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách TP.
Đồng thời, ngân sách TP Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất, được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND TP làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng với Thủ đô Hà Nội, không chỉ là một địa phương mà là trung tâm chính trị, vì vậy có cơ chế đặc thù cho Hà Nội là cần thiết, điều cần nhấn mạnh là phải thực hiện có hiệu quả, thiết thực.
Bà Phóng lấy ví dụ vừa qua khi thực hiện chính sách đưa một số cơ quan, đơn vị ra ngoại thành để giảm sức ép cho nội thành, thực tế thì nhiều cơ quan đã chuyển đến nơi mới rồi nhưng lại không bàn giao trụ sở cũ cho TP.
Cũng đề cập nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ: "Đối với các bộ, ngành đã chuyển đi rồi nhưng không chuyển giao lại trụ sở, đất đai cho TP Hà Nội, Chính phủ cần có biện pháp. Nếu không Hà Nội không thể thực hiện được chủ trương, chính sách của Chính phủ và Quốc hội".
Đối với quyền quyết định mức thu phí, theo Ủy ban Tài chính - ngân sách, không nhất thiết phải quy định mức tối đa bằng 1,5 lần mức trung bình, trao sự linh hoạt cho HĐND TP.
Đồng tình, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng "Hà Nội có thể thu phí gấp 3-4 lần mức chung, nhưng phải hợp lý và nhận được sự đồng thuận của xã hội".
Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với các nội dung mà Chính phủ trình, đồng ý trình Quốc hội xem xét, quyết định vào đợt 2 của kỳ họp thứ 9 này (bắt đầu từ ngày 8-6).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận